+Aa-
    Zalo

    Công dụng chữa bệnh của vị thuốc tang diệp trong đông y

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tuy khá phổ biến trong đời sống tuy nhiên ít ai biết được tang diệp còn là vị thuốc quý trong Y học cổ truyền, với công dụng giải biểu tán nhiệt

    Tuy khá phổ biến trong đời sống tuy nhiên ít ai biết được tang diệp còn là vị thuốc quý trong Y học cổ truyền, với công dụng giải biểu tán nhiệt, giải độc, hóa đờm, làm sáng mắt.

    Mô tả dược liệu

    Tên gọi khác: nham tang, lá dâu tằm.

    Tên dược: Cartex Mori.

    Tên khoa học: Morus alba L.

    Đặc điểm thực vật: Dâu tằm là một loại cây gỗ có chiều cao rơi vào khoảng 2 – 3m. Tang diệp chính là lá của loại cây này, có hình bầu dục, có lá kèm, nguyên hoặc chia 3 thùy. Phần đầu lá nhọn hay hơi tù, mép có răng cưa, các lá mọc so le với nhau. Từ cuống lá sẽ tỏa ra 3 gân rất rõ rệt. Mặt trên của lá màu vàng lực hay nâu vàng nhạt, đôi khi có chứa các nốt nhỏ nhô lên. Còn mặt dưới lá có màu nhạt hơn, có lông tơ mịn rải rác ở trên gân lá. Lá dâu tằm thường nhăn nheo, chất giòn và dễ gãy vụn.

    Bộ phận dùng: Theo chia sẻ từ y sĩ y học cổ truyền Sài Gòn, lá của cây dâu tằm chính là bộ phận được dùng làm vị thuốc với tên gọi tang diệp.

    Phân bố: Cây dâu tằm thường mọc ở những vùng thổ nhưỡng ẩm và có nhiều ánh sáng. Trên thế giới, loại cây này được trồng nhiều nhất ở Trung Quốc. Riêng ở Việt Nam, cây có ở nhiều nơi, mục đích trồng phổ biến nhất là để nuôi tằm, có nơi dùng làm thuốc.

    Thu hái và sơ chế: Lá của cây dâu tằm thường được thu hái vào mùa thu, thời điểm trời có sương. Cần thu hái những lá bánh tẻ (không quá non hay quá già), còn nguyên màu xanh lục, không bị vàng úa, không vụn nát và không sâu.

    Sau khi hái về đem rửa sạch lá rồi để ráo nước và phơi trong bóng râm cho đến khi khô giòn. Hoặc cũng có thể sấy khô lá ở nhiệt độ thấp.

    Bảo quản: Dược liệu tang diệp khi đã được sơ chế khô cần cho vào túi kín, bảo quản nơi khô mát, phòng mối mọt cũng như ẩm mốc.

    Thành phần hóa học: Phân tích cho thấy, dược liệu có một số thành phần quan trọng, bao gồm: tinh dầu, protein, carbohydrat, flavonoid, coumarin,vitamin(B,C,D), một số acid hữu cơ, caroten

    Vị thuốc tang diệp trong đông y và y học hiện đại

    Tính vị: Dược liệu được ghi nhận là có vị ngọt, đắng và tính hàn.

    Quy kin: Được quy vào 2 kinh Can và Phế.

    Tác dụng dược lý:

    - Theo y học cổ truyền: Công dụng: Mát huyết, tán phong nhiệt, sơ biểu giải nhiệt, sáng mắt, giải cảm hạ sốt, hóa đờm chỉ khái, bổ can thận. Chủ trị: Nhức đầu, ho do lao nhiệt, cảm phong phát nóng, rối loạn tiêu hóa, cao huyết áp, ra mồ hôi nửa người, hoa mắt, chóng mặt…

    - Theo y học hiện đại: Bác sĩ Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn chia sẻ, thuốc sắc dược liệu ở dạng tươi được ghi nhận là có tác dụng ức chế đối với khá nhiều loại vi khuẩn gây bệnh. Điển hình như khuẩn liên cầu tan máu A hay khuẩn cầu chùm sắc kim vàng, trực khuẩn mủ xanh, trực khuẩn đại tràng… Ngoài ra, thuốc sắc tang diệp còn được ghi nhận là có tác dụng ức chế leptospira.

