+Aa-
    Zalo

    Covid-19 tại Việt Nam: “Nơi đáng sống nhất là nơi an toàn nhất”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Chương trình phát thanh “Những đóa hoa nở giữa cuộc đời” vừa qua được tổ chức tại Hà Nội đã nhìn lại sự hy sinh cao cả của các y bác sĩ, những người “chiến sĩ” tuyến đầu.

    Chương trình phát thanh “Những đóa hoa nở giữa cuộc đời” vừa qua được tổ chức tại Hà Nội đã nhìn lại sự hy sinh cao cả của các y bác sĩ, những người “chiến sĩ” ở tuyến đầu chống dịch.

    Các bác sĩ một ngày 2 lần đều đặn kiểm tra sức khỏe của các bệnh nhân. (Ảnh cắt từ livestream).

    Những hy sinh thầm lặng

    Bằng sự cống hiến của mình, chị Đặng Thị Thu Hà, nhân viên y tế phường Liên Chiểu (TP.Đà Nẵng) với nhiệm vụ truy vết các trường hợp F1, F2 đã làm việc vô cùng vất vả. Chị Hà là người đã bị ngất vì làm việc kiệt sức. Sau khi được truyền nước và nghỉ ngơi, chị lại lao vào công việc. Công việc cứ cuốn đi khiến chị không còn cảm thấy mệt mỏi.

    Hay chị Lê Thị Thanh Ngọc, nhân viên y tế phường Hòa Thọ Đông (Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng) cũng đành để lại con nhỏ 10 tháng tuổi hàng đêm vẫn khóc vì nhớ mẹ ở nhà để lên tuyến đầu chống dịch.

    Cuộc sống bất ngờ bị đóng băng vì ca mắc Covid-19 tại Đà Nẵng vào giữa tháng Bảy. Giữa hàng ngàn người tìm cách di tản khỏi ổ dịch thì những y bác sĩ tại bệnh viện Bạch Mai lại đi ngược chiều đám đông, vào giữa tâm dịch để chi viện cho Đà Nẵng.

    PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, trong suốt 250 ngày đêm chống dịch, có 30 ngày cam go nhất. Theo ông, Việt Nam chưa từng trải qua một đại dịch nào nguy hiểm và kéo dài như thế. “Trong đợt dịch tại Đà Nẵng, chúng ta không để dịch lây lan ra các thành phố lớn khác”, ông Phu cho hay.

    Bên cạnh đó, PGS. Phu cũng nhấn mạnh, phải làm sao khống chế để giảm mức thấp nhất chuyện tử vong trong khối bệnh viện và đặt lên áp lực với các bác sĩ trong chuyện phong tỏa bệnh viện. Câu hỏi lớn nhất đặt ra lúc này là: Làm sao vừa chữa bệnh được mà vừa chống dịch được?

    Dù khó khăn là vậy, nhưng ngành Y đều đã đạt được những kết quả từ những kinh nghiệm trước đó. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam cũng được coi là đã thành công trong công tác chống dịch.

    PGS.TS Trần Đắc Phu nêu cao tinh thần “Chống dịch như chống giặc” bởi: “Giặc vẫn có thể xâm nhập vào từ nước ngoài, nhất là vào mùa đông”. Ông cũng nhấn mạnh, có khả năng những mầm bệnh ở trong nước chưa hết hẳn nhưng công tác chống dịch luôn được Nhà nước, người dân hết sức quan tâm và ủng hộ.

    Một trong những người trực tiếp ở tuyến đầu chống dịch là bác sĩ Chuyên khoa I Lê Kinh Luân tại bệnh viện Chợ Rẫy TP.Hồ Chí Minh. Bác sĩ Luân chia sẻ: “Khi nhận được nhiệm vụ, tôi cũng không bất ngờ lắm mà chuẩn bị tâm thế sẵn sàng lên đường”.

    Ký ức về những ngày gắn bó tại Đà Nẵng dường như hiện về rõ hơn khi bác sĩ Luân được kết nối để gặp bệnh nhân mắc Covid-19 đã khỏi do chính mình điều trị. Người bệnh nhân già đã 76 tuổi nhưng trong trí nhớ của bà, bác sĩ Luân dù xuất hiện đằng sau lớp quần áo bảo hộ vẫn có một giọng nói thật đặc biệt. “Thấy tôi có biểu hiện đau bụng, tuổi lại cao, các bác sĩ và điều dưỡng ở đó vẫn nhiệt tình hỏi thăm và chữa trị. Nhờ có sự chăm sóc của các bác sĩ và nhân viên tại bệnh viện tôi mới có cơ hội được trở về và sum vầy với gia đình. Tôi rất cảm ơn bác sĩ và các điều dưỡng tại bệnh viện”, bệnh nhân nhớ lại.

