+Aa-
    Zalo

    Công trình thủy lợi "chết yểu", đất nông nghiệp bỏ hoang

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Hiện có rất nhiều đất nông nghiệp ở huyện Mường Lát (Thanh Hóa) đang bị bỏ hoang vì khô hạn, ruộng không có nước tưới, dân không có đất trồng trọt...

    (ĐSPL) - Hiện có rất nhiều đất nông nghiệp ở huyện Mường Lát (Thanh Hóa) đang bị bỏ hoang vì khô hạn, ruộng không có nước tưới, dân không có đất trồng trọt, cuộc sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Trong khi đó, một số công trình thủy lợi với vốn đầu tư lên đến hàng chục tỷ đồng được xây dựng ở nơi này không hề phát huy hiệu quả.
    Thậm chí, một số công trình "ma" như đập suối Lét ở xã Tam Chung, vốn đầu tư 1,7 tỷ đồng, từ khi khởi công đến khi hoàn thành đều không phổ biến với chính quyền địa phương và rất ít người biết đến sự tồn tại của nó.
    Những cánh đồng "khát" nước
    Với những đặc trưng riêng về điều kiện tự nhiên, trong những ngày tháng 3, tháng 4 này, Mường Lát đang ở trong giai đoạn cao điểm của mùa khô. Những cánh rừng trồng le khô quắt, vàng rực dưới nắng hanh tưởng như chỉ cần một mồi lửa sẽ bùng cháy dữ dội. Những thửa ruộng bậc thang mà lẽ ra vào thời điểm này đã phải được phủ lên màu xanh tươi mơn mởn của lúa đang thì con gái, giờ đây chỉ còn là những cánh đồng khô nứt nẻ.
    Anh Hà Văn Lợi, người dân bản Đông Ban, xã Pù Nhi cho biết: "Trước đây, có mương dẫn nước từ bản Na Tao về, trời không mưa, dân vẫn trồng được lúa, mỗi năm cấy 2 vụ, đủ gạo cho người ăn cả năm, đủ thóc nuôi vài chục con gà, con lợn. Vài năm trở lại đây, mương hỏng, không có nước, ruộng đành bỏ không cho cỏ dại mọc thôi. Phải chờ khi nào có mưa xuống, dân bản mới trồng được một vụ ngô".
    Giống như những người dân đang sinh sống ở bản Đông Ban, chị Hà Thị Nguyệt, SN 1985 hiện đang sống cùng đứa con trai 7 tuổi cũng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi không thể trồng trọt trên thửa ruộng khô cằn vì thiếu nước của gia đình mình. Chồng chị mất sớm nên gia cảnh đã khó nay lại càng khó khăn.
    Chị Nguyệt cho biết, từ nhiều năm nay, khi không còn hệ thống mương thủy lợi dẫn nước từ Na Tao về, đồng ruộng khô cháy không trồng trọt được, thu nhập của gia đình chỉ trông vào vụ ngô trong mùa mưa, còn mùa khô thì chơi dài. Nhắc đến những thửa ruộng bậc thang xanh rì, những vụ mùa bội thu trong quá khứ, người dân ở đây, không ai không xót xa, ngậm ngùi khi đứng trước những cánh đồng khô nứt nẻ đang chết dần chết mòn trong cơn khát triền miên.
    Cùng anh Lâu Văn Lanh (Chủ tịch hội Nông dân xã Pù Nhi), chúng tôi lần theo đường đi của hệ thống mương thủy lợi dẫn nước từ bản Na Tao về Đông Ban nhưng những gì còn lại của một trong những hệ thống thủy lợi lớn nhất huyện vùng cao này chỉ là những đoạn ống dẫn nước hoen rỉ, khô khốc và những đoạn mương cũ đã bị san lấp không còn dấu vết. Anh Lanh cho hay: "Nguyên nhân là do trong quá trình thi công con đường từ Na Tao đi bản Chai, việc san ủi, mở rộng mặt đường đã làm một lượng lớn đất đá rơi xuống suối, kênh mương thủy lợi, làm tắc hệ thống dẫn nước. Nhiều đoạn mương dẫn nước đi qua bản Na Tao đã bị san lấp hoàn toàn khiến nước không thể chảy xuống các bản phía dưới, hệ thống mương dẫn nước đến các chân ruộng không còn tác dụng, bị bỏ hoang hàng chục năm nay. Người dân chỉ còn biết ôm cày cuốc chờ mưa xuống, trồng cố một vụ ngô để lấy cái ăn".
     
