(ĐSPL) - Hiện nay đã có quy định về vị trí đứng thi hành nhiệm vụ của cảnh sát giao thông (CSGT). Vậy, văn bản quy định về vấn đề này như thế nào?
Thực hiện quy định tại Điều 87 Luật Giao thông đường bộ về tuần tra, kiểm soát giao thông, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 66/2012/TT-BCA ngày 30/10/2012 quy định về quy trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính của CSGT đường bộ và Thông tư số 28/2011/TT-BCA ngày 10/5/2011 quy định về chỉ huy, điều khiển giao thông của CSGT đường bộ.
Nhằm bảo đảm giao thông được thông suốt, trật tự, an toàn và các vi phạm pháp luật về giao thông được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh, các Thông tư nêu trên đã quy định cụ thể vị trí của CSGT khi làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát giao thông công khai cơ động bằng phương tiện cơ giới đường bộ, kiểm soát tại Trạm CSGT hoặc tại một điểm trên đường giao thông; chỉ huy, điều khiển giao thông.
Theo đó, khi kiểm soát tại Trạm CSGT hoặc tại một điểm trên đường giao thông thì cán bộ CSGT được phân công thực hiện nhiệm vụ dừng xe đứng ở vị trí thích hợp thuộc phần đường hướng xe cần kiểm soát đi tới; các cán bộ CSGT còn lại đứng ở lề đường hoặc trên vỉa hè cùng phía và về phía trước của cán bộ thực hiện nhiệm vụ dừng xe, với khoảng cách từ 3m đến 5m.
Khi làm nhiệm vụ tại nút giao thông thì cán bộ CSGT đứng ở vị trí trung tâm nút; nếu nút giao thông có bục thì phải đứng trên bục để chỉ huy, điều khiển giao thông, các cán bộ CSGT khác đứng ở mép đường ngang vạch dừng hoặc giữa tim đường ngang vạch dừng (đứng ở chiều đường chính, có mật độ phương tiện tham gia giao thông đông hoặc phức tạp về trật tự, an toàn giao thông) để điều khiển giao thông và phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông theo quy định.
Khi làm nhiệm vụ, cảnh sát giao thông phải đứng ở đâu? - Ảnh minh họa |
Các trường hợp CSGT có quyền dừng phương tiện
Thông tư 65/2012/TT-BCA cũng quy định, điều kiện tham gia tuần tra giao thông của CSGT là đã được cấp biển hiệu và Giấy chứng nhận Cảnh sát tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ theo quy định của Bộ Công an.
Thêm vào đó, Điều 10 Thông tư 45/2012/TT-BCA (có hiệu lực từ ngày 12/9/2012) quy định trách nhiệm của cán bộ trong quản lý, sử dụng biển hiệu, giấy chứng nhận như sau:
- Phải mang theo Giấy chứng nhận khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trong lĩnh vực giao thông đường bộ và xuất trình khi có yêu cầu;
- Phải đeo biển hiệu khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Biển hiệu được đeo chính giữa phía trên nắp túi áo ngực bên trái (đối với cán bộ là nam), chính giữa ngực bên trái và ngang bằng cúc áo thứ nhất từ trên xuống (đối với cán bộ là nữ) và có giá trị thay thế số hiệu công an nhân dân.
Theo điều 13, chương V, thông tư số 65/2012/TT-BCA, khi bạn vi phạm lỗi, CSGT sẽ ra hiệu lệnh dừng xe bằng tay, gậy chỉ huy giao thông, còi, loa pin cầm tay, loa điện gắn trên phương tiện tuần tra, bằng đèn tín hiệu, biển báo hiệu, barie hoặc rào chắn.
Theo quy định tại Thông tư 65/2012/TT-BCA do Bộ Công an ban hành ngày 30/10/2012, CSGT được quyền dừng các phương tiện đang tham gia giao thông đường bộ; kiểm soát phương tiện, giấy tờ của phương tiện; kiểm soát người và giấy tờ của người điều khiển phương tiện, giấy tờ tùy thân của người sử dụng phương tiện đang kiểm soát, việc thực hiện các quy định về hoạt động vận tải đường bộ theo quy định pháp luật.
Cụ thể, CSGT thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được dừng phương tiện để kiểm soát trong các trường hợp sau:
- Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ;
- Thực hiện kế hoạch, mệnh lệnh tổng kiểm soát của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên;
- Thực hiện kế hoạch, phương án công tác của Trưởng phòng Hướng dẫn và Tổ chức tuần tra, kiểm soát giao thông thuộc Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông hoặc Trưởng Công an cấp huyện trở lên về việc kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ theo chuyên đề;
- Có văn bản của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra từ cấp huyện trở lên; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự;
- Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.
Việc dừng phương tiện phải bảo đảm các yêu cầu sau:
- An toàn, đúng quy định của pháp luật;
- Không làm cản trở đến hoạt động giao thông;
- Khi đã dừng phương tiện phải thực hiện việc kiểm soát, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Lúc này người điều khiển phương tiện nên bình tĩnh, giảm tốc độ từ từ và quan sát phía trước, hai bên và phía sau xe. Bật đèn dừng khẩn cấp (với xe ô tô). Cho xe dừng vào khu vực CSGT chỉ dẫn, dừng xe vào vị trí an toàn.
Luật gia Đồng Xuân Thuận
[mecloud]UneP8QUbpx[/mecloud]