+Aa-
    Zalo

    Công an TP.HCM phản bác thông tin người dân trình báo bị chích kim tiêm

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Thượng tá Lê Mạnh Hà khẳng định thông tin trên mạng đăng tải không đúng sự thật, thông tin chỉ nghe từ người khác và suy đoán.

    Chiều 27/4, tại cuộc họp báo định kỳ kinh tế - xã hội TP.HCM, Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM nói về thông tin "có người bị chích kim tiêm khi chạy bộ trong khu đô thị Sala" lan truyền trên mạng gây hoang mang dư luận thời gian qua, theo Thanh niên.

    Trước đó, ngày 3/4, trên mạng xã hội lan truyền thông tin nam thanh niên chạy bộ trong khu đô thị Sala, phường An Lợi Đông (TP.Thủ Đức) bị 2 cô gái đi xe máy áp sát và chích kim tiêm vào người. Thông tin này do tài khoản Facebook L.K.T. đăng tải. Sau khi thông tin đăng tải thì tài khoản Facebook L.K.T. nhận được nhiều lượt like, chia sẻ gây hoang mang dư luận.

    Nội dung đăng tải trên mạng là: "Em trai của mình bị 2 phụ nữ lạ mặt chạy xe chích kim tiêm vào người khi đang đi dạo tại khu đô thị Sala. Lúc đó, có một người đàn ông khác cũng bị chích kim 2 lần khi đang chạy bộ gần đó. Bọn chúng chích tất cả những ai nhìn thấy đang đi trên vỉa hè".

    Trước thông tin này, thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, Công an TP.HCM có nắm thông tin gây xôn xao trên mạng xã hội. Qua rà soát đến nay không có bị hại nào đến trình báo với cơ quan công an, không nhận được đơn trình báo nào.

    "Công an cũng đã tiến hành làm việc với chủ tài khoản đăng tải thông tin này và chủ tài khoản nói vụ việc được nghe từ người khác", Thượng tá Lê Mạnh Hà nói.

    thuong ta le manh ha thong tin
    Thượng tá Lê Mạnh Hà tại cuộc họp. Ảnh: Thanh niên.

    Thượng tá Lê Mạnh Hà khẳng định thông tin trên mạng đăng tải không đúng sự thật, thông tin chỉ nghe từ người khác và suy đoán.

    Qua vụ việc này, thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, Công an TP.HCM đề nghị các thông tin đưa lên mạng xã hội cần được kiểm chứng, không nên chỉ nghe kể rồi đăng tải lên mạng xã hội gây hoang mang dư luận. Nếu ai vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

    Thông tin thêm về tiến trình điều tra các cuộc gọi lừa đảo phụ huynh "có con đang cấp cứu" thời gian gần đây, thượng tá Hà cho hay công an quận 5 đã làm việc với 4 phụ huynh bị lừa đảo số tiền 340 triệu đồng. Ngoài ra, có 3 trường hợp phản ánh đến bệnh viện cũng được cơ quan công an mời làm việc nhưng không tới.

    Kết quả xác minh ban đầu, các số điện thoại lừa đảo đều tắt máy, không có vị trí phát sóng. Có 2 chủ tài khoản đã mở tài khoản ngân hàng và bán lại cho người khác.

    Thượng tá Hà nhận định đây là các vụ án phức tạp, liên quan nhiều đối tượng với thủ đoạn tinh vi. "Khả năng một số đối tượng nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam. Cơ quan công an sẽ tiếp tục xác minh", thượng tá Hà nói.

    Vị đại diện Công an TP.HCM cảnh báo những cách kiếm tiền được quảng cáo trên mạng xã hội phần lớn là lừa đảo, các cơ quan Nhà nước như cơ quan công an, bệnh viện, trường học cũng không làm việc qua điện thoại. Do đó, người dân cần cảnh giác, không chuyển tiền cho bất cứ ai khi chưa rõ về họ, xác minh kỹ thông tin khi có người thân nhắn mượn tiền và không cung cấp mã OTP cho bất cứ ai, theo Tri thức trực tuyến.

    Linh Chi (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cong-an-tp-hcm-phan-bac-thong-tin-nguoi-dan-trinh-bao-bi-chich-kim-tiem-a573755.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan