Sữa dạng lỏng đóng hộp là thực phẩm tiện lợi, cung cấp dinh dưỡng cần thiết cho mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, nhà sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng đều phải tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm thì sữa mới thực sự là sản phẩm dinh dưỡng tốt cho sức khỏe.
PGS. TS Trần Quang Trung - Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã giải thích sự liên quan giữa bao bì và chất lượng sữa dạng lỏng, cũng như bí quyết sử dụng sản phẩm này an toàn.
- Trên mạng xã hội hiện có không ít khách hàng phản ánh họ gặp phải hộp sữa bị hỏng hoặc có dị vật bên trong. Phải chăng quy trình và công nghệ sản xuất sữa của các doanh nghiệp có vấn đề?
- Trước hết phải khẳng định quy trình chế biến và đóng gói sữa dạng lỏng ở Việt Nam hay thế giới là giống nhau. Xét về công nghệ, thậm chí Việt Nam còn có phần hiện đại hơn một số quốc gia tiên tiến khác. Nguyên nhân là thị trường sữa của chúng ta đang bùng nổ và các nhà sản xuất liên tục đầu tư thiết bị, nâng cấp, sử dụng công nghệ tiên tiến để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
- Ông có thể giải thích cụ thể hơn về quy trình sản xuất này?
- Về cơ bản, để có sữa an toàn, giữ giá trị dinh dưỡng và thời hạn sử dụng dài, các doanh nghiệp phải loại bỏ vi sinh vật có hại cho sức khỏe con người và làm hỏng sản phẩm ra khỏi sữa nguyên liệu. Quá trình này được gọi là tiệt trùng.
Theo đó, sau khi được đưa đến nhà máy bằng xe bồn lạnh 4 độ C, sữa nguyên liệu sẽ được kiểm tra chất lượng trước khi đưa vào sản xuất. Sữa được thanh trùng ở nhiệt độ 75 độ C trong 15 giây rồi được làm lạnh rất nhanh xuống 4 độ C.
Ở giai đoạn này, các vi sinh vật có hại cho sức khỏe con người đã được loại bỏ hết. Tuy nhiên trong sữa vẫn còn một ít vi sinh vật không gây hại cho sức khỏe nhưng sẽ làm sữa hỏng nếu không được giữ lạnh liên tục.
Để loại bỏ toàn bộ những tác nhân này, nhà sản xuất phải tiệt trùng sữa ở nhiệt độ 140 độ C trong khoảng 4 giây và làm lạnh nhanh xuống 25 độ C. Đến đây, sữa có thể đưa vào thiết bị chiết rót để đóng trong những hộp giấy tiệt trùng.
Tất cả quá trình này diễn ra hầu như tự động, khép kín nên sữa sẽ không còn vi sinh vật gây hại, có thời gian sử dụng dài mà không cần chất bảo quản. Sản phẩm cũng có thể vận chuyển tới những nơi xa mà không cần giữ lạnh.
- Vậy những hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội về các hộp sữa có vấn đề là do nguyên nhân nào?
- Sản phẩm sữa chỉ được xuất bán ra khỏi nhà máy khi đạt tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên trước khi đến tay người tiêu dùng, sản phẩm còn trải qua quá trình vận chuyển, bốc xếp, phân phối tại đại lý, bảo quản tại kho bãi, cửa hàng.
Sự va quệt trong quá trình vận chuyển có thể làm một số hộp sữa bị móp méo, gây hở mối hàn và làm rò rỉ sữa ra ngoài. Lúc này dù khe hở rất nhỏ, không khí và vi sinh vật vẫn có thể xâm nhập khiến sữa bị hỏng hoặc gây ra dị vật.
Ngoài ra, điều kiện bảo quản ở đại lý, cửa hàng không đúng quy định cũng có thể làm cho các thùng sữa, hộp sữa bị hỏng.
- Theo ông cần làm thế nào để giảm thiểu rủi ro này?
- Sẽ luôn có một số lượng nhỏ hộp sữa ngoài thị trường gặp vấn đề vì các nguyên nhân nói trên trong quá trình phân phối. Để giảm thiểu rủi ro này, doanh nghiệp sản xuất cần thường xuyên hướng dẫn các nhà cung cấp, đại lý về quy định vận chuyển, bốc dỡ, bảo quản sản.
Nhà phân phối, đại lý và cửa hàng cần phải tuân thủ đúng điều kiện bảo quản, vận chuyển, bốc dỡ sản phẩm mà nhà sản xuất đã khuyến cáo như: không quăng quật thùng sữa; không xếp cao quá 5 thùng sữa trong khi vận chuyển hay lưu kho.
Thùng sữa chỉ được đặt trên kệ tiêu chuẩn, ở nơi khô ráo, sạch sẽ, không bị nắng hay mưa tác động và không có côn trùng, chuột bọ xâm nhập.
- Ông có thể đưa ra một số lời khuyên giúp người tiêu dùng chọn sản phẩm sữa an toàn?
- Người dùng nên chọn sản phẩm từ các nhãn hàng có uy tín, còn hạn sử dụng, có đầy đủ thông tin cần thiết trên bao bì và sản phẩm không có mùi bất thường. Bạn cũng cần tạo thói quen kiểm tra nhãn hiệu hộp giấy uy tín đã được tin dùng tại Việt Nam như Tetra Pak chẳng hạn. Chất lượng của hộp giấy là một yếu tố đảm bảo an toàn cho sản phẩm sữa bên trong.
Bên cạnh đó, bạn không nên sử dụng vật sắc nhọn để rọc, cắt màng nhựa bọc vỉ sữa, tránh làm tổn hại đến vỏ hộp. Sữa chưa được sử dụng hết phải bảo quản trong tủ lạnh.
Phó Giáo Sư Tiến Sỹ Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, chuyên gia công nghệ thực phẩm:
“Ngành sản xuất sữa có nhiều tiến bộ vượt bậc với sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất sữa lớn với uy tín và quy trình sản xuất chặt chẽ, đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm cao nhất. Hai dòng sản phẩm được nhiều người quan tâm là sữa nước và sữa bột. Sữa nước thường gặp ở dạng sữa thanh trùng và sữa tiệt trùng đóng hộp giấy.
Việc người tiêu dùng phát hiện dị vật trong sữa. Điều quan trọng cần phải làm rõ là dị vật loại gì, từ đó có thể biết được lỗi do khâu nào. Có loại dị vật sinh ra từ hiện tượng kết tủa trong sữa. đối với dị vật đến từ bên ngoài, như con ruồi, đầu que, thủy tinh không thể xuất hiện trong quy trình sản xuất sữa khép kín hiện đại của các Công Ty lớn mà dễ bắt gặp ở các quy trình thô sơ hơn hoặc làm thủ công.
Hiện tượng sữa hỏng do nhiều nguyên nhân, đối với sữa tiệt trùng do các đơn vị sản xuất bằng quy trình khép kín thì không thể còn vi sinh vật tồn tại và sản phẩm được bảo vệ bằng bao bì đóng gói đạt chuẩn.Trong đa số trường hợp quá trình vận chuyển làm hư hỏng bao bì làm cho sữa chứa bên trong bị biến chất lượng.
Theo tôi người tiêu dùng khi mua sữa đóng hộp cần mua từ nhà sản xuất có uy tín, kiểm tra bao bì, hạn sử dụng cẩn thận, bảo quản ngăn mát tủ lạnh và chỉ nên mua số lượng đủ dùng trong một thời gian nào đó”.
Thu Hà