Sau khi bán hàng , nhân viên cửa hàng này cho biết khách hàng muốn nhận hóa đơn phải trả thêm tiền và liên hệ tới một số điện thoại lạ. Ngoài ra, website của đơn vị này có dấu hiệu đăng ký giả mạo thông báo thương mại điện tử.
Thời gian qua, báo Đời sống&Pháp luật nhận được thông tin bạn đọc phản ánh về việc bán hàng không xuất hóa đơn giá trị gia tăng (VAT), giả mạo thông báo website thương mại điện tử kết nối với website Bộ Công thương của nhiều cửa hàng mỹ phẩm
Để làm rõ thông tin, trong vai khách hàng, PV đã tìm hiểu thực tế tại các cửa hàng ở Quận Đống Đa và phát hiện các thông tin bạn đọc phản ánh là có cơ sở.
Cụ thể, ngày 12/7, PV tiến hành mua sản phẩm phấn phủ có giá 209 nghìn đồng. Sau khi thanh toán, cửa hàng in phiếu thu có thể hiện thuế GTGT cho khách hàng , tuy nhiên, khi được đề nghị xuất hóa đơn VAT, nhân viên cho biết: “Em không xuất được hóa đơn, nếu chị muốn lấy phải tự liên hệ đến số điện thoại này và phải trả thêm 10% giá sản phẩm đã mua…”
Ngày 24/7, PV tiếp tục đặt mua sản phẩm Vichy thermal spa water ở một cửa hàng khác có giá 221 nghìn đồng . Tại đây, nhân viên bán hàng cho rằng, sản phẩm khách hàng mua chưa bao gồm VAT, muốn nhận hóa đơn VAT phải trả thêm 10% giá trị sản phẩm.
Để làm rõ tính pháp lý trong việc này, PV có cuộc trao đổi với luật sư Nguyên Anh Tuân (VPLS Đại Nam). Luật sư Tuân cho biết, sau khi mua hàng nhân viên bên SammiShop chỉ xuất phiếu thu cho khách hàng mà không phải hóa đơn GTGT có dấu hiệu vi phạm điểm b, khoản 2 Điều 16 Thông tư 39/năm 2014/TT-BTC.
Cụ thể , khoản 2. Cách lập một số tiêu thức cụ thể trên hóa đơn
a) Tiêu thức “Ngày tháng năm” lập hóa đơn
Ngày lập hóa đơn đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền…
b) Tiêu thức “Tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán”, “tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua”: ghi tên đầy đủ hoặc tên viết tắt theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế.
Trường hợp tổ chức bán hàng có đơn vị trực thuộc có mã số thuế trực tiếp bán hàng thì ghi tên, địa chỉ, mã số thuế của đơn vị trực thuộc. Trường hợp đơn vị trực thuộc không có mã số thuế thì ghi mã số thuế của trụ sở chính.
Trường hợp khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ 200.000 đồng trở lên mỗi lần, người mua không lấy hóa đơn hoặc không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế (nếu có) thì vẫn phải lập hóa đơn và ghi rõ “người mua không lấy hóa đơn” hoặc “người mua không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế”.
Bên cạnh nghi vấn trốn thuế, khi tìm hiểu về hoạt động của một số cửa hàng, PV phát hiện hệ thống cửa hàng này có dấu hiệu giả mạo thông báo đăng ký thương mại điện tử với website Bộ công thương.
Trên trang web bán hàng, tại góc dưới cùng bên phải có logo Đã Thông Báo đăng ký thương mại điện tử liên kết với cổng thông tin của Bộ Công thương.
Tuy nhiên khi nhấn vào logo trên, Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử bộ Công thương cho ra kết quả "chưa được Bộ Công Thương duyệt thông báo".
Đời sống và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin...
Hoàng Nhung