+Aa-
    Zalo

    Cuba: Cáo buộc của Mỹ về “tấn công sóng âm" là không đúng sự thật

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Ngày 25/10, báo chí chính thống Cuba kết luận chính thức ban đầu rằng các cáo buộc của Washington về các cuộc “tấn công sóng âm” chỉ hoàn toàn là “khoa học giả tưởng.

    Hôm 25/10, truyền thông chính thống Cuba dẫn lời nhóm chuyên gia điều tra nước này cho biết, những cáo buộc của Washington về các cuộc “tấn công sóng âm” chỉ hoàn toàn là “khoa học giả tưởng".

    Nhóm chuyên gia điều tra của Cuaba về các sự cố sức khỏe của các nhân viên ngoại giao Mỹ làm việc tại thủ đô La Habana đã xác nhận thông tin trên.

    Trong một trả lời phỏng vấn diện hẹp từ ngày 22/10, nhóm đại diện của các lực lượng điều tra Cuba – do Đại tá Ramiro Ramírez, Cục trưởng An ninh Ngoại giao của Bộ Nội vụ đứng đầu – cũng lên tiếng cáo buộc Washington đã tìm cách “bôi nhọ” La Habana trong vụ việc này trong khi từ chối hợp tác điều tra đầy đủ.

    Đại sứ quán Mỹ ở La Habana - Nguồn: Getty


    Theo cáo buộc từ phía Mỹ, các nhân viên ngoại giao nước này bắt đầu bị ảnh hưởng về sức khỏe sau khi nghe những âm thanh lạ từ tháng 11/2016 và tới tháng 2 năm nay Washington đã thông báo cho La Habana về vụ việc. Tới tháng 5, Bộ Ngoại giao Mỹ đã trục xuất 2 nhà ngoại giao Cuba tại Mỹ để trả đũa vụ việc mặc dù tới tháng 6 mới cử đoàn phối hợp điều tra đầu tiên tới Cuba.

    Cho dù tới nay chưa hề công bố bất cứ bằng chứng nào, Washington đã chính thức gọi vụ việc là các cuộc “tấn công sóng âm” và tiến hành hàng loạt biện pháp leo thang căng thẳng song phương, bao gồm cả việc rút 60% nhân viên tại Đại sứ quán của mình tại La Habana về nước và trục xuất 15 nhân viên của Đại sứ quán Cuba tại Mỹ. Mới đây nhất, tổng thống Mỹ Donald Trump đã khẳng định Cuba chịu trách nhiệm về vụ việc trong khi Bộ Ngoại giao Mỹ nâng con số “nạn nhân” lên mức 24 người.

    Còn theo thông tin được công bố từ cuộc phỏng vấn này, Chính phủ Cuba đã huy động hơn 2.000 chuyên gia để điều tra vụ việc, bao gồm cả các chuyên gia âm thanh, các nhà tội phạm học và toán học, kể từ khi La Habana nhận được thông báo đầu tiên từ tháng 2 vừa qua. Các nhà điều tra Cuba cho biết phía Mỹ chỉ cung cấp 14 đoạn băng ghi âm mà theo Washington là các âm thanh mà các “nạn nhân” đã nghe thấy trong các cuộc “tấn công sóng âm” và ghi lại. Tuy nhiên, các chuyên gia này đã kết luận rằng những âm thanh trên không có khả năng gây hại tới sức khỏe người khi chỉ bao gồm các âm thanh sinh hoạt đô thị như giao thông, tiếng chân qua lại và các giọng nói, với biên độ trong dao động sóng âm chỉ đạt mức đỉnh 7 kHz, trong dải tần số trung bình 3 kHz, chỉ tương tự như tiếng … ve kêu.

    Theo giải thích của các nhà điều tra Cuba, để gây tác hại tới thính giác, một âm thanh trong dải tần tai người có thể nghe thấy phải đạt cường độ 80 decibel, hay tương đương âm thanh của động cơ máy bay đặt gần sát. Cũng theo báo cáo do chính Washington cung cấp, chỉ các nhân viên ngoại giao “nạn nhân” này nghe thấy các tiếng động trên, trong khi những người thân trong gia đình sống cùng nhà hay những láng giềng đều không nghe thấy các âm thanh này, một điều không thể lý giải nếu các “tấn công sóng âm” đủ mạnh để gây tác hại tới thính giác. 

    Giả thiết về việc các sóng âm được sử dụng là sóng siêu âm hay hạ âm, hay ngoài dải tần âm thanh tai người nghe thấy, cũng là phi lý vì đòi hỏi nguồn phát có khối lượng rất lớn, không thể “không được nhận biết và không để lại dấu vết,” hơn nữa cũng không có khả năng tác động một cách “chọn lọc” như vậy. 

    Theo thông tin mà Washington chuyển cho La Habana, chỉ có 2 hoặc 3 “nạn nhân” là gặp vấn đề thực sự về thính lực (những người còn lại gặp các vấn đề như chóng mặt, đau đầu hay “tổn thương thần kinh”), điều không khả thi trong một cuộc “tấn công sóng âm” với quy mô và thời gian kéo dài như Mỹ tố cáo.

    Lực lượng điều tra Cuba cho biết đã thẩm vấn hơn 300 người và kiểm tra y tế chuyên sâu hơn 30 người sống tại các điểm mà phía Mỹ cho rằng có “tấn công sóng âm” nhưng không phát hiện ra điểm khác biệt nào. Tuy vậy, các đại diện lực lượng điều tra Cuba cho biết vẫn chưa kết thúc công tác điều tra vụ việc này và một lần nữa yêu cầu Mỹ cung cấp thêm tài liệu, thông số liên quan, như hồ sơ bệnh án và cho phép tiếp cận các cơ sở ngoại giao được cho là hiện trường.

    Theo phía Mỹ, việc tấn công bằng sóng âm được xác định đã kéo dài trong vài tháng gần đây, khiến những người bị ảnh hưởng mất thính giác, thường xuyên chóng mặt, đau đầu, mệt mỏi và khó ngủ. 

    Sau hơn nửa thập kỷ, Mỹ và Cuba đã tái thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2015, mở cửa trở lại Đại sứ quán tại Washington và La Habana, mở ra chương mới trong quan hệ giữa hai nước.

    Tuy nhiên, sau khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã tạm dừng một số chính sách đối với Cuba của người tiền nhiệm Barack Obama. Mới đây nhất, ông đã ký gia hạn 1 năm đạo Luật Thương mại được áp dụng từ năm 1917. 

    Đạo luật này là một trong những nền tảng pháp lý quan trọng của cuộc bao vây cấm vận chống Cuba từ năm 1962 và từ đó đến nay, đạo luật đã liên tục được 10 tổng thống Mỹ gia hạn mỗi năm. Văn bản này cho phép Tổng thống Mỹ linh hoạt pháp lý cần thiết để nới lỏng hoặc thắt chặt lệnh cấm vận đã kéo dài hơn nửa thế kỷ qua.

    Hằng Thanh(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cuba-cao-buoc-cua-my-ve-tan-cong-song-am-la-khong-dung-su-that-a206656.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan