Thống kê cho biết cứ 30 giây lại có một trẻ sinh non tử vong. Do đó, phụ nữ mang thai cần nhận biết rõ những dấu hiệu sinh non để kịp thời có phương pháp điều trị.
Thông tin về vụ 4 trẻ sinh non tử vong cùng lúc tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh những ngày gần đây chưa bao giờ là ‘nguội’. Nhiều phụ nữ đang mang thai ‘đứng ngồi không yên’ vì lo lắng cho đứa con trong bụng khi vẫn chưa ‘mẹ tròn con vuông’. Các bà bầu lo ngại vấn đề sinh non, quan tâm nhiều hơn về dấu hiệu cảnh báo sinh non khi đã bước sang tuần thai thứ 20 trở đi.
Theo số liệu thống kê năm 2015, Th.S, BS Lê Quang Thanh, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM cho biết, hàng năm bệnh viện (BV) tiếp nhận điều trị cho khoảng 6.500 trẻ sinh non, nhẹ cân. Sinh non là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong vòng một tháng đầu đời và đứng thứ hai chết trẻ dưới một tuổi, sau bệnh lý viêm phổi.
Theo số liệu được gửi về từ Tổ chức y tế thế giới (WHO), ước tính cứ 10 trẻ sinh ra thì có hơn 1 trẻ sinh non. Thống kê năm 2015 của WHO cho thấy, khoảng 15 triệu trẻ sinh thiếu tháng thì có hơn 1 triệu trẻ tử vong. Một trang nghiên cứu về y khoa của Anh (action.org.uk) cho biết cứ mỗi 30 giây có một trẻ sinh non tử vong.
Còn tại Việt Nam, tỉ lệ này cũng được cho là đáng quan tâm. Một thống kê tại chương trình "Ngày Thế giới vì trẻ sinh non" cho thấy, tỉ lệ trẻ sinh non/nhẹ cân chiếm 19% trong mô hình bệnh tật của trẻ sơ sinh, tỉ lệ tử vong sơ sinh chiếm 59% số tử vong trẻ dưới 5 tuổi và 70,4% tử vong ở trẻ dưới 1 tuổi.
Trong thời gian mang thai, có rất nhiều tác động từ trong và ngoài cơ thể mẹ có thể dẫn đến tình trạng bà bầu sinh non đặc biệt là từ tuần 20- 37 của thai kì.
Sinh non được cho là xảy ra từ tuần 20-37 thai kỳ và có rất nhiều nguyên nhân khác nhau đến từ bản thân các bà bầu và từ ngoại cảnh. Để tránh xảy ra những rủi ro, bà bầu cần nhận biết rõ những dấu hiệu sinh non để kịp thời có phương pháp điều trị.
Sinh non được cho là xảy ra từ tuần 20-37. |
Nguyên nhân sinh non:
- Viêm màng ối do các dạng nhiễm trùng gây ra
- Vỡ ối non chiếm 10% các cuộc chuyển dạ đủ tháng, 30% chuyển dạ sinh non
- Nhau thai suy dinh dưỡng không cung cấp đủ dưỡng chất cho thai nhi
- Mẹ mang bầu đa thai, song thai. Thông thường thời gian mang bầu đơn thai là 280 ngày nhưng song thai chỉ diễn ra khoảng 260 ngày, đa thai là 246 ngày.
-Thai nhi dị dạng kết hợp với hiện tượng đa ối hoặc thiểu ối hoặc các bệnh lý bất thường nhiễm sắc thể, nhiễm trùng.
- Mẹ có tiền sử sinh non có nguy cơ tái phát khoảng 25-50%; dị tật tử cung; mắc bệnh nội khoa như thiếu máu, viêm cổ tử cung, bệnh tim mạch, cao huyết áp…
- Mẹ sinh sống và làm việc trong môi trường ô nhiễm, độc hại.
- Mẹ quá trẻ hoặc quá cao tuổi khi mang thai
- Tâm lý và thể chất của người mẹ thường xuyên căng thẳng, mệt mỏi cực độ.
- Mẹ không được chăm sóc tiền sản đầy đủ; quá gầy yếu, không được bồi dưỡng trong thai kì.
- Mẹ bầu có thói quen sinh hoạt không khoa học như uống rượu, hút thuốc lá, quan hệ tình dục thường xuyên gây ra các cơn co tử cung.
Những dấu hiệu cho thấy thai phụ có nguy cơ sinh non cao
Tăng tiết dịch âm đạo
Đây là dấu hiệu đầu tiên báo mẹ đang gặp rắc rối trong thai kỳ. Cụ thể là mẹ bỗng nhận thấy âm đạo luôn trong tình trạng ẩm ướt, thậm chí thấm cả ra ngoài quần và kèm theo chút máu hoặc chất nhầy...
Xuất hiện các cơn co thắt
Các cơn co là một trong những biểu hiện, dấu hiệu của việc sinh non. Nếu bạn thấy có những cơn co thắt ở bụng dưới mà không phải do tiêu chảy đồng thời kèm theo những cơn co cơ do chuột rút hay chảy máu âm đạo thì đây đúng là dấu hiệu của việc sinh non.
Xuất hiện những cơn co thắt là một trong những dấu hiệu sinh non. |
Tăng áp lực lên khu vực xương chậu
Cảm nhận việc áp lực lên vùng xương chậu lớn do thai nhi tụt xuống sâu, đè nặng lên khu vực xương chậu của bạn làm cho bạn có cảm giác nặng nề. Hiện tượng này giống hiện tượng chuẩn bị sinh của mẹ bầu.
Đau thắt lưng
Khi bạn thấy có những cơn đau lưng dưới ngày càng dồn dập đặc biệt là với trường hợp trước đó bạn ít khi bị đau lưng thì có thể là dấu hiệu của việc bạn sẽ sinh non. Nếu hiện tượng đau lưng của bạn kèm theo cả 2 hiện tượng trên thì bạn thực sự cần lời khuyên của bác sĩ để được kiểm tra và điều trị kịp thời.
Buồn nôn
Nếu trong thai kì từ tuần 20-37 mà bạn còn có cảm giác đầu áo choáng váng, buồn nôn, nôn và tiêu chảy thì đây là hiện tượng xấu cho thai nhi của bạn, có thể dẫn đến sinh non.
Thai nhi có hiện tượng giảm hoạt động
Bạn có thể tự kiểm tra bằng cách nằm xuống và theo dõi từng hoạt động của bé. Nếu như trong vòng 2 tiếng đồng hồ bé không có gần 10 chuyển động thì bạn nên đến gặp các bác sĩ phụ khoa để tìm hiểu nguyên nhân.
Vỡ nước ối
Hiện tượng này thì tùy từng người, có người vỡ nước ối chỉ nhỏ giọt nhưng cũng có người tuôn ào ào. Bạn cần lưu ý đặc biệt trường hợp này, khi vỡ ối, bạn cần tới ngay bệnh viện gần nhất để bác sĩ xử lý, nếu không có thể nguy hiểm tới tính mạng của bé.
Mỹ An (T/h)