Ông Trần Văn Hớn luôn có một ước mơ lớn nhất là được làm công việc từ thiện, được nghiên cứu, sưu tầm những loại thuốc hay để chữa bệnh cho người nghèo, vì sức khỏe của nhân dân.
Tuy tuổi cao nhưng ông Bảy Hớn vẫn miệt mài cùng công việc. (Ảnh: Báo An Giang) |
Tuy đã ngoài 90 tuổi, nhưng cụ Trần Văn Hớn (tên gọi khác Bảy Hớn, sinh năm 1928, ngụ khóm Tân Phú, phường Mỹ Quý, TP.Long Xuyên, An Giang) vẫn miệt mài sưu tầm dược liệu, cung cấp miễn phí cho các phòng khám Đông y trong và ngoài địa bàn.
Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nghề nông, do vậy ông luôn thấu hiểu sự cùng cực của người nghèo khi bị ốm đau, bệnh tật.
Với tâm huyết của mình, hơn 40 năm nghiên cứu, sưu tầm các loại thuốc nam, dấu chân ông đã trải đều khắp mọi nơi. Và tất nhiên, mỗi khi nhắc đến tên ông người ta thường gắn với tên gọi thân thương: “Thầy thuốc của người nghèo”.
Từ khi bắt tay vào công việc sưu tầm thuốc nam, ông đã cất công sưu tầm được rất nhiều loại thảo dược quý có giá trị, góp phần cung cấp nguồn dược liệu giúp các phòng khám đông y duy trì hoạt động. Đồng thời, ông Bảy Hớn còn hướng dẫn người dân nhận biết công dụng của từng loại dược liệu, không chỉ phục vụ cho gia đình mà còn góp phần đa dạng hóa nguồn thuốc nam chữa bệnh cho nhân dân.
Theo ông Bảy Hớn, những việc làm của ông xuất phát từ cái tâm, mà theo ông đó là “cái duyên”, “cái nghiệp” của một người thầy thuốc và việc sưu tầm nhiều dược liệu quý chỉ để cứu giúp thêm nhiều người nghèo, chữa trị cho họ hết bệnh. Đây không chỉ là niềm vui, mà còn là hạnh phúc lớn lao đối với ông.
Thấu hiểu được việc làm nhân văn, ý nghĩa của cha mình, hiện 4 người con của ông Bảy Hớn quyết định nối nghiệp cha. Hàng ngày, bên cạnh việc lo cho cuộc sống riêng, những lúc rảnh rỗi các con của ông cùng với ông đi sưu tầm dược liệu.
Việt Hương (T/h)