Công ty Shionogi có trụ sở tại Osaka (Nhật Bản) cho biết họ đang phát triển thuốc điều trị COVID-19 theo dạng thuốc uống với liều lượng sử dụng 1 lần/ngày. Theo đó, Shionogi hiện đã bắt đầu bước vào giai đoạn thử nghiệm hiệu quả và xác định các tác dụng phụ của loại thuốc này từ tháng 7/2021. Hãng dược Nhật Bản cho biết quá trình nghiên cứu, thử nghiệm của họ có thể kéo dài tới năm 2022.
Được biết, Shionogi đang nỗ lực chạy đua với 2 hãng dược Pfizer và Merck để tìm ra phương pháp điều trị COVID-19. Trước đó vài tháng, Pfizer đã bắt đầu thử nghiệm loại thuốc của mình. Hãng dược Mỹ cho biết viên uống của họ được sử dụng với liều lượng 2 lần/ngày và có thể được tung ra thị trường trong năm nay.
Hiện nay, Pfizer đang làm thử nghiệm với hơn 2.000 bệnh nhân COVID-19, phương pháp chữa trị của họ dựa trên sự kết hợp giữa thuốc kháng virus và thuốc kháng virus tăng cường chống lại giả dược.
Nỗ lực chạy đua tìm kiếm phương pháp điều trị vaccine COVID-19 được cho là nhằm mục đích lấp đầy lỗ hổng lớn nhất trong công tác ngăn ngừa, đẩy lùi đại dịch.
Được biết, các phương pháp điều trị hiện có, bao gồm cả thuốc kháng virus remdesivir của Gilead Sciences Inc., thường chỉ được sử dụng tại bệnh viện và chỉ có tác dụng trong một khoảng thời gian. Các loại thuốc khác có thể được cung cấp trong bệnh viện bao gồm thuốc kháng thể đơn dòng, chẳng hạn như thuốc do Regeneron Pharmaceuticals Inc sản xuất và steroid dexamethasone.
Những nhà sản xuất thuốc hiện đang hướng tới phương án điều chế loại thuốc mà những người bệnh có thể mua và sử dụng tại nhà khi các triệu chứng bệnh còn nhẹ như thuốc điều trị bệnh cúm. Nếu thành công, liều thuốc này có thể đóng vai trò vô cùng quan trọng, không thua gì vaccine, trong cuộc chiến đẩy lùi COVID-19.
Ông Isao Teshirogi, giám đốc điều hành của Shionogi cho biết: "Mục tiêu của chúng tôi là sản xuất một hợp chất thuốc uống rất an toàn, như Tamiflu và Xofluza (thuốc điều trị bệnh cúm)".
Ông nói thêm rằng thuốc điều trị COVID-19 mà Shionogi phát triển có thể chữa khỏi cho các bệnh nhân sau khoảng 5 ngày sử dụng. Theo đó, thử nghiệm của hãng dược Nhật Bản bước đầu dự kiến sẽ thu hút sự tham gia của khoảng 50 đến 100 đối tượng khỏe mạnh. Sau đó, một thử nghiệm quy mô lớn hơn nhằm so sánh loại thuốc này với giả dược ở bệnh nhân COVID-19 có thể được bắt đầu vào cuối năm nay.
Tỷ lệ thất bại đối với các thử nghiệm thuốc nói chung tương đối cao. Bất kỳ tác dụng phụ nào, ngay cả một tác dụng tương đối nhẹ như buồn nôn, đều có thể khiến viên uống COVID-19 không thực tế để sử dụng tại nhà. Các nhà nghiên cứu cho biết họ chưa rõ liệu việc loại bỏ toàn bộ virus SARS-CoV-2 khỏi cơ thể bệnh nhân có thể giúp ngăn chặn sự tiến triển xấu ở người bệnh, bao gồm triệu chứng thiếu oxy, hay không.
Thuốc Pfizer và Shionogi ngăn chặn nhiễm trùng bằng cách ức chế một loại enzyme gọi là protease mà virus cần để tự sao chép bên trong tế bào người. Các chất ức chế protease được sử dụng rộng rãi để chống nhiều loại virus khác bao gồm cả HIV, nhưng khả năng kháng virus của phương pháp thì vẫn chưa rõ ràng.
Minh Hạnh (Theo Wall Street Journal)