"Mua khán giả ảo" có thể là cụm từ xa lạ với công chúng, nhưng thực tế, nó là chuyện bây giờ mới kể.
Theo thời gian, fan cuồng đang vơi dần, không còn cảnh người hâm mộ tìm mọi cách để gặp nghệ sĩ nổi tiếng. Các fanclub của các ca sĩ đình đám cũng vơi dần số thành viên, hoạt động không còn rầm rộ. Thế nhưng, tại các gameshow, thí sinh chỉ mới cất tiếng hát đã có hàng trăm người cổ vũ nồng nhiệt. Thậm chí, họ khóc, cười theo diễn biến của chương trình. Vậy, thực hư ra sao?
Khóc - cười theo kịch bản
Nghi án về việc ca sĩ thuê người cổ vũ lâu nay vẫn thường xảy ra. Và, hiển nhiên, các ca sĩ luôn khẳng định với truyền thông, mình vô tội, không hề thuê người cổ vũ. Sự thật của việc này vẫn còn là bí mật, chỉ có những người trong cuộc mới biết chính xác. Tuy nhiên, chuyện thuê fan, thuê người cổ vũ, vỗ tay được nhiều người trong giới showbiz khẳng định là có thật và trào lưu này còn len lỏi vào các gameshow trên truyền hình.
Vài năm trở lại, các chương trình gameshow ngày càng xuất hiện nhiều. Người xem truyền hình dễ dàng nhận thấy, bất kỳ chương trình nào khán giả cũng đông nghịt, vỗ tay sôi nổi, thậm chí, có lúc khóc, cười theo dòng cảm xúc của người diễn tạo hiệu ứng vô cùng lớn. Thế nhưng, những người đi xem các chương trình này khi quay trực tiếp đều khẳng định, hình ảnh lúc phát sóng nhiều khi không đúng so với thực tế.
Chuyện "mua" khán giả không phải bây giờ mới có, đây là tình trạng đã tồn tại nhiều năm qua. |
Sau một thời gian dài tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, trong các buổi gameshow ghi hình, khán giả có 3 nhóm. Thứ nhất là khách mời của chương trình, của ca sĩ tham gia. Thứ hai, khán giả là người thân, người quen của thí sinh. Và, cuối cùng là khán giả được thuê. Nhóm khán giả là khách mời của chương trình, ca sĩ tham gia thường khá ít và không quá cuồng nhiệt. Nhóm khán giả là người thân, người quen của thí sinh thì luôn tập trung vào các phần biểu diễn. Và hiển nhiên, hiệu ứng của chương trình chủ yếu dựa vào nhóm khán giả được thuê.
Có hai kiểu khán giả được thuê. Thứ nhất, chương trình thuê để cổ vũ cho tất cả những người tham gia. Thứ hai, khán giả được một ca sĩ nào đó thuê để cổ vũ cho chính mình. Khán giả thuê luôn được một hoạt náo viên “chỉ đạo” theo những “ám hiệu” đã quy định sẵn từ trước. Khi vào guồng, người này chỉ cần ra “ám hiệu”, khán giả được thuê sẽ làm theo. Chính điều này mới gây ra hiện tượng, trong các gameshow như The Voice, Vietnam Idol, Xfactor... các thí sinh mới xuất hiện, dù chưa ai biết đến vẫn được cổ vũ nồng nhiệt, tất cả mọi người đứng dậy hào hứng...
Đối với các chương trình quay rồi phát lại, trước khi bắt đầu, một lượng khán giả đặc biệt của chương trình sẽ được ưu tiên ngồi ở hàng ghế đầu. Sau đó, người quản lý sẽ ra “ám hiệu” để số khán giả này “diễn” theo yêu cầu. Khán giả sẽ vỗ tay lúc mạnh, lúc nhẹ, có lúc cười “ồ” hoặc “à” thể hiện sự bất ngờ. Khán giả còn được yêu cầu thể hiện ngồi nghe say sưa, hát theo hoặc vẻ mặt buồn với nhiều trạng thái khác nhau... Những thước phim này sau đó sẽ được lắp ghép phù hợp với từng trường đoạn khi gameshow diễn ra. Khi chương trình diễn ra, hoạt náo viên sẽ dựa vào thực tế của chương trình để ra “ám hiệu” cho khán giả. Lúc phát sóng, hình ảnh sẽ được lắp ghép phù hợp qua bàn tay “ma thuật” của ê-kíp chương trình.
Làm quá hóa lố
Hiện nay, ở TP.HCM, có khoảng bốn đơn vị thực hiện cho thuê nhóm cổ vũ, cổ động chuyên nghiệp, trong đó, nổi bật nhất là FansViet. Đơn vị này liên kết với rất nhiều chương trình gameshow ăn khách như The Voice, Bước nhảy hoàn vũ, Vietnam’s Got Talent... và cả công ty Tiếng hát Việt của Đàm Vĩnh Hưng.
Anh Lê Quốc Cường (Giám đốc công ty) cho biết, đối với những gameshow thu phát sóng, để tạo hiệu ứng tốt hơn cho chương trình thì một lượng khán giả nhỏ được trả tiền. Nhóm khán giả này có nhiệm vụ làm theo những “ám hiệu” của hoạt náo viên chính. Nếu chương trình quay ở thời gian ngắn thì tính theo giờ, mỗi giờ tiền thù lao sẽ dao động từ 20.000- 30.000 đồng/người. Các chương trình quay theo ngày có giá 150.000 đồng/người. Ở một số chương trình, khán giả thuê sẽ được cấp nước uống và bánh.
Thời gian gần đây, việc thuê khán giả khóc cười trong các chương trình gameshow bị cho là quá lố khiến nhiều người ngán ngẩm. |
Ca sĩ Đức Minh chia sẻ, các chương trình gameshow diễn ra cần có khán giả lấp đầy chỗ trống, tạo sự náo nhiệt. Trước đây, việc các chương trình gameshow thuê người cổ vũ vừa phải, chừng mực. Nhưng, hiện nay, các gameshow quá nhiều, người đi xem dù miễn phí cũng giảm dần nên ban tổ chức phải thuê nhiều. Bên cạnh đó, các ê-kíp thực hiện chương trình lạm dụng quá mức, dàn dựng nhiều tạo nên hiệu ứng ngược.
Có cùng ý kiến, ca sĩ Minh Tuyết cho hay, chị từng chứng kiến nhiều chương trình, khán giả được thuê vỗ tay một cách vô ý thức dễ làm cho người xem phát hiện và mất niềm tin vào chương trình.
Anh Nguyễn Hữu Truyền (một người chuyên nghiên cứu về truyền thông) cho rằng, bản chất của việc thuê người cổ vũ ở các gameshow là không xấu. Không chỉ ở Việt Nam, mà hầu hết ở các nước trên thế giới từ Âu đến Á đều dùng đến khán giả thuê trong các gameshow. Bản chất của nó là một chiêu trò, mẹo nhỏ để làm tăng hiệu ứng, độ nóng của chương trình khi lên sóng. Tuy nhiên, do lạm dụng quá nhiều thành ra giả tạo. Thậm chí, nó bị biến tướng khi nhiều người chưa kịp nổi tiếng đã thuê khán giả đến cổ vũ cho mình một cách nồng nhiệt.
Huy Cường
Đăng lại từ báo giấy Đời sống & Pháp luật