Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp hiện nay, các vaccine, đặc biệt là vaccine mRNA, có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ con người trước sự xâm nhập của virus. Tuy nhiên, mRNA là những thứ hay thay đổi, hoặc như các nhà hóa học mô tả chúng "không ổn định", mRNA có thể bị phá vỡ nhanh chóng nếu không được bảo vệ đầy đủ khỏi những enzym có khả năng ăn mòn chúng.
Theo đó việc bảo quản vaccine có vai trò vô cùng quan trọng. Khi các quốc gia "chạy đua" để đẩy nhay tốc độ tiêm chủng, thách thức lớn nhất đối với các nhà lãnh đạo và cơ quan y tế công cộng phải đối mặt là: Làm thế nào để vận chuyển những lọ vaccine này đi hàng nghìn dặm trong khi giữ chúng ở nhiệt độ lạnh hơn một mùa đông Bắc Cực?
Trong số ba loại vaccine được phê duyệt ở phần lớn các quốc gia trên thế giới, vaccine Pfizer là vaccine có yêu cầu nhiệt độ "khắc nghiệt" nhất, cần được quản trong khoảng -70 độ C, lạnh hơn cả nhiệt độ thấp kỷ lục ở Nam Cực. Tuy nhiên, Pfizer cho biết vaccine của họ vẫn có thể được bảo quản ở nhiệt độ tủ đông thông thường tại nhà (từ -25 đến -15 độ C hoặc -13 đến 5 độ F) trong tối đa 2 tuần.
Điểm mấu chốt để vận chuyển vaccine đi khắp các quốc gia trên thế giới là phải giữ lạnh chúng. Từ đó, chúng sẽ được phân phối đến các phòng khám khu vực ở từng khu vực, một số trong số đó có thể bị ngắt kết nối với lưới điện quốc gia hoặc thiếu các cơ sở làm lạnh cơ bản. Vaccine sẽ được vận chuyển trên những chiếc xe tải có điều hòa không khí không đáng tin cậy, đi trong môi trường nóng và ẩm ướt.
Câu trả lời cho vấn đề này nằm trong một dàn công nghệ được gọi là "dây chuyền lạnh". Kỹ sư hệ thống bang North Carolina (Mỹ) và nhà nghiên cứu phân phối vaccine, Tiến sĩ Julie Swann giải thích rằng "dây chuyền lạnh" là một thuật ngữ chung cho cơ sở hạ tầng được sử dụng để vận chuyển các sản phẩm nhạy cảm với nhiệt độ, như nhiều loại vaccine, từ nơi sản xuất đến với người dùng. Quy trình này bao gồm tủ lạnh, công nghệ giám sát nhiệt độ, thùng đá và thậm chí cả đá khô.
Đây vốn không phải một ý tưởng mới. Việc vận chuyển vaccine dựa vào "dây chuyền lạnh" đã được phát triển từ những năm 1960 và 1970. Tuy nhiên, công nghệ này lại đặt ra bài toán khó với những quốc gia nghèo. Nguyên nhân đầu tiên là bởi "dây chuyền lạnh" vốn không hề rẻ. Một hộp làm mát dưới 80 độ C, tiêu chuẩn vàng cho việc bảo quản dây chuyền cực lạnh có giá từ 10.000 USD đến 20.000 USD/chiếc. Thế nên không có gì ngạc nhiên khi công nghệ bảo quản các sản phẩm y tế siêu lạnh chỉ được cung cấp rất ít ở các nước thu nhập thấp.
Prashant Yadav, thành viên cấp cao tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu, cho biết: "Cơ sở hạ tầng duy nhất phần lớn chỉ có ở các trung tâm y tế hàn lâm trong các thành phố thủ đô (của các quốc gia thu nhập thấp). Nhiều nước đang phát triển chỉ có duy nhất một tủ lạnh nhiệt độ thấp để bảo quan".
Thoạt nhìn, điều này có thể vẽ nên một bức tranh tồi tệ về việc phân phối vaccine ngừa COVID-19. Nhưng các chuyên gia vẫn bày tỏ sự lạc quan, chỉ ra đợt bùng phát Ebola năm 2014 ở châu Phi, việc phân phối vaccine cực lạnh tương đối thành công, cho thấy "hoạt động vượt qua mọi khó khăn".
Tiến sĩ Julie Swann giải thích: "Vaccine Ebola đòi hỏi hệ thống nhiệt độ cực thấp. Và các hệ thống đã được sử dụng để phân phối vaccine đến tận tay bệnh nhân. Hệ thống này bao gồm sự kết hợp của một số kho lưu trữ tập trung trong một trung tâm phân phối và một loại máy điều nhiệt đặc biệt, được gọi là ArKTek."
Các công ty và nhà đầu tư đang "đổ tiền" vào việc đổi mới và nâng cao cơ sở hạ tầng "dây chuyền lạnh" để có thể phân phối vaccine ngừa COVID-19 trên khắp thế giới. Ví dụ như UPS, công ty đã xây dựng các "trang trại tủ đông" - các ngân hàng của các tủ đông dây chuyền cực lạnh - ở Louisville (Mỹ). Hay như Hà Lan, họ có kế hoạch lưu trữ hàng triệu liều vaccine ở nhiệt độ âm độ. Qua đó, công ty có kế hoạch xuất xưởng và phân phối vaccine toàn thế giới.
Ngay cả những công ty chưa từng kinh doanh vaccine trước đây cũng đang đầu tư và cải tiến công nghệ để tham gia "cuộc chơi". Ember, một công ty chuyên sản xuất các cốc giữ nhiệt, đang nghiên cứu để điều chỉnh công nghệ theo dõi nhiệt độ của mình thành một hộp vận chuyển tự động cho vaccine ngừa COVID0-19.
Các công ty đầu tư vào nguồn cung cũng đang nới lỏng các yêu cầu ban đầu về mức độ thực sự cần thiết của vaccine lạnh cũng như thời gian thực sự có thể bảo quản trong bao lâu. Bà Swann giải thích: "Về phía nguồn cung, các nhà sản xuất thuốc tiếp tục thử nghiệm để xem họ có thể làm giảm các yêu cầu về nhiệt độ đến mức nào. Sẽ có nhiều lợi ích thu được từ việc này".
Các chuyên gia cho rằng việc giảm bớt yêu cầu bảo quản của Pfizer lên nhiệt độ tủ đông điển hình có thể tạo ra sự khác biệt trong hiệu quả phân phối vaccine. Và Cục Quản lý Thực phẩm & Dược phẩm Mỹ (FDA) đã sẵn sàng chấp thuận dự thảo của Pfizer và BioNTech trong việc bảo quản vaccine ngừa COVID-19 ở nhiệt độ cao hơn nhiệt độ cực lạnh.
Tuy nhiên, con đường tiến tới việc phân phối tốt hơn trên toàn thế giới không chỉ dựa vào đổi mới vaccine. Theo ông Yadav "cách giải quyết đơn giản" là cần có cách đóng gói thông minh để đảm bảo vaccine có thể được vận chuyển tới khắp nơi.
Minh Hạnh (Theo NPR)