    Mập mờ công trình thủy lợi“chết yểu”khiến đất nông nghiệpbỏ hoang
    Trưởng bản Lò Quốc Tính ngán ngẩm trước chất lượng tồi tệ của công trình tiền tỷ ở đập suối Lét.
    Công trình "ma" giữa đại ngàn
    Trước tình trạng ruộng đất bỏ không, người dân đói kém, nhiều người đặt câu hỏi, hàng chục tỷ đồng đầu tư cho các công trình thủy lợi ở Mường Lát để giải quyết "cơn khát" đã chảy về đâu khi "cơn khát" vẫn đang hoành hành?
    Trao đổi với chúng tôi về công trình đập, mương suối Lét, ông Hà Văn Thiên (Phó Chủ tịch UBND xã Tam Chung, Mường Lát) cho biết: "Đây là công trình đập, mương ngăn suối Hin Păng, dự kiến dẫn nước tưới tiêu cho 15ha ruộng của bản ón nhưng lại được xây dựng trên địa phận của bản Poọng. Công trình khởi công năm 2010 và kết thúc năm 2012. Điều kỳ lạ là trước, trong và sau khi thi công công trình, phía chủ đầu tư (UBND huyện), thi công dự án không hề phổ biến với chính quyền địa phương. Đùng một cái, chúng tôi thấy người ta kéo về xây công trình ở địa phương mà cũng không biết đó là công trình gì, xây dựng với mục đích gì, xây xong không thấy bàn giao công trình, cũng không thấy đưa vào sử dụng".
    Theo đó, dự án đập, mương suối Lét là một trong những dự án nằm trong danh mục các dự án đầu tư năm 2009 thuộc 7 huyện nghèo của tỉnh Thanh Hóa theo nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo.
    Trong văn bản số 1592/QĐ-UBND ngày 28/5/2009 của tỉnh Thanh Hóa do Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt có nêu rõ huyện Mường Lát có 9 dự án, giao cho UBND các huyện làm chủ đầu tư, trong đó có dự án đập, mương suối Lét xã Tam Chung tưới cho 15ha đất ruộng. Vì đây là một công trình rất quy mô được bà con nông dân trông đợi cho nên chúng tôi đã quyết định tìm đến tận nơi để được mục sở thị hiệu quả của công trình.
    Vượt qua gần chục km đường rừng với những con dốc gồ ghề, cao ngút tầm mắt, cuối cùng chúng tôi cũng đến được đập suối Lét. Nếu không có sự dẫn đường nhiệt tình của anh Lò Quốc Tính (Trưởng bản Poọng), có lẽ chúng tôi sẽ mất rất nhiều thời gian để tìm được địa điểm này bởi nó được xây dựng giữa rừng sâu hun hút.
    Nhìn "công trình" nham nhở trước mắt, ít ai có thể hình dung ra nó là một đập nước thủy lợi và lại càng không thể tin rằng đây là một công trình đáng giá 1,7 tỷ đồng. Trong lúc chúng tôi đang tỏ rõ sự thất vọng của mình thì anh Tính dùng tay cạy ra những mảng xi trên công trình một cách khá dễ dàng, đồng thời kéo ra một vài bao xi măng đã đông cứng thành đá bị bỏ lại dưới một gốc cây gần đó ngán ngẩm bảo: "Đây, cán bộ xem!". Không cần bình luận nhiều, chúng tôi đều đã có câu trả lời cho riêng mình về chất lượng quá kém của công trình và sự lãng phí một cách phi lý của nó.
    Anh Tính cho biết thêm: "Trên thực tế, nếu xây ở vị trí này, đập suối Lét cũng chỉ tưới được cho từ 3 - 5 sào ruộng của một vài hộ gia đình nhỏ (trong khi trên dự án là 15ha). Trong khi đó, những cánh đồng rộng lớn ở Mương ùi, Mương Gián... dân phải làm đập tạm, mương đất để dẫn nước thì không thấy xây đập cho bà con. Nơi cần xây thì không xây, nơi không cần xây thì lại xây".
    Câu kết luận cuối cùng của Tính khiến chúng tôi không khỏi băn khoăn về nghịch lý của công trình đập suối Lét nói riêng và những công trình tiền tỷ đang bị bỏ không ở nơi này.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cong-trinh-thuy-loi-chet-yeu-dat-nong-nghiep-bo-hoang-a28427.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan