(ĐSPL) - Ngay khi UBND TP.HCM ra Quyết định 49/2014 về việc tập trung người ăn xin, người sống nơi công cộng không có nơi cư trú nhất định, vào các trung tâm hỗ trợ xã hội, đã có không ít ý kiến trái chiều.
Bên cạnh ý kiến đồng tình, cũng không ít người đặt câu hỏi, liệu vấn nạn ăn xin có được giải quyết một cách triệt để, khi còn nhiều vướng mắc liên quan? Việc phân loại những người ăn xin như thế nào, để rạch ròi giữa người có hoàn cảnh khó khăn thực sự với những kẻ đội lốt ăn xin, trục lợi lòng thương, nhằm kiếm tiền nhàn hạ. Bên cạnh đó, làm sao để thực sự triệt tiêu được những “băng nhóm cái bang” và những “ông trùm ăn xin” như báo Đời sống và Pháp luật đã từng thâm nhập, phản ánh.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhiều chuyên gia để cùng mổ xẻ vấn đề này...
Nhiều chiêu trò ngả nón xin tiền của người ăn xin tại TP.HCM. |
Cơ sở nào để phân loại người ăn xin?
Trước vấn nạn ăn xin ngày càng phổ biến và phức tạp trên địa bàn, đặc biệt là vào những ngày cuối năm, UBND TP.HCM ra Quyết định số 49 ngày 18/12, về việc đưa người ăn xin, sinh sống nơi công cộng không có nơi cư trú nhất định, vào trung tâm hỗ trợ xã hội. Ngoài ra, UBND thành phố cũng đề nghị các tổ chức tôn giáo (Thành hội Phật giáo, Tổng tòa giám mục thành phố) trên địa bàn phổ biến chủ trương của thành phố: “Không cho tiền người ăn xin”. Từ đó, UBND TP.HCM kêu gọi người dân có lòng hảo tâm đóng góp, thông qua các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, các tổ chức từ thiện xã hội thành phố.
Ngay khi có thông tin này, nhiều người dân tỏ ra đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, cũng có không ít người cho rằng việc đưa người ăn xin, sống lang thang vào các trung tâm hỗ trợ xã hội rất khó để thực hiện triệt để. Trao đổi với PV về vấn đề này, bà Huỳnh Tuyết Nga, Chủ nhiệm Mái ấm Tân Bình (quận Tân Bình) chia sẻ: “Ngoài những ý nghĩa thiết thực, tôi cho rằng việc đưa người ăn xin, sống lang thang vào các trung tâm hỗ trợ xã hội còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Chẳng hạn như, hiện nay chúng ta chưa đưa ra những điều luật để xử lý mạnh tay hơn nữa đối với người ăn xin và tổ chức ăn xin. Đã không ít lần, tôi bất bình khi chứng kiến cảnh một đứa trẻ chưa đầy 10 tuổi lem luốc ăn xin còn người mẹ ngồi chễm chệ đánh bài từ số tiền mà con mình xin được”.
Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, phải chăng việc ra quyết định về việc đưa người ăn xin, sống lang thang vào trung tâm hỗ trợ xã hội vào thời điểm này của TP.HCM, cũng làm đẹp hình ảnh thành phố những ngày cuối năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán. Nhiều người quan ngại dù có thực hiện và có hiệu lực thực hiện thì có thể không bao lâu sau khi áp dụng, tình trạng ăn xin vẫn có thể lại tiếp tục tái diễn. Bằng chứng, trước đó UBND thành phố cũng đưa ra nhiều quyết định về việc giải quyết triệt để tình trạng người ăn xin, lang thang cơ nhỡ. Nhưng một thời gian sau lại bùng phát trở lại.
Trao đổi với PV, một cán bộ Hội Chữ thập đỏ quận Tân Bình (TP.HCM) cho hay: “Việc đưa người ăn xin, người sinh sống công cộng đưa về các trung tâm xã hội là vô cùng cần thiết, để ngăn chặn tình trạng lừa gạt lòng tốt của người dân và ngày càng có nhiều thành phố không người ăn xin. Nếu chủ trương này được thực hiện đúng quy trình thì sẽ là “cú đấm thép” vào các đối tượng cầm đầu cái bang ăn xin”.
