Có 196 tỷ đồng, trả lãi trái phiếu 7 tỷ
Từ ngày 15/2/2023 đến ngày 22/2/2023, TDC có trách nhiệm thanh toán tổng lãi 23,82 tỷ đồng lô trái phiếu mã TDC.Bond.2020.700. Lô trái phiếu này phát hành ngày 9/11/2020, đáo hạn ngày 15/11/2025 có tổng giá trị 700 tỷ đồng.
Tuy nhiên, mới đây, TDC bất ngờ ra thông báo, doanh nghiệp chỉ có khả năng thanh toán 7 tỷ đồng trong tổng số lãi trên. Đồng thời đơn vị này cũng đưa ra dự kiến, số tiền hơn 16 tỷ đồng còn lại sẽ được thanh toán trước ngày 23/3 cộng thêm số tiền phạt lãi chậm 1 tháng.
Được biết, lô trái phiếu nói trên của TDC có lãi suất 10,5%/năm cho 4 kỳ tính lãi đầu tiên. Tiếp đó, lãi suất trong các kỳ từ 5 đến 8 ở mức 11%/năm, sau đó lãi suất theo biên độ không thấp hơn 11,5%/năm.
Tài sản đảm bảo là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất CY375724 thuộc sở hữu của Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP. Đơn vị đứng ra lưu ký lô trái phiếu nói trên là CTCP Chứng khoán Navibank.
Theo giải thích từ phía TDC, nguyên nhân của tình trạng trên là do hoạt động kinh doanh gặp khó khăn. Tuy nhiên, ghi nhận từ BCTC của doanh nghiệp, tính đến ngày 31/12/2022, tổng số tiền và các khoản tương đương là 196 tỷ.
Trong đó, số tiền là 41 tỷ, các khoản tương đương tiền là 155 tỷ. Theo thuyết minh trong BCTC, các khoản tương đương tiền của TDC là tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn gốc không quá 3 tháng.
Hơn 1.000 tỷ vay đến hạn trả
Trong quý IV/2022, TDC ghi nhận doanh thu thuần 183,24 tỷ đồng, lũy kế cả năm ở mức 2,5 nghìn tỷ đồng (cùng kỳ 1,6 nghìn tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế quý IV lỗ 104,39 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 87 tỷ đồng). Do đó, lợi nhuận ròng cả năm 2022 của TDC chỉ ở mức 4,6 tỷ đồng (chiếm khoảng 0,18 %).
Không chỉ năm 2022, trong vài năm gần đây, hoạt động kinh doanh của TDC liên tục ghi nhận tình trạng doanh thu cao, lãi “mỏng”. Cụ thể, trong năm tài chính 2019, doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt 1,9 nghìn tỷ, lợi nhuận sau thuế ở mức 5,4 tỷ (chiếm 0,2%).
Bước sang năm 2020, doanh thu của TDC giảm nhẹ xuống còn 1,7 nghìn tỷ, trong khi đó, lợi nhuận ròng tăng tới gần 30%, đạt 7,3 tỷ. Năm 2021, doanh thu thuần của doanh nghiệp tiếp tục ghi nhận sự sụt giảm khi chỉ đạt 1,6 nghìn tỷ, lợi nhuận sau thuế bất ngờ giảm tới 60% khi chỉ đạt 3 tỷ.
Bên cạnh bức tranh tài chính tương đối “sẫm màu” trên, số liệu về quy mô tài sản, nguồn vốn của TDC cũng cho thấy nhiều rủi ro. Cụ thể, tài sản, nguồn vốn của TDC đa phần được tài trợ bởi nguồn tiền đi vay.
Hiện tại, lượng tiền đi vay của doanh nghiệp đã vượt quá vốn chủ sở hữu, cùng với đó, đa phần các khoản vay là nợ ngắn hạn. Ngoài ra, theo thông tin từ BCTC quý IV/2022, doanh nghiệp này có tới 1 nghìn tỷ tiền vay dài hạn phải trả.
Tính tới 31/12/2022, tổng tài sản của CTCP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương giảm mạnh 26,8% so với đầu năm, tương ứng giảm 1,4 nghìn tỷ đồng về 3,8 nghìn tỷ đồng. Tổng nợ ở mức 2,6 nghìn tỷ, trong đó, nợ vay ngắn hạn là 1,9 nghìn tỷ (chiếm 73%).
Cũng theo số liệu từ BCTC nói trên, tính tới 31/12/2022 vay ngắn hạn phải trả ngân hàng của TDC đạt mốc hơn 1 nghìn tỷ đồng. Trong đó, 2 chủ nợ ngắn hạn của TDC là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – chi nhánh Bình Dương (705 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam – chi nhánh Đồng Nai (304 tỷ đồng).
Khoản vay 705 tỷ tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – chi nhánh Bình Dương được thế chấp bằng 3 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuộc dự án Unitown – giai đoạn 2, quyền sử dụng đất thửa số 2989 và thửa số 671 của Công ty Cổ phần Vật liệu Xây dựng Becamex.
Đối với khoản vay 304 tỷ tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam – chi nhánh Đồng Nai được TDC thế chấp bằng 6 quyền sử dụng đất thuộc dự án Phú Chánh.
Từ năm 2019 tới nay, TDC liên tục ghi nhận số nợ vượt vốn chủ sở hữu nhiều lần. Cụ thể, trong năm tài chính 2019, doanh nghiệp ghi nhận tổng nợ 5 nghìn tỷ, gấp 4,1 lần vốn chủ sở hữu.
Năm 2020, số nợ giảm xuống còn 4,3 nghìn tỷ, tuy nhiên vẫn gấp 3,5 lần vốn chủ. Năm 2021, tổng tài sản của TDC không ghi nhận nhiều biến động khi vẫn duy trì ở khoảng 1,2 nghìn tỷ, tổng nợ giảm xuống 3,9 nghìn tỷ.
Bên cạnh việc số nợ vượt quá vốn chủ sở hữu nhiều lần khiến khả năng thanh toán tổng quát của TDC ở mức thấp. Khả năng duy trì lượng tiền và các khoản tương đương của đơn vị này cũng không tốt khiến chỉ số thanh toán tức thời cũng luôn xuống mức thấp.
Trong đó, chỉ số thanh toán tức thời của TDC xuống thấp nhất vào năm 2020 khi chỉ đạt 0,008. Tính đến 31/12, chỉ số này của TDC đã lên mức “an toàn” khi chạm mốc 0,1.
Trước đó, TDC đã hợp tác với Công ty TNHH VSIP Hải Phòng thực hiện Dự án Khu nhà phố Bắc Sông Cấm. Dự án có tổng vốn đầu tư là 1.689,4 tỷ đồng, mỗi bên 50%, tương ứng TDC góp 844,7 tỷ đồng. Dự án Khu nhà phố Bắc Sông Cấm có quy mô 101.857,8 m2 với 330 căn và nằm tại lô đất P1-RM2, Khu đô thị Công nghiệp và Dịch vụ Hải Phòng, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng. Thời gian thực hiện dự án và tất toán dự án từ nay cho đến 31/12/2026 và tùy vào tình hình thực hiện kinh doanh dự án để các bên thỏa thuận thêm thời gian thực hiện. |
Thanh Phong