    Cách dùng – liều lượng: Tùy thuộc vào mục đích sử dụng mà có thể dùng dược liệu tang diệp theo nhiều cách khác nhau. Dùng riêng hoặc kết hợp với các vị thuốc khác đều được. Trong đó, dược liệu được dùng phổ biến nhất ở dạng thuốc sắc với liều khuyến cáo là từ 8 – 12g/ngày.


    Các bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu tang diệp

    Bài thuốc chữa ho sốt do viêm đường hô hấp: chuẩn bị 12g tang diệp, 16g liên kiều, 12g cúc hoa, 6g lô căn, 12g khổ hạnh nhân, 8g cát cánh, 4g cam thảo sống, 4g bạc hà (cho vào sau). Các vị thuốc đem cho hết vào ấm, thêm 1 thăng nước rồi sắc lấy 300ml. Lọc bỏ bã, chia 3 lần uống, ngày 1 thang.

    Bài thuốc chữa viêm màng tiếp hợp, mắt sưng đỏ do phong nhiệt: chuẩn bị 40g tang diệp cùng 12g mang tiêu. Tang diệp sắc lấy nước, lọc bỏ bã rồi cho mang tiêu vào hòa tan trong nước sắc. Dùng nước thuốc để rửa mắt khi còn ấm.

    Bài thuốc chữa ho khan đờm ít vàng do phế nhiệt: chuẩn bị 8 – 12g tang diệp, 12 – 16g sa sâm, 8 – 12g thổ bối mẫu, 8 – 12g hạnh nhân, 8 – 12g sơn chi bì, 8 – 12g vỏ lê, 8 – 12g đạm đậu xị. Các vị thuốc này cho hết vào ấm, sắc lấy nước đặc, bỏ bã, uống ngày 1 thang.

    Bài thuốc chữa cao huyết áp: chuẩn bị 20g tang diệp, 20g sung úy tử, 20g tang chi. Các vị thuốc cho vào ấm, gia thêm 1 thăng nước. Đun đến khi còn 600ml thì lấy nước thuốc ngâm rửa chân khi còn ấm trong vòng 30 – 40 phút trước lúc ngủ.

    Bài thuốc chữa đau đầu, chóng mặt, hoa mắt: chuẩn bị: 12g tang diệp, 12g cúc hoa, 12g đơn sâm, 12g đơn bì, 12 – 20g hắc chi ma, 12g sài hồ, 10 – 12g xích thược, 10 – 12g bạch thược. Các vị thuốc trên trộn đều lại rồi tán bột và làm hoàn. Mỗi lần lấy uống khoảng từ 8 – 12g cùng với nước sôi ấm, dùng 1 lần/ngày.

    Bài thuốc uống thay trà có tang diệp: chuẩn bị 9g tang diệp, 9g kỷ tử, 9g cúc hoa cùng 6g quyết minh tử. Các vị thuốc hãm với nước sôi uống thay trà mỗi ngày 1 thang. Dùng trong trường hợp hay bị đau đầu, chóng mặt, hoa mắt.

    Bài thuốc chữa chứng mất ngủ: chuẩn bị 20g tang diệp, 20g lá vông, 20g cỏ mực, 10g hoàng bá, 10g hoàng liên, 10g bạch linh, 16g xấu hổ, 20g cỏ mực, 20g rau má cùng 20g đinh lăng. Các vị thuốc đem sắc làm 3 lần, chia đều 3 lần uống, ngày 1 thang.

    Bài viết trên đây là những chia sẻ của bác sĩ Y học cổ truyền Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn về các bài thuốc đông y từ tang diệp chúc các bạn có một sức khỏe tốt.

    Hiếu Minh

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cong-dung-chua-benh-cua-vi-thuoc-tang-diep-trong-dong-y-a358497.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.