(ĐSPL) - Nếu bình tĩnh suy xét và nhìn nhận cẩn trọng hơn, có thể thấy rằng chuyến "Đông du" sắp tưới của Công Phượng tới Mito Hollyhock đáng lo hơn là mừng.
Thời gian qua, người hâm mộ Việt Nam vui mừng khi Công Phượng sắp sang Nhật Bản thi đấu cho Mito Hollyhock ở giải J.League 2. Thế nhưng, sau những giây phút hân hoan ban đầu, có lẽ NHM nên bình tĩnh suy xét liệu Công Phượng đã đủ khả năng để “tung cánh” ở xứ người hay chưa.
Hãy xem Phượng đã làm được gì trong mùa giải đầu tiên ở V.League: 6 bàn thắng, trong đó có 3 bàn từ chấm 11m. Số bàn thắng này chỉ giúp Phượng góp mặt trong Top 30 cầu thủ ghi bàn nhiều nhất V.League 2015. So với các chân sút hàng đầu khác như Tambwe Patiyo (18 bàn), Lê Văn Thắng (16 bàn), Hoàng Vũ Samson (15 bàn), thành tích của tiền đạo HAGL chẳng đáng kể gì.
Công Phượng vẫn chưa thích nghi được với môi trường V.League.
Về mặt lối chơi, Công Phượng cũng không có nhiều ảnh hưởng tích cực tới đội bóng phố núi. Những pha đi bóng rườm rà, xử lý cá nhân của anh rất dễ bị bắt bài và làm chậm nhịp độ tấn công chung của toàn đội.
Thậm chí, sự vắng mặt của tiền đạo xứ Nghệ còn khiến HAGL triển khai tấn công mạch lạc, hiệu quả hơn như trận “chung kết ngược” với Đồng Nai cuối mùa giải. Những trận hiếm hoi anh tỏa sáng như trận gặp SLNA (1 bàn thắng và 1 kiến tạo), đáng buồn thay lại là những trận đấu bị dư luận nghi ngờ “có mùi”.
Không thể phủ nhận Phượng là cầu thủ có tố chất kỹ thuật, và có khả năng tạo đột biến. Tuy nhiên, Phượng chỉ có thể vũng vẫy, tỏa sáng ở lứa tuổi U và các giải trẻ, chứ chưa đủ kinh nghiệm và trình độ để thi đấu ở một giải chuyên nghiệp.
[mecloud]WwY53IeBAD[/mecloud]
Sau khi trận đấu cuối cùng ở V.League 2015 kết thúc, tiền đạo này đã phải thốt lên “Em biết sợ V.League rồi”. Nếu không thể thích ứng với V.League, làm sao anh có thể thử sức mình ở một giải đấu tầm cỡ hơn?
Bóng đá Việt Nam từng có những cầu thủ ra nước ngoài thi đấu như Huỳnh Đức (sang Trung Quốc), Trung Tuấn (sang Thái Lan) hay Công Vinh (sang Bồ Đào Nha, Nhật Bản). Có một đặc điểm dễ nhận thấy ở các trường hợp này, đó là việc họ đều đã chinh chiến nhiều năm ở V.League và đã đạt được độ chín trong sự nghiệp. Vì thế, khi thử sức ở một giải đấu khác họ sẽ ít gặp khó khăn hơn.
Vậy mà các cầu thủ này đều thi đấu không mấy thành công. Công Vinh là cầu thủ xuất ngoại “ổn” nhất, qua 5 tháng thi đấu ở Consadole Sapporo chỉ ghi được 2 bàn thắng sau 9 lần ra sân ( trong đó có 5 lần đá chính), một thành tích khá khiêm tốn.
[mecloud]dqwiofkzhQ[/mecloud]
Nếu Công Phượng xuất ngoại thành công, có lẽ anh chỉ nên coi đây là một cơ hội học việc chứ khó hy vọng cạnh tranh cho một vị trí chính thức. Đấy là chưa kể đến những khó khăn về ngôn ngữ, ăn ở và đặc biệt là khả năng hòa nhập ở đội bóng mới.
Trong trường hợp xấu nhất, chiếc ghế dự bị có thể sẽ thui chột tài năng vẫn chưa “chín” của tiền đạo xứ Nghệ. Vì thế, chuyến “Đông du” sắp tới của Công Phượng sẽ đáng lo hơn mừng.
Hoài Đan
Video đang được xem nhiều: [mecloud]t3yUB42iLq[/mecloud]