Khoản 1 Điều 11 Thông tư 65/2020/TT-BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông quy định về trang phục; phương tiện giao thông; phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và vũ khí, công cụ hỗ trợ của lực lượng Cảnh sát giao thông như sau:
Trang phục của Cảnh sát giao thông
a) Cảnh sát giao thông khi tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm sử dụng trang phục Cảnh sát, đeo số hiệu Công an nhân dân theo quy định của Bộ Công an. Khi kiểm soát vào buổi tối, ban đêm hoặc ban ngày trong điều kiện thời tiết sương mù, thời tiết xấu làm hạn chế tầm nhìn phải mặc áo phản quang;
b) Trường hợp kiểm soát thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, được bố trí một bộ phận Cảnh sát giao thông mặc thường phục để vận hành, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, giám sát tình hình trật tự, an toàn giao thông, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và hành vi vi phạm pháp luật khác.
Khi phát hiện vi phạm phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành kiểm soát, xử lý theo quy định của pháp luật;
Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ thuộc Cục Cảnh sát giao thông (sau đây viết gọn là Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ), Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Trưởng Công an cấp huyện) trở lên quyết định việc mặc trang phục Cảnh sát hoặc thường phục khi sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và phải ghi rõ trong kế hoạch tuần tra, kiểm soát.
Như vậy, cảnh sát giao thông được mặc thường phục để vận hành, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, giám sát tình hình trật tự, an toàn giao thông, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ, hành vi vi phạm pháp luật khác và quyết định việc mặc thường phục khi sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phải ghi rõ trong kế hoạch tuần tra, kiểm soát.
Cảnh sát giao thông được bắn tốc độ ở những đoạn đường nào?
Căn cứ vào Khoản 3 Điều 11 Thông tư 65/2020/TT-BCA, máy đo tốc độ có ghi hình ảnh (hay còn gọi là máy bắn tốc độ) là một trong những phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được CSGT sử dụng nhằm phát hiện các vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông và xử lý vi phạm.
Cũng theo Khoản 3 Điều 11 Thông tư 65/2020/TT-BCA, máy bắn tốc độ sẽ được lắp đặt, sử dụng công khai hoặc hóa trang trên các tuyến giao thông đường bộ, tại trạm CSGT, trên phương tiện giao thông tuần tra, kiểm soát, trang bị cho tổ CSGT và do cán bộ CSGT trực tiếp vận hành, sử dụng để phát hiện, ghi thu hành vi vi phạm của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Đồng thời, việc tuần tra, kiểm soát của CSGT phải được thực hiện theo kế hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Như vậy, CSGT sẽ có quyền kiểm soát giao thông (trong đó có tốc độ) thông qua hệ thống giám sát lắp đặt cố định hoặc thông qua các phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ một cách cơ động ở bất cứ đoạn đường nào theo kế hoạch phê duyệt.
Trong trường hợp máy bắn tốc độ ghi nhận được hành vi vi phạm, hệ thống sẽ tự động truy cập, truyền dữ liệu đến tổ tuần tra, kiểm soát để lưu giữ và phục vụ công tác kiểm soát, xử lý vi phạm theo quy định. Người điều khiển phương tiện có trách nhiệm hợp tác theo yêu cầu kiểm tra, kiểm soát thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của CSGT.
Nếu chạy quá tốc độ quy định, người điều khiển phương tiện có thể bị xử phạt vi phạm theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Hoàng Yên (T/h)