(ĐSPL) - Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính diễn ra ngày 5/8, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn chỉ ra rằng, có một số bộ phận cán bộ, công chức thường xuyên đi muộn về sớm, sợ trách nhiệm nên không dám đề xuất, không dám sáng tạo áp dụng cái mới.
Trên báo VOV nêu rõ, tại hội nghị triển khai công tác cải cách hành chính 6 tháng cuối năm 2015 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải thực hiện nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cải cách thủ tục hành chính. Đặc biệt, phải quan tâm đến chỉ số hài lòng của người dân, giảm “tiếng kêu” của người dân khi tiếp xúc với cơ quan nhà nước”. Nếu không nâng cao được chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp thì có cải cách bao nhiêu đi nữa cũng khó phát huy được hiệu quả.
Đồng thời, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ cũng chỉ ra một thực trạng cũng bị coi là nguyên nhân gây khó khăn cho các đơn vị trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính là gánh nặng làm báo cáo.
Bởi vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu: Các bộ, ngành, địa phương phải triển khai đồng bộ, quyết liệt, cụ thể nhiệm vụ cải cách hành chính thực sự hiệu quả. Phải coi đây là nhiệm vụ chính trị, tiêu chuẩn thi đua trong công tác.
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nếu không nâng cao được chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp thì có cải cách bao nhiêu đi nữa cũng khó phát huy được hiệu quả. Ảnh: Văn Kiên. |
Thảo luận tại hội nghị, các thành viên Ban Chỉ đạo cũng đưa ra một cảnh báo đáng lo ngại là việc cán bộ, công chức ngày càng sợ trách nhiệm. Vì sợ nên không dám đề xuất, không dám sáng tạo áp dụng cái mới, hoặc có đề xuất cái mới thì rất lòng vòng, xin phép khắp nơi.
Theo các đại biểu, để góp phần giải quyết các vấn đề trên thì cần đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức, tích cực xây dựng danh mục vị trí việc làm và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn chức danh công chức, viên chức.
Báo Tiền Phong dẫn lời Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, thời gian qua, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) đạt nhiều tiến bộ, nhất là trên các lĩnh vực cải cách thể chế, cải cách TTHC, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh… Tuy nhiên, ở một số lĩnh vực vẫn còn tồn tại, hạn chế khi vẫn còn một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm đến công tác cải cách TTHC. Một số thành viên Ban Chỉ đạo còn chưa chủ động, tích cực trong việc đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ cải cách chế độ công vụ, công chức tại bộ, ngành mình.
Ông Trương Chí Trung, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cho rằng, muốn cải cách hành chính đi vào thực chất, phải xây dựng mô hình quản lý phù hợp, cũng như đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin. Tuy nhiên, việc áp dụng này lại gặp lực cản rất lớn vì tư duy cũ của cán bộ, chỉ muốn duy trì quản lý thủ công. “Chúng ta có nói gì thì nói, có áp dụng quy trình sản xuất mới bao nhiêu đi nữa, nhưng trách nhiệm của công chức, quản lý không cao thì không thể có hiệu quả. Như vừa qua ngành Thuế đã áp dụng công nghệ thông tin, nhưng cán bộ thuế thiếu trách nhiệm dẫn đến ra thông báo về thuế sai”.
Liên quan tới gánh nặng báo cáo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc công nhận, nhiều đơn vị đang than phiền về gánh nặng báo cáo. “Chúng ta phải làm báo cáo đầu năm, 6 tháng, cuối năm đến lúc họp Quốc hội lại phải báo cáo. Tôi đề nghị Chính phủ nên giao cho Bộ Tư pháp xây dựng đề án để làm sao giảm được gánh nặng báo cáo cho các đơn vị”, ông Ngọc kiến nghị.
BTV(tổng hợp)