Khi người ăn xin “ngụy trang” để đối phó
Ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, UBND thành phố đã giao cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì. Nếu là người khuyết tật về thần kinh, tâm thần hoặc có dấu hiệu mắc các bệnh về thần kinh, tâm thần thì đưa về trung tâm điều dưỡng người bệnh tâm thần. Riêng các đối tượng khác đưa về trung tâm xã hội để tiến hành lập hồ sơ phân loại, rà soát đối tượng và xử lý. Đồng thời, đưa về địa phương nơi cư trú hoặc giải quyết hồi gia, nếu xác minh đối tượng có nơi cư trú. Cũng theo quyết định này, những người bị đưa vào trung tâm hỗ trợ xã hội từ lần thứ hai trở lên, thì trung tâm tiếp nhận nuôi dưỡng. Tại đây, các đối tượng được học văn hóa, học nghề và giới thiệu việc làm. Người nước ngoài lang thang xin ăn sẽ được đưa về nước theo quy định.
Nói về vấn đề người nước ngoài lang thang, xin ăn được đưa về nước theo quy định, ông Đào Bá Lộc, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh & Xã hội huyện Bến Lức (tỉnh Long An) một địa phương cũng có không ít ăn xin là người nước ngoài chia sẻ:
“Điều đó không dễ dàng gì để thực hiện một cách triệt để. Điển hình là trên địa bàn huyện Bến Lức có một nhóm trẻ ăn xin là người Campuchia nhiều năm nay. Nhưng bao lần cơ quan chức năng thu gom sang cửa khẩu, bàn giao cho lực lượng biên phòng của Campuchia vẫn không có tác dụng gì. Thậm chí, không ít lần, chúng tôi quay lại cảnh đám trẻ dầm mưa, nắng xin tiền dưới đoạn đường đầy nguy hiểm, rồi trình chiếu lên các đài để các cơ quan chức năng của nước bạn thấy được những đứa trẻ ấy tội nghiệp như thế nào. Vậy mà, sau khi bàn giao, lực lượng biên phòng của nước bạn lại không có biện pháp kiểm soát và thả tụi nhỏ ra ngay sau đó. Thế nên, chúng tôi đi bàn giao mới về tới cơ quan, đám trẻ ăn xin này cũng kịp thời quay trở lại”.
Ngay sau khi UBND TP.HCM ban hành quyết định đưa những đối tượng ăn xin, lang thang vào các trung tâm bảo trợ xã hội, PV có mặt tại các điểm nóng, nơi tập trung đông đảo các thành phần chuyên hành nghề ăn xin để ghi nhận thực tế. Tại khu vực cầu chữ Y (quận 8), thường ngày đội ngũ ăn xin đủ các lứa tuổi hoạt động rầm rộ, đặc biệt là cụ ông trạc 70 tuổi, bất kể trời nắng hay mưa trong tư thế ngồi thiền ngả mũ xin tiền bao năm qua thì nay cũng vắng bóng. Sau một hồi chạy lòng vòng tìm kiếm, PV bất chợt nhận ra ông cụ ăn xin ngày nào trên lưng mang một bao tải to chất đầy chai lọ.
Quyết định tiếp cận, phóng viên đã trò chuyện được với ông lão ăn mày này. ông lão ăn mày này cho biết, từ ngày cụ sinh cho đến bây giờ cũng không biết cha mẹ mình là ai. Chỉ nhớ cụ lớn lên trong trại trẻ mồi côi tại TP.HCM. Cuộc sống gò bó, khiến cụ cùng một số người nữa trốn trại, sống kiếp lang thang không nhà cửa, xin ăn mấy chục năm nay. Khi PV hỏi tại sao đang hành nghề ăn xin, đột nhiên chuyển sang đi lượm ve chai, phải chăng thu nhập khá hơn? Cụ ông liền đưa tay gạt ngang: “Mấy hôm nay mọi người kháo nhau nếu đi ăn xin bị bắt gặp là bị đưa vào các trung tâm bảo trợ, vì thế, mọi người nghĩ ra cách tạm thời hành nghề lượm ve chai, bán vé số nghe ngóng tình hình rồi... tính tiếp”.
