Theo South China Morning Post, 62 năm trước, bà Từ (80 tuổi, ở Côn Minh, Vân Nam, Trung Quốc) có cuộc sống khá dư giả nhưng chồng bà lại có thói quen tiêu tiền tùy hứng. Cảm thấy để tiền ở nhà không an toàn, người phụ nữ có ý định mang 50.000 NDT (gần 180 triệu đồng) tiền tiết kiệm đến ngân hàng gửi.
Thời điểm đó, chồng bà Từ một mực phản đối, còn nói để tiền vào ngân hàng thì tiền sẽ nhanh mất giá. Bất chấp sự phản đối của chồng, bà Từ vẫn gửi tiền vào một ngân hàng lớn rồi giấu cuốn sổ tiết kiệm đi để ông không phát hiện.
Bà Từ sau đó gần như quên mất sự tồn tại của số tiền, cho đến năm 2012, bà tình cờ tìm được cuốn số tiết kiệm trong một lần dọn nhà. Tuy nhiên, khi đến ngân hàng làm thủ tục rút tiền, người phụ nữ ngỡ ngàng khi nhận tin tài khoản lúc này chỉ còn 20 NDT (gần 70.000 đồng).
Phía ngân hàng giải thích, nguyên nhân xuất phát từ lần đổi tiền của hệ thống ngân hàng Trung Quốc năm 1955. Số tiền gửi của cụ bà được phát hành đúng vào thời điểm siêu lạm phát ở Trung Quốc. Tiền lúc đó có 12 mệnh giá, từ 1 NDT đến 50.000 NDT.
Đầu năm 1955, Trung Quốc phát hành tiền mới và thu hồi bộ tiền cũ với tỉ lệ chuyển đổi 1:10.000. Điều này có nghĩa 50.000 NDT của bà Từ được chuyển thành 5 NDT sau khi chuyển đổi. Cộng với lãi sau 62 năm, số tiền gửi của người phụ nữ chỉ tăng lên 20 NDT.
Nhân viên ngân hàng vô cùng bất ngờ khi lần đầu thấy cuốn sổ tiết kiệm được phát hành từ hơn 60 năm trước. Ngân hàng chấp nhận giấy gửi tiền và đề nghị trả cho bà Từ 50 NDT (gần 180.000 đồng).
Người phụ nữ không hài lòng với cách giải quyết, tức giận đến mức dùng gạch đập vỡ cửa kính ngân hàng. Cảnh sát sau đó đã được gọi đến để xử lý vụ việc nhưng họ quyết định không bắt bà Từ.
Đinh Kim (T/h)