    Và, mặc dù Covid-19 là cơn ác mộng với toàn thế giới, nhưng Việt Nam lại biến những khó khăn thành cơ hội để ngành Y có những bước tiến đáng kể. Đặc biệt là sự thành lập hệ thống khám chữa bệnh từ xa, đảm bảo sức khỏe cho người bệnh, tránh tình trạng chen lấn, quá tải ở các bệnh viện tuyến trên và phòng chống dịch Covid-19.

    Theo số liệu thống kê của bộ Y tế, đến nay đã có hơn 20 bệnh viện tuyến trên và tuyến dưới tham gia đề án khám chữa bệnh từ xa, kết nối với hơn 1.000 bệnh viện vệ tinh. Góp phần nâng cao năng lực cho bệnh viện tuyến dưới, giảm tải bệnh viện tuyến trên.

    Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc bệnh viện Đại học Y Hà Nội, việc triển khai các điểm cầu khám, chữa bệnh từ xa về lâu dài sẽ thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế.

    Đội chi viện cho tâm dịch Đà Nẵng ở thời điểm đó, chỉ biết ngày đi, không rõ ngày về. (Ảnh cắt từ livestream).

    Xây dựng tâm thế thích ứng để chống dịch

    Nói về việc chống dịch đã thay đổi nhận thức và hành động của người Việt Nam ra sao, bà Vũ Thị Minh Hạnh, nguyên Phó Viện trưởng viện Chiến lược và chính sách y tế cho rằng đầu tiên là nhận thức của cộng đồng về nguy cơ lây lan và tầm quan trọng của phòng, chống dịch. Bà Hạnh nhấn mạnh, trong thời điểm này, khi dịch bệnh không trừ một ai, thì nơi đáng sống nhất là nơi an toàn nhất.

    Truyền thông cũng đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng nhận thức và hành vi trong cộng đồng. “Một vấn đề nữa mà tôi cho rằng ở thời điểm hiện tại mới bộc lộ, đó là phòng chống dịch là vấn đề của cả cộng đồng, là trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và xã hội”, bà Hạnh chia sẻ thêm.

    Nói thêm về vấn đề này, bà Hạnh cho rằng vị thế và vai trò của ngành Y tế đã được khẳng định một cách vững chãi hơn. Đặc biệt, vị thế của đất nước chúng ta đang được nâng lên trong con mắt của bạn bè quốc tế.

    Một điều nữa cũng làm bà Hạnh cảm thấy ấm lòng là tinh thần tương thân tương ái tại những địa phương trong thời gian bị cách ly. Hay sự chia sẻ của cộng đồng với khó khăn của cán bộ tại những bệnh viện.

    Cũng theo bà Hạnh, tâm thế thích ứng với ngành y tế là cần rút kinh nghiệm qua những bài học trong thời gian vừa qua. Đầu tiên phải duy trì chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương kịp thời để huy động tất cả sức mạnh của ngành vào công cuộc chống dịch.

    “Tôi cũng muốn nhắn nhủ đến người dân, hãy là những người chống dịch thông thái. Không quá hoảng sợ nhưng cũng không lơ là, chủ quan”, bà Hạnh chia sẻ.

    Còn đối với ông Nguyễn Quốc Vương, chuyên gia nghiên cứu Văn hóa lại cho rằng, mỗi khi nhắc đến thói quen của người Việt, mọi người đều nghĩ đến cuộc sống đông vui, tấp nập của tất cả mọi người.

    “Trong nguy nan, khi đối mặt với sự sinh tồn, người Việt có khả năng xoay xở rất nhanh. Cùng với công tác truyền thông tốt, cộng đồng đã có những chuyển biến đáng kể”, ông Vượng đánh giá.

    Sự thay đổi đáng kể đến từ những cá nhân, những gia đình hay ra ngoài xã hội, mọi người đều nhắc nhau đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn và hạn chế tiếp xúc hay tụ tập. Theo ông Vương, đây không chỉ là những biện pháp phòng, chống dịch mà đây còn là cơ hội để thay đổi cuộc sống trở nên văn minh hơn.

    “Nhân cơ hội này, chúng ta có thể vừa truyền thông chống dịch, vừa truyền thông để xây dựng một nếp sống văn “ minh”, ông Nguyễn Quốc Vương.

    Lê Trà

    Bài viết đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ Bảy (42)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/covid-19-tai-viet-nam-noi-dang-song-nhat-la-noi-an-toan-nhat-a342834.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan