Báo Người lao động đưa tin, tại phiên làm việc