Công trình nhà hát Copenhaghen đã phá mọi kỷ lục về chi phí xây dựng trong lịch sử nhưng nhận được phản ứng đáng kinh ngạc từ dư luận.
Công trình nhà hát Copenhaghen trị giá hơn 500 triệu USD - phá mọi kỷ lục về chi phí xây dựng nhà hát trên thế giới - Ảnh: Flickr |
Ở Đan Mạch, kiến trúc sư Henning Larsen - người đã qua đời vào tháng 6/2013 ở tuổi 87 - là một cái tên phổ biến với mọi người dân.
Trong suốt sự nghiệp kéo dài 7 thập kỷ, ông đã nhận được hàng chục giải thưởng kiến trúc danh giá và giành được danh hiệu "bậc thầy ánh sáng". Trang web của chính phủ Đan Mạch thậm chí đã xếp ông vào danh sách 7 kiến trúc sư vĩ đại nhất đất nước. Các công trình công cộng do ông thiết kế tái định hình toàn bộ cảnh quan đô thị của xứ sở lúa mì, từ Riyadh đến Reykjavik.
Không nơi nào thể hiện quyền lực của Larsen trong quá trình thay đổi đường chân trời của thành phố rõ hơn ở Copenhagen - nơi Nhà hát Opera của ông đã trở thành biểu tượng. Từ căn cứ hải quân - công nghiệp rộng hơn 500 hecta đến trung tâm văn hóa cao 14 tầng, Nhà hát Opera Copenhaghen được trông chờ sẽ trở thành biểu tượng về nghệ thuật và văn hóa đương đại.
Tuy nhiên, kết quả thực sự bất ngờ. Ở một thánh địa kiến trúc tự do – nơi tòa cao ốc hiện đại thoải mái nằm kề bên doanh trại quân đội từ thế kỷ 17, tòa nhà đã gây ra một cuộc tranh cãi và làn sóng chỉ trích dữ dội nhất lịch sử kiến trúc Copenhagen.
Người dân địa phương so sánh công trình với mọi thứ hài hước như bọ rùa, tàu vũ trụ hoặc du thuyền 'Pontiac'. Trong khi nhóm dân túy cho rằng vị trí đối diện Cung điện Amalienborg - tương tự khối công trình trên trục phố có Nhà Trắng ở Washington - là quá ngạo mạn, giới chuyên môn lại cáo buộc thiết kế mái hổng là một sự “bắt chước” từ trung tâm hội nghị Jean Nouvel ở Lucerne.
Tờ báo Đan Mạch Politiken gọi đó là "thảm họa lớn nhất trong sự nghiệp thiết kế của kiến trúc sư đại tài".
Về phía Henning Larsen, ông đã viết trong một lá thư gửi người bạn thân: “Đó là thất bại lớn nhất của tôi. Nó trông giống lò nướng bánh hơn một nhà hát”.
Mối quan hệ của ông với kiến trúc sư Utzon có thể đã tạo cho ông ý tưởng về xây dựng nhà hát. Utzon chính là người đã thiết kế Nhà hát Opera Sydney - một dự án bị cản trở trong 17 năm do những thay đổi cấu trúc và biến cố chính trị. Sau khi hoàn thành vào năm 1973, công trình nhanh chóng trở thành một trong những tòa nhà nổi tiếng nhất thế giới. Thiết kế mái nhà uốn lượn của Utzon mang đến cho Sydney - và cả nước Úc - một bản sắc kiến trúc và ý nghĩa văn hóa tương tự như tháp đồng hồ Big Ben của Anh và Tháp Eiffel của Pháp. Tòa nhà của Utzon đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.
Thành phố công nghiệp Bilbao của Tây Ban Nha đã lưu ý tới sự thay đổi này. Hội đồng thành phố quyết định đầu tư hàng triệu đô la để xây dựng một bảo tàng nghệ thuật hiện đại được thiết kế bởi Frank Gehry. Bảo tàng Gehry là một thành tựu lớn của khu vực, đưa thành phố Bilbao vụt sáng trên bản đồ du lịch, tạo ra hàng trăm triệu USD doanh thu từ bất động sản và đầu tư.
Nhiều Hội đồng thành phố trên thế giới bắt đầu tự hỏi: liệu chúng ta có thể làm theo họ? Trong cuốn sách Atlantis, tác giả Witold Rybczynski gọi sự quan tâm đến xây dựng công trình nghệ thuật tượng trưng là "hiệu ứng Bilbao". Các kiến trúc sư hàng đầu như Rem Koolhaas, Daniel Libeskind và Santiago Calatrava được thuê thiết kế những công trình trị giá tỉ đô nhằm giúp các thành phố trở thành Bilbao tiếp theo.
Đáng buồn, “bậc thầy ánh sáng” Henning Larsen chưa bao giờ đạt được thành tựu ấy dù công ty của ông đã thiết kế một phòng hòa nhạc tuyệt đẹp ở Reykjavik khai trương từ năm 2011. Sau thành công vang dội của Utzon, Larsen chắc chắn đã mong muốn làm điều tương tự với Copenhagen vào năm 2000.
Đó là một dự án bất thường. Chi phí khổng lồ của tòa nhà ước tính hơn 500 triệu USD đã được tài trợ bởi tỷ phú Arnold Maersk McKinney Moller - người giàu nhất Đan Mạch. Món quà của Moller cũng đi kèm điều kiện: ông sẽ chỉ tài trợ cho Nhà hát Opera mới nếu nó nằm trên mảnh đất ở bờ phía đông của bến cảng, đối diện nơi sinh sống của gia đình hoàng gia Đan Mạch. Ngay từ giai đoạn đầu, những yêu cầu này đã khiến dự án gây tranh cãi nhưng chính phủ Đan Mạch không muốn từ chối một món quà quá hào phóng.
Kiến trúc sư Henning Larsen - Ảnh: Architects |
Khi quá trình thiết kế bắt đầu, Henning Larsen được chỉ định phụ trách và rõ ràng đã gánh nhiều kỳ vọng từ Moller. Larsen, sau đó vào cuối những năm 70, đã cáo buộc Moller chính là người luôn can thiệp vào bản thiết kế. Hàng cột thép ưa thích của nhà tỷ phú trở thành chủ đề cười cợt và châm biếm trong nhiều tuần sau khi nhà hát hoàn thành.
Ngay trước khi tòa nhà được mở cửa vào năm 2004, lời Larsen nhận xét ông đã có "sự thỏa hiệp đáng xấu hổ" gây bão trên truyền thông quốc tế. Trong cuốn hồi ký xuất bản năm 2009, Larsen cũng nhắc đến cuộc xung đột kiến trúc như trong tiểu thuyết The Fountainhead (Suối nguồn) nổi tiếng.
Theo tiêu chuẩn thẩm mỹ của bờ sông Copenhagen, nhà hát đến nay vẫn là một sự thất vọng. Tuy nhiên, một số khán giả cho biết chất lượng công trình thực sự tuyệt vời và những bản nhạc đã có điều kiện tốt nhất để chạm tới thính giác người nghe. Một lần nữa, “bậc thầy ánh sáng” đã có thể phần nào yên lòng về công trình nổi tiếng gây tranh cãi nhất trong sự nghiệp của ông.
Thu Phương(Theo CityLab)