Cũng theo tìm hiểu của PV, có không ít người ăn xin tìm cách đối phó với quy định mới của UBND TP.HCM bằng cách “ngụy trang” bằng công việc mới như lượm ve chai, bán vé số, bán hàng dạo để dễ dàng ăn xin. Không chỉ vậy, nhiều người còn giả danh đau ốm, không có tiền về quê nên lân la xin tiền. Thậm chí, vào thẳng... Hội Chữ thập đỏ trên địa bàn thành phố để xin tiền về quê. Trao đổi về vấn đề này, anh Trần Hữu Long, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ quận Tân Bình cho hay: “Để tránh bị lợi dụng, mỗi khi có người vào xin tiền về quê, chúng tôi đều hỏi cặn kẽ rồi cho người chở ra bến xe mua vé cho họ về chứ không cho tiền”.
Trước chiêu trò “ngụy trang” của người ăn xin nói trên, ông Lê Chu Giang, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM) cho hay: “Để xác định chính xác là người ăn xin, chúng tôi sẽ tiến hành chụp ảnh để làm căn cứ xác định. Từ cơ sở này, nhờ người dân xung quanh làm chứng. Đối với người bị bệnh, băng bó chân tay nằm ngoài đường để tạo cảnh thương tâm nhằm xin tiền thì chính quyền địa phương các quận, huyện sẽ có nhiều cách để xác định có đúng bị bệnh hay không, nếu có bệnh tật sẽ tạo điều kiện cho họ chữa bệnh, còn nếu giả dạng sẽ xử lý theo quy định”.
Trao đổi với PV, ông Võ Trung Tâm, Chánh văn phòng Sở Lao động - Thương và Xã hội TP.HCM cho biết: “Việc quản lý đối với những đối tượng ăn xin, lang thang không nơi cư trú không phải là việc bây giờ mới làm, mà đã thực hiện trước đó từ rất lâu. Khi các địa phương thực hiện mạnh tay tình trạng đối tượng ăn xin, lang thang cơ nhỡ giảm đi rõ rệt. Thế nhưng, quá trình thực hiện các quy định ban hành trước đó bộc lộ nhiều vướng mắc dẫn đến chưa giải quyết triệt để được vấn nạn này. Đó là lý do Quyết định 49/2014 của UBND TP.HCM ra đời để thay thế cho những quyết định cũ còn nhiều hạn chế trước đó là 104/2003, Quy định 183/2006, Quy định 88/2009”.
Chỉ lưu giữ ở trung tâm một giai đoạn nhất định Trả lời câu hỏi về việc thực hiện triệt để Quyết định 49/2014 có gây nên tình trạng quá tải cho các trung tâm hỗ trợ xã hội hiện nay? ông Võ Trung Tâm khẳng định: “Không có vấn đề gì gọi là quá tải, bởi hiện tại TP.HCM có tám trung tâm đang hoạt động ổn định. Mỗi trung tâm có sức chứa lên tới 1.500 người. Hơn nữa, những người được đưa vào các trung tâm chỉ lưu giữ trong một giai đoạn nhất định. Trong thời gian này, phía trung tâm tích cực liên hệ với các cấp chính quyền địa phương để tìm thân nhân, nhằm đưa họ trở về gia đình. Đối với những trường hợp nghi ngờ vi phạm pháp luật, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm báo cáo lên cơ quan công an tiến hành xử lý. Nguồn kinh phí phục vụ cho việc thực hiện Quyết định 49 hoàn toàn là của Nhà nước”. |