Nợ phải trả tăng
Được thành lập vào năm 1998, Công ty Cổ phần Quốc tế Sơn Hà (tiền thân là Công ty TNHH Cơ Kim Khí Sơn Hà) khởi đầu là một doanh nghiệp chuyên kinh doanh mặt hàng gia dụng – bao gồm các sản phẩm khá quen thuộc như bồn nước inox, bồn nhựa Sơn Hà.
Cũng giống như nhiều ông lớn khác trong ngành đồ gia dụng, nội thất, nhiều năm trở lại đây, Sơn Hà dưới sự dẫn dắt của doanh nhân Lê Vĩnh Sơn bắt đầu định vị và đặt mục tiêu lấn sân sang mảng bất động sản và hạ tầng công nghiệp.
Từng hé lộ tham vọng trở thành nhà đầu tư bất động sản công nghiệp hàng đầu tại Việt Nam trong tương lai gần, tuy nhiên bức tranh tài chính của Sơn Hà vẫn tiềm ẩn nhiều dấu hỏi về thực lực của doanh nghiệp này bởi bất động sản vốn là một lĩnh vực thâm dụng vốn cao.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022 của Công ty Cổ phần Quốc tế Sơn Hà (mã chứng khoán: SHI), doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty ở mức 1.834 tỷ đồng, tăng 5,73% so với cùng kỳ.
Doanh thu thuần tăng nhẹ, tuy nhiên các khoản chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí khác lần lượt tăng cao dẫn tới lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của Sơn Hà chỉ đạt mức 1.185 tỷ đồng, tương ứng giảm 76,13% so với cùng kỳ năm trước.
Một thông tin đáng chú ý trong bản báo cáo tài chính của công ty Sơn Hà là lượng hàng tồn kho tăng nhẹ. Cụ thể, trong quý III/2022, giá trị hàng hóa tồn kho của công ty này tăng lên mức 1.674 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/9/2022, nợ phải trả của Sơn Hà ở mức 4.679 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ là 1.898 tỷ đồng. Như vậy, nợ phải trả của doanh nghiệp đang gấp gần 2,5 lần vốn chủ sở hữu. Trong cơ cấu nợ của công ty Sơn Hà, nợ ngắn hạn chiếm hơn 4.347 tỷ đồng, trong khi nợ dài hạn chỉ chiếm hơn 332 tỷ đồng.
Tổng tài sản của Sơn Hà tính đến cuối quý III/2022 là 6.577 tỷ đồng, trong đó chiếm chủ yếu là tài sản ngắn hạn ở mức 5.156 tỷ đồng. Tiền và các khoản tương đương tiền chỉ ở mức 123 tỷ đồng, giảm 28,9% so với số đầu năm.
Nhìn vào dòng tiền của công ty cũng cho thấy “điểm trừ” khi lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh tính đến cuối tháng 9/2022 vẫn âm 1.289 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ âm 337 tỷ đồng. Song song với đó, lưu chuyển tiền từ hoạt động đầu tư của công ty cũng âm hơn 361 tỷ đồng.
Bổ sung nguồn lực bằng trái phiếu
Sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức cao, ngoài kênh vay vốn ngân hàng, Sơn Hà cũng bổ sung nguồn lực thông qua kênh trái phiếu, với việc sử dụng chính cổ phiếu SHI và cổ phần tại công ty con làm tài sản đảm bảo.
Cụ thể, để tăng quy mô hoạt động và thực hiện các dự án đầu tư, vào tháng 7/2021, Sơn Hà đã phát hành lô trái phiếu trị giá 280 tỷ đồng, trái chủ là một công ty bảo hiểm.
Đây là lô trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, được đảm bảo bằng 38,5 triệu cổ phiếu SHI và 12 triệu cổ phần của CTCP Tổng công ty Toàn Mỹ. Tính đến ngày 28/10, Sơn Hà cho biết đã giải ngân toàn bộ 280 tỷ đồng để tăng quy mô vốn hoạt động, cụ thể cho hoạt động sản xuất và kinh doanh thép không gỉ.
Hiện cổ phiếu SHI đang giao dịch ở mức 14.750 đồng/cổ phiếu (kết phiên ngày 13/12). Tạm tính theo mức giá này, số cổ phần SHI được mang ra làm tài sản đảm bảo có giá trị thị trường có giá trị hơn 567 tỷ đồng.
Đáng chú ý, ngay trước khi huy động lô trái phiếu trên, tổng nợ vay tài chính của Sơn Hà lên đến 2.392 tỷ đồng, chiếm đến 50% tổng tài sản (theo số liệu tới ngày 30/6/2021).
Về ban lãnh đạo, hiện ông Lê Vĩnh Sơn, người sáng lập Sơn Hà từ những ngày đầu hiện đang là Chủ tịch HĐQT cũng đồng thời là cổ đông trực tiếp nắm giữ 10,72% cổ phần (số liệu tính đến ngày 26/08/2022). Vị doanh nhân sinh năm 1974 này còn đang là Đại biểu HĐND Thành phố Hà Nội khóa XVI nhiệm kỳ 2021 – 2026. Gần đây nhất, trong tháng 8 và tháng 10/2022, Sơn Hà liên tiếp công bố miễn nhiệm hai Phó Tổng giám đốc là ông Đào Nam Phong và ông Nguyễn Đăng Hoàn.
Theo công bố trên website chính thức, ngày 23/7/2022, Sơn Hà đã lọt vào danh sách Top 10 thương hiệu xuất sắc châu Á năm 2022, qua đó “tiếp tục khẳng định vị thế của Tập đoàn kinh tế đa ngành hàng đầu khu vực”.
PV