+Aa-
    Zalo

    CSGT hóa trang chặn phương tiện vi phạm: Lo sợ bị kẻ xấu giả dạng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nếu CSGT được phép mặc thường phục bắt lỗi người vi phạm sẽ khó tránh khỏi việc một số đối tượng lợi dụng để cướp giật, trục lợi từ người đi đường.

    "Nếu CSGT được phép mặc thường phục bắt lỗi người vi phạm sẽ khó tránh khỏi việc một số đối tượng lợi dụng để cướp giật, trục lợi từ người đi đường" - Độc giả nêu quan điểm.
     
    Nếu tội phạm lừa đảo lấy thẻ ngành giả đưa ra rồi đưa người vi phạm đến chỗ khác để thực hiện hành vi phạm pháp thì người dân sẽ bị rơi vào tình huống rất bất cập, thậm chí còn thiếu an toàn.
     
    Vừa qua, báo chí đưa tin, từ ngày 28/10, Đội Cảnh sát giao thông Công an thành phố Vinh lập ra các tổ mặc thường phục để tuần tra. Khi phát hiện người vi phạm, các cảnh sát mặc thường phục này sẽ xuất trình thẻ ngành, chỉ ra lỗi vi phạm, yêu cầu kiểm tra hành chính. Sau đó, người vi phạm sẽ được đưa đến tổ xử lý vi phạm công khai để xử lý.

    Công an TP Vinh lập các tổ tuần tra cải trang, cho phép CSGT mặc thường phục kết hợp lực lượng tuần tra công khai mặc sắc phục đi kiểm tra, xử lý vi phạm. Ảnh minh họa

     
    Theo Thượng tá Hoàng Duy Hà - Phó trưởng Công an thành phố Vinh, việc lập các tổ tuần tra hóa trang, mặc thường phục này được thực hiện theo Thông tư 01 của Bộ Công an và Kế hoạch 212 của Công an tỉnh Nghệ An. Cụ thể, điều 9 Thông tư 01/2016 của Bộ Công an cho phép cảnh sát giao thông được phép hóa trang, mặc thường phục thực hiện nhiệm vụ giám sát tình hình trật tự giao thông. Khi phát hiện người vi phạm, để người vi phạm biết lực lượng cảnh sát giao thông đang thực hiện nhiệm vụ, cảnh sát giao thông đưa thẻ ngành, giới thiệu cho người vi phạm biết, sau đó thông tin cho lực lượng tuần tra công khai đến lập biên bản xử lý hoặc đưa đến trụ sở gần nhất.'
     
    Việc hóa trang này được đánh giá là có hiệu quả để xử lý một số thanh niên điều khiển xe nhưng không đội mũ bảo hiểm, lạng lách và né tránh khi gặp các tổ tuần tra kiểm soát công khai, hoặc bỏ chạy khi phát hiện cảnh sát giao thông mặc sắc phục.
     
    Thông tin thêm về kế hoạch, Đại úy Lê Đăng Khoa - Đội phó Đội Cảnh sát giao thông Công an thành phố Vinh, cho biết đơn vị này đã huy động 15 cán bộ chiến sĩ lập thành các tổ mặc thường phục để kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm giao thông. Các tổ này hoạt động thường xuyên, kể cả những ngày cuối tuần.
     
    Ngay khi thông tin này được công bố rộng rãi đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Cụ thể, một số người cho rằng, việc hóa trang này là cần thiết vì hiện nay, ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người là rất kém, điển hình nhưng không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển mô tô, xe máy; chạy lạng lách, đánh võng trên đường; vượt đèn đỏ... Nếu lực lượng CSGT hóa trang phối hợp với lực lượng tuần tra công khai thì sẽ tăng cường xử lý được các trường hợp vi phạm nêu trên.
     
    Tuy nhiên, bên cạnh ý kiến đồng tình, nhiều người lại bày tỏ quan điểm lo ngại rằng, khi người mặc thường phục bắt lỗi, người vi phạm rất khó để có thể nhận diện được đó là CSGT hay người xấu giả danh. Ngay cả trong trường hợp có xuất trình thẻ ngành thì người dân cũng không dễ để kiểm định được tính thật - giả của những thẻ này.
     
