Liên quan đến phản ánh của người dân, công trình dự án xử lý khẩn cấp đê tả sông Chu (Thiệu Hóa, Thanh Hóa) đã dùng đất “đê cũ” để đắp đê.
Biên bản kiểm tra hiện trường vụ việc khi Báo chí phản ánh
Sáng ngày 04/5/2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa đã tổ chức liên đoàn kiểm tra hiện trường công trình được nêu trên.
Theo đó, kết luận được nêu rõ tại biên bản kiểm tra: Đoạn từ K32+500-K33 (L500m): Theo thiết kế mặt cắt đê được đắp về phía sông, hiện nay nhà thầu mới tổ chức bóc phong hóa tạo mặt bằng thi công chân đê bằng đất thân đê để đắp, chưa tiến hành lu lèn.
Đoạn từ K32+020-K32+500 đã thi công xong phần tường chắn đất phía sông, đất đào móng tường đang tập kết trên mái đê phía sông; đoạn này chưa bóc phong hóa và chưa đắp đê nên trực quan nhìn nham nhở. Đoạn từ K31+075--K31+950, đã bóc phong hóa xong và đang thi công đắp đê.
Kết luận cũng nêu rõ: Đất đắp chủ yếu tận dụng đất đào thân đê và móng tường chắn, phần đất còn thiếu được lấy từ mỏ.
Đoàn kiểm tra tiến hành đo đạc lại mốc giới.
Qua đó, đoàn kiểm tra cũng đã có kiến nghị: Trong quá trình thi công nếu phát hiện đất trong nền đê cũ có bị lẫn đá lớn hoặc đất không đảm bảo (Đất lẫn nhiều cỏ rác), đề nghị giám sát A và đơn vị thi công loại bỏ phần đất này để không làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình.
Như trước đó Báo Đời sống và Pháp luật đã đăng tải thông tin phản ánh của người dân về việc công trình dự án xử lý khẩn cấp đê tả sông Chu đoạn K25 đến K34+100 thuộc địa bàn huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa do Ban quản lý dự án Đầu tư Xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa làm chủ đầu tư đã dùng đất ở “đê cũ” làm vật liệu san lấp, đắp đê.
Theo hồ sơ của dự án và hồ sơ thiết kế được phê duyệt từ Ban quản lý dự án Đầu tư Xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa (Ban quản lý dự án) để giảm giá thành nâng cao hiệu quả của dự án đầu tư cho sử dụng lại đất của nền đê cũ vào việc xử lý gia cố tuyến đê thuộc phạm vi của dự án.
Lê Hoài An