(ĐSPL) – Luật sư cho biết, trong trường hợp công ty CP Đầu tư BĐS Hà Nội vẫn cố tình chây ỳ trả phí bảo trì, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (thành phố) có trách nhiệm ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi kinh phí bảo trì để bàn giao cho Ban quản trị và gửi quyết định này cho chủ đầu tư.
Tin tức chúng tôi đã đăng tải, cư dân tòa nhà CT3 Lê Đức Thọ (Chủ đầu tư Công ty CP Đầu tư BĐS Hà Nội – C’land) phản ánh chủ đầu tư chây ỳ trả 2% phí bảo trì cho Ban quản trị tòa nhà.
Ông Tạ Văn Giang – Trưởng ban Quản trị tòa nhà chung cư CT3 Lê Đức Thọ cho biết, dù đôi bên đã có văn bản thống nhất sau tháng 8/2016, Chủ đầu tư phải bàn giao phí bảo trì cho BQT chung cư, tuy nhiên hơn 1 tháng qua, công ty CP Đầu tư BĐS Hà Nội – C’land vẫn không chịu trả tiền.
Ông Giang cho rằng, việc C’land chây ỳ trả phí bảo trì tòa nhà là một hình thức chiếm dụng vốn của cư dân.
Liên quan tới vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ - Luật sư Vũ Hồng Hoa – Hợp tác xã Luật Đống Đa để nhìn nhận vấn đề trên phương diện pháp luật.
Thưa Luật sư, việc chủ đầu tư không chịu bàn giao phí bảo trì 2% cho Ban quản trị tòa nhà vi phạm điều gì của pháp luật hiện hành?
Căn cứ thông tin mà Quý báo cung cấp, Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Hà Nội không trả phí bảo trì cho ban quản trị tòa nhà CT3 mặc dù đôi bên đã có thỏa thuận chuyển tiền trong tháng 8/2016. Uỷ ban nhân dân quận Nam Từ Liêm cũng có yêu cầu gửi Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Hà Nội chuyển tiền phí bảo trì và hồ sơ cho Ban quản trị CT3 như luật định. Hành vi của Công ty Cổ phần đầu tư Bất động sản Hà Nội là trái với quy định của pháp luật.
Theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 108, và khoản 1 Điều 109 Luật Nhà ở 2014 thì chủ đầu tư phải đóng 2% giá trị căn hộ hoặc diện tích khác bán, cho thuê mua; đây chính là khoản tiền do bên bán hoặc bên thuê mua nhà đóng khi nhận bàn giao và được quy định rõ trong hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê mua.
Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày Ban quản trị nhà chung cư được thành lập, chủ đầu tư phải chuyển giao kinh phí bảo trì bao gồm cả lãi suất tiền gửi cho Ban quản trị để thực hiện quản lý, sử dụng theo quy định của Luật này và có thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh biết; trường hợp chủ đầu tư không bàn giao kinh phí này thì Ban quản trị nhà chung cư có quyền yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà chung cư thực hiện cưỡng chế buộc chủ đầu tư phải thực hiện bàn giao theo quy định của Chính phủ.
Thạc sỹ - Luật sư Vũ Hồng Hoa. |
Hơn nữa, việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu vốn thuộc trách nhiệm của Ban quản trị nhà chung cư (điểm b, khoản 1, Điều 104 Luật Nhà ở năm 2014).
Do đó, giữa Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Hà Nội và Ban quản trị tòa nhà CT3 đã có thỏa thuận chuyển kinh phí bảo trì trong tháng 8/2016 nên chủ đầu tư cần thực hiện đúng thỏa thuận cũng như đảm bảo đúng quy định pháp luật.
Cư dân tòa nhà cho rằng, việc chủ đầu tư chây ỳ không chịu trả số tiền này có phải là một hình thức chiếm dụng vốn của người dân?
Việc xác định chủ đầu tư chây ỳ không trả số tiền bảo trì cho Ban quản trị có được coi là một hình thức chiếm dụng vốn của dân hay không, ta cần hiểu việc chiếm dụng vốn là gì?
Việc chiếm dụng của các nhà đầu tư trong kinh doanh bất động sản là trường hợp các nhà đầu tư sử dụng khoản vốn vào mục địch khác thay vì trả cho người dân hoặc ban quản trị nhà để sử dụng vào mục đích bảo trì.Rõ ràng việc nhà đầu tư dùng tiền theo thỏa thuận trong hợp đồng đã ký vào việc khác, đến ngày thực hiện hợp đồng mà chủ đầu tư không thực hiện nghĩa vụ là trái pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các tranh chấp do không thực hiện đúng hợp đồng đều được giải quyết theo lối tranh chấp dân sự.
Như vậy, nếu như có bằng chứng về việc Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Hà Nội cố tình chây ỳ không trả phí bảo trì cho Ban quản trị tòa nhà CT3 mà dùng vào mục đích khác thì đây là hành vi chiếm dụng vốn.
Để giải quyết tình trạng chủ đầu tư chây ỳ trả tiền phí bảo trì, người dân phải kiến nghị tới cơ quan nào?
Để giải quyết tình trạng chủ đầu tư chây ỳ không trả số tiền bảo trì thì ta có thể làm theo quy định tạiĐiều 37 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở về thủ tục cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư. Theo đó, trường hợp chủ đầu tư không bàn giao kinh phí bảo trì theo quy định tại Điều 36 của Nghị định này hoặc bàn giao không đầy đủ, không đúng hạn theo quy định thì giải quyết như sau:
Ban quản trị có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (thành phố) nơi có nhà chung cư yêu cầu chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư theo quy định. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản của Ban quản trị, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ kiểm tra và có văn bản yêu cầu chủ đầu tư bàn giao kinh phí cho Ban quản trị.
Trong trường hợp quá thời hạn trên mà chủ đầu tư vẫn không thực hiện bàn giao kinh phí bảo trì thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi kinh phí bảo trì để bàn giao cho Ban quản trị và gửi quyết định này cho chủ đầu tư. Kinh phí phải bàn giao là toàn bộ số tiền bảo trì (cả gốc và lãi) theo số liệu kinh phí mà các bên đã quyết toán.
Trong quá trình thực hiện cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì, nếu phát hiện chủ đầu tư có hành vi vi phạm pháp luật hình sự thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ yêu cầu cơ quan có thẩm quyền điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Nếu cơ quan chức năng phát hiện chủ đầu tư có hành vi chiếm dụng vốn, việc này có thể xử lý hình sự được không?
Nếu như có bằng chứng về việc Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Hà Nội cố tình chây ỳ không trả phí bảo trì cho Ban quản trị tòa nhà CT3 mà dùng vào mục đích khác;đồng thời, chủ đầu tư có hành vi vi phạm pháp luật hình sự như: bỏ trốn, lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản… thì cơ quan có thẩm quyền mới có thể khởi tố theo quy định pháp luật và xử lý theo pháp luật hình sự.
Xin cảm ơn Luật sư.
Xuân Tùng (Thực hiện)
Nguồn: Người đưa tin
[mecloud] kJ2mBCAV2Z[/mecloud]