Nhóm công nhân cuối cùng còn làm việc ở xưởng gỗ công ty Quốc Anh ngậm ngùi tiếc nuối trong ngày nhận kỳ lương cuối cùng. Sau vụ thảm sát kinh hoàng tại nhà ông Lê Văn Mỹ (chủ xưởng gỗ), xưởng gỗ tạm ngừng hoạt động.
Sau vụ thảm sát 6 người tại biệt thự của ông Lê Văn Mỹ (xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, Bình Phước), xưởng gỗ của công ty Quốc Anh cũng ngừng hoạt động, chỉ còn một số công nhân hoàn thành công việc đang dở dang, giải quyết số hàng tồn.
Anh Nguyễn Gia Huệ (35 tuổi, công nhân trong xưởng gỗ Quốc Anh) cho biết: "Các công nhân đã nghỉ việc hết rồi sau vụ việc kinh hoàng xảy ra, chỉ còn lại một số người hoàn thành nốt hàng tồn, chờ nhận lương rồi cũng nghỉ. Sau khi hoàn tất việc mai táng cho gia đình ông Mỹ, số gỗ còn lại chưa sử dụng cũng đã chuyển sang xưởng của người em bà Nga (vợ ông Mỹ) ở kế bên".
Xưởng gỗ của công ty Quốc Anh vắng bóng người sau khi xảy ra vụ thảm sát. |
Bên cạnh đó, chiều ngày 16/7, anh Huệ cũng là một trong những công nhân cuối cùng đến xưởng gỗ Công ty Quốc Anh nhận lương. Theo anh Huệ, trong ngày 14 và 15/7, các công nhân đã được người thân ông Mỹ trả lương, vì hôm đó anh có công việc riêng nên chưa đến nhận được.
"Tôi nghe mấy anh em cùng làm trong xưởng gỗ nói, số tiền 1,7 tỷ còn lại trong gia đình ông chủ công an tìm thấy vào ngày xảy ra vụ việc được trích ra để trả cho công nhân. Ngày nhận lương cuối cùng đồng nghĩa với việc sẽ không còn làm việc cho xưởng gỗ này nữa, anh em công nhân đều rất buồn. Ai nấy đều bịn rịn, tiếc nuối khi tới trước bàn thờ thắp cho gia đình ông bà chủ nén hương", anh Huệ tâm sự.
Các công nhân đến nhận lương trong ngày 14 và 15/7 tại xưởng gỗ gia đình ông Mỹ. |
Một nữ công nhân làm trong xưởng gỗ rất buồn vì sau đây không biết sẽ làm việc ở đâu. |
Vẻ mặt buồn bã, đứng ngoài con hẻm dẫn vào xưởng gỗ, bà Phan Thị Tính (56 tuổi, huyện Chơn Thành, Bình Phước) lưu luyến nhìn lại: "Tôi đã khóc khi đến ngày nhận lương, thật buồn vì phải chứng kiến cảnh này. Làm việc ở đây được 2 năm, tôi thấu hiểu được những tình cảm của ông bà chủ dành cho các công nhân, trong công việc nhiều lúc có la rầy nhưng họ sống rất tình cảm. Tôi nghỉ việc từ hôm xảy ra vụ thảm sát tới nay, định đi xin việc khác nhưng vẫn chưa có chỗ nào phù hợp, do tuổi đã cao".
Trong khi đó trao đổi với chúng tôi, anh Thạch Than (một trong những công nhân nghỉ việc trước ngày xảy ra vụ việc) cho hay: "Sau khi nghỉ việc ở xưởng gỗ Quốc Anh, tôi chuyển sang xưởng gỗ Thanh An để làm việc tiếp. Hiện tại, các công nhân nghỉ việc ở xưởng gỗ Quốc Anh sau khi vụ thảm sát xảy ra đã xin chuyển qua xưởng Thanh An, nhưng tôi không biết có được nhận làm hay không. Tội cho mấy anh em công nhân, bây giờ không biết phải đi đâu về đâu khi xưởng gỗ đó ngừng hoạt động".
Ông Dương Đên đang lo lắng vì tuổi đã cao, sẽ gặp khó khăn khi xin vào làm việc tại KCN Hàn Quốc. |
Còn ông Dương Đên (57 tuổi) đến nhận lương vào hôm qua. Mắt ông rưng rưng muốn khóc khi nghe các công nhân khác nói xưởng gỗ Quốc Anh sẽ ngừng hoạt động mà không biết đến khi nào mới khôi phục.
"Tôi quê ở Trà Vinh, lên đây làm tại xưởng gỗ được 4 năm, gia đình trông chờ vào đồng lương của tôi làm công ở xưởng này, khi nghe tin xưởng không hoạt động nữa tôi buồn lắm. Bây giờ tôi tính xin vào làm công nhân tại khu công nghiệp Hàn Quốc ở huyện này luôn, nhưng không biết họ có nhận không. Ráng xin được việc gì làm chứ số tiền lương vừa nhận được cũng gửi về quê rồi.", ông Đên ngậm ngùi.
Được biết, hiện tại Sở LĐ - TB-XH tỉnh Bình Phước cũng đang bàn phương án hỗ trợ số công nhân từng làm ở xưởng gỗ Quốc Anh, giúp họ tìm công việc mới. Ngoài ra, còn phối hợp với các cơ quan, ban ngành liên quan trong tỉnh để giải quyết bảo hiểm cho những công nhân này.
Theo Trí thức trẻ
[mecloud]wqjEIdgnTl[/mecloud]