(ĐSPL) - 2014 là năm đáng nhớ của tiền đạo Lê Công Vinh khi anh cán mốc 100 bàn thắng ở sân chơi V.League. Hãy cùng khám phá bí quyết đặc biệt của chân sút 28 tuổi này...
|
Công Vinh ăn mừng bàn thắng thứ 100. |
Sau trận đấu với Hải Phòng và có bàn thắng thứ 100, tại một góc khuất ở thành Vinh, lần đầu tiên Công Vinh đã chia sẻ với người viết về bí quyết giúp anh đi vào lịch sử của giải đấu số 1 Việt Nam.
Hành trình 10 năm của CV9
Năm 2003, khi mới 18 tuổi, Lê Công Vinh đã được đôn lên thứ sức ở đội 1 Sông Lam Nghệ An (SLNA). Ngày ấy, ngoài các ngoại binh được ưu tiên tối đa cho hàng công, đội bóng xứ Nghệ còn có những tiền đạo nổi tiếng khác như Phạm Văn Quyến, Phan Thanh Hoàn. Sau một số giải đấu tập huấn và không đáp ứng được yêu cầu, Công Vinh đã được SLNA cho Thừa Thiên - Huế mượn. Mọi thủ tục về giấy tờ đã xong nhưng may cho Vinh, Phan Thanh Hoàn bị chấn thương và anh được giữ lại để tham dự JVC Cúp 2003 cùng SLNA. Ở giải đấu ấy, Vinh chơi xuất sắc và có luôn "vé vớt" dự SEA Games 22 tổ chức ở Mỹ Đình. "Đó là bước ngoặt trong sự nghiệp của tôi. Nếu ngày ấy, anh Hoàn không may bị tai nạn và tôi vào Huế đá bóng, thì chắc bây giờ, tôi vẫn chỉ là cái tên vô danh...", Công Vinh chia sẻ.
JVC Cúp 2003 thực sự là bước ngoặt bởi sau đó, Công Vinh được giữ lại SLNA đá V.League 2004, còn người ra đi là Phan Thanh Hoàn. Một phần do may mắn nhưng cái chính, bản thân Vinh đã thể hiện được mình ở những thời khắc quan trọng nhất. Sát cánh cùng đàn anh Văn Quyến trên hàng công nhưng Vinh không hề tỏ ra thua kém. Bản thân anh vẫn ghi bàn đều đều và từ sau năm 2005, khi Quyến bị treo giò vì bán độ, Công Vinh trở thành chân sút số 1 ở đội bóng quê hương.
Bốn năm ở Thủ đô, Vinh cũng phải đối mặt với không ít thử thách. Tuy nhiên, với bản lĩnh của một cầu thủ lớn, Công Vinh đã lần lượt vượt qua mọi áp lực để tiếp cận thành công. 25 bàn thắng trong hai mùa đá cho HN.T&T (một năm bị chấn thương), 11 bàn thắng trong một mùa đá cho CLB Bóng đá Hà Nội, hiệu suất ghi bàn đang nể đối với một chân sút nội.
CLB Bóng đá Hà Nội giải thể, tương lai của Công Vinh cũng mịt mờ và về lại đội bóng quê hương bằng một bản hợp đồng "cưu mang". Tuy nhiên, thể hiện giá trị của mình, Công Vinh tỏa sáng, thậm chí sáng ngời với 13 pha lập công và được đội bóng Nhật Bản mời sang thi đấu. 29 tuổi, trải qua 3 đội bóng trong nước, 2 đội bóng nước ngoài, Công Vinh là cầu thủ có bản thành tích tốt nhất Việt Nam trong hơn một thập kỷ qua.
Lao động và khổ luyện
Công Vinh không phải là người sẵn có tài năng thiên bẩm, điều đó ai cũng biết. Nhưng có một thực tế, không ai phủ nhận, trong giới "quần đùi áo số" ở Việt Nam, tiền đạo này là người thành công nhất thời điểm hiện tại. Bài học lớn nhất mà những cầu thủ chơi bóng ở Việt Nam nên học hỏi, đó là lao động và khổ luyện.
Khi gia nhập "lò" Sông Lam, Công Vinh vẫn còn đó những giai thoại về đôi chân cứng như... củi. Không đáp ứng được chuyên môn nhưng bởi sự cầu tiến, các thầy thương tình cho ở lại. Cũng nhờ sự kiên trì khổ luyện, Vinh dần khéo léo hơn và trở thành chân sút số 1 của đội bóng xứ Nghệ. Các thầy ở "lò" Sông Lam thường dạy các học trò là hãy học cách trưởng thành của anh Vinh.
"Ngày ấy nhà tôi nghèo lắm, bố mẹ lại ly hôn nữa nên cũng lắm chuyện buồn. Tôi vào "lò" Sông Lam mang theo nhiều ước mơ. Dù vậy, trời không cho tôi tài năng. Vào tập luyện với các đồng đội, tôi luôn bị các thầy chê, thậm chí bị chế giễu mỗi khi không thực hiện được các bài tập về chuyên môn. Tâm lý một đứa trẻ con như thế cũng nản, và có lúc tôi cũng muốn về. Nhưng may các thầy thương và động viên. Dần dần tôi cũng bản lĩnh hơn với suy nghĩ, mình không tài năng thì phải cố gắng lao động nhiều hơn. Vậy là tôi lao vào tập luyện. Người ta tập một, tôi tập mười. Nhờ sự nhẫn nhịn và kiên trì khổ luyện, tôi dần tiến bộ và đáng trân trọng hơn trong con mắt bạn bè, đồng nghiệp...", Công Vinh chia sẻ về những ngày đầu ở "lò" Sông Lam.
Ở một đội bóng dàn sao như HN.T&T, Công Vinh vẫn chứng tỏ được giá trị của mình. Trên hàng công, anh vẫn là số 1 và có vai trò không nhỏ trong việc xây dựng và tạo lập để đội bóng của bầu Hiển trở thành một thế lực hiện nay. Hay khá phức tạp như môi trường của CL Bóng đá Hà Nội, nhưng Công Vinh vẫn là điểm sáng. 11 pha lập công cho một mùa, đó vẫn là một hiệu suất đáng nể. Những ngày tháng xa quê với nhiều thử thách, nhưng ở đâu Vinh cũng là ngôi sao sáng nhất. Đây cũng là thành quả của sự nỗ lực và khát khao cống hiến của Vinh.
Về lại SLNA với nhiều điều tiếng, khi bị xem là ở cái thế không còn biết đi đâu nữa phải trở về bấu víu nhưng Công Vinh vẫn thể hiện được đẳng cấp của mình. Kiên trì, khổ luyện như những ngày đầu, Vinh là ngôi sao sáng nhất của đội bóng xứ Nghệ ở mùa giải 2013. Ngoài 13 pha lập công, người ta còn thấy ở Công Vinh ở khả năng chịu đựng áp lực và tỏa sáng đúng với giá trị của cầu thủ số 1 Việt Nam.
Thời gian ở Nhật, dù áp lực là rất lớn nhưng ý thức được nghề nghiệp, Vinh vẫn cố gắng để không là người thừa. Ghi bàn và kiếm tìm được một vị trí, 4 tháng của Công Vinh ở Nhật Bản cũng giá trị và nói không ngoa, Vinh đã nâng tầm ý chí và năng lực chuyên môn của người Việt trong con mắt đối tác Nhật Bản. Màn thể hiện xuất sắc của Công Vinh cũng đánh tan nghi ngờ về một vụ "PR" giữa đội bóng Việt Nam với đối tác Nhật Bản.
"Với tôi, thành công không bao giờ có điểm dừng, đó là bí quyết. Khi vinh quang cùng với HN.T&T hay vô địch AFF Cup năm 2008, tôi không bao giờ tự mãn. Tôi luôn ý thức rằng, chinh phục được mục tiêu này rồi thì phải đề ra mục tiêu khác cho bản thân. Chính vì vậy, dù là môi trường khắc nghiệt ở Nhật, tôi vẫn nỗ lực để kiếm tìm chỗ đứng và tôi đã làm được...", Công Vinh chia sẻ bí quyết.
Là cầu thủ chuyên nghiệp, coi trọng lao động và ý thức nghề nghiệp cao nên sống ở môi trường nào, Vinh cũng là cái tên sáng nhất. Đó là điều đáng trân trọng và là bài học cho không ít người. Bí quyết mà Công Vinh cô đọng lại là: Nếu không có tài thì phải nhẫn nhịn và kiên trì lao động. Bài học thứ hai là không bao giờ được dừng mục tiêu. Nếu tự mãn với chính mình là coi như giết luôn sự nghiệp bản thân.
Hiệu suất ghi bàn ngang với các tên tuổi hàng đầu châu Âu
Theo thống kê, Công Vinh lên V.League từ năm 2004, đến nay là mùa thứ 10. Trong 10 mùa giải thì có 1 mùa anh bị chấn thương, không thi đấu. V.League ở những mùa giải đấu chỉ có 10 đội bóng, thành ra trung bình mỗi năm như thế, Công Vinh chỉ chơi khoảng 15 trận (vì chấn thương, thẻ phạt) ở đấu trường V.League. Tổng cộng trong 10 năm, Vinh ra sân khoảng 150 trận đấu và ghi 100 bàn thắng. Đây là hiệu suất ghi bàn ngang với những tên tuổi hàng đầu của bóng đá thế giới như Ronaldo hay Messi.
HLV Nguyễn Hữu Thắng: "Công Vinh là cầu thủ chuyên nghiệp nhất Việt Nam"
Tôi ấn tượng với Công Vinh từ JVC Cúp năm 2003. Ngày ấy, cậu ta còn trẻ và phải cạnh tranh với những đàn anh có chuyên môn tốt như Văn Quyến, Phan Thanh Hoàn. Tuy nhiên, bằng thái độ tập luyện tích cực, ý thức chơi bóng chuyên nghiệp, Công Vinh liên tục "nổ súng" và ghi dấu ấn lớn. Không chỉ tôi ấn tượng mà BHL U.23 VN thời điểm ấy cũng để mắt tới và sau đó, Vinh được gọi tập trung cùng U.23 VN. Sau này, cũng chính bằng cách sống, sự chuyên nghiệp ấy, Công Vinh đã có tất cả những thứ mà cầu thủ ở Việt Nam đều mơ ước.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cong-vinh-lan-dau-tiet-lo-ve-bi-quyet-ghi-100-ban-thang-a27172.html