    Một ý kiến băn khoăn: "Tội phạm bây giờ còn có cả quân phục, thẻ ngành làm giả rất tinh vi. Nếu tội phạm lừa đảo lấy thẻ ngành giả đưa ra rồi đưa người vi phạm đến chỗ khác để thực hiện hành vi phạm pháp thì người dân sẽ bị rơi vào tình huống rất bất cập, thậm chí còn thiếu an toàn. Hơn nữa, khi CSGT mặc quân phục thì người dân còn có thể nhận biết, còn nếu chỉ với thường phục với thẻ ngành là đã có thể bắt lỗi thì khó có thể tránh được việc kẻ xấu lợi dụng thẻ giả để trà trộn, hành nghề cướp giật".
     
    Đồng quan điểm, một độc giả khác bình luận: Một số CSGT mặc quân phục mà còn công khai "làm luật". Vậy nếu mặc thường phục, làm sao để có thể kiểm soát được? Ngoài ra, hóa trang hay mặc đồ dân sự chỉ trong trường hợp trinh sát an ninh, cảnh sát hình sự đi mật phục, bắt tội phạm. Còn nếu CSGT bắt người vi mà áp dụng biện pháp này thì không phù hợp.

    Đại tá Nguyễn Hữu Cầu - GĐ Công an tỉnh Nghệ An khẳng định CSGT hóa trang không được ra đường chặn phương tiện vi phạm. Ảnh: Báo Giao thông


    Về vấn đề này, trao đổi với báo Giao thông ĐBQH - Đại tá Nguyễn Hữu Cầu cho biết, trong quy định của ngành, CSGT được hoá trang theo kế hoạch nhất định. Nhưng phải khẳng định rằng dù hoá trang hay công khai thì đều phải thực thi công vụ đúng theo quy định pháp luật. Quy định của ngành rất rõ, với nhân dân phải kính trọng, lễ phép; thực thi pháp luật phải tuân thủ quy định. Người dân vi phạm tuỳ mức độ để xử lý, vi phạm hành chính nhẹ nhàng thì nhắc nhở, vi phạm hành chính cao hơn một chút thì xử phạt và có biên bản, hồ sơ và vi phạm nghiêm trọng, phạm tội thì xử nặng hơn.
     
    Còn Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) phân tích, Căn cứ Thông tư 01/2016 của Bộ Công an ngày 04/01/2016 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông của CSGT đã quy định lực lượng CSGT được phép mặc thường phục, kết hợp với lực lượng công khai để tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố.
     
    Tuy nhiên, khi tuần tra kiểm soát kết hợp hóa trang thì lực lượng CSGT phải tuân thủ điều kiện:
     
    a) Phải có kế hoạch tuần tra, kiểm soát được người có thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều này phê duyệt. Nội dung kế hoạch phải nêu rõ phương pháp thực hiện, lực lượng, phương thức liên lạc, thời gian, địa bàn tuần tra, kiểm soát; phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để tuần tra, kiểm soát;
     
    b) Tổ tuần tra, kiểm soát phải bố trí một bộ phận cán bộ trong Tổ để hóa trang (mặc thường phục) thực hiện nhiệm vụ giám sát tình hình trật tự giao thông, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật. Khi phát hiện vi phạm phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành kiểm soát, xử lý theo quy định của pháp luật; Bộ phận hóa trang và bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai trong một Tổ tuần tra, kiểm soát phải giữ một khoảng cách thích hợp bảo đảm việc xử lý vi phạm kịp thời, đúng pháp luật;
     
    c). Nghiêm cấm lạm dụng việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang để sách nhiễu, gây phiền hà, làm thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.
     
    Vũ Đậu (T/h)
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/csgt-hoa-trang-chan-phuong-tien-vi-pham-lo-so-bi-ke-xau-gia-dang-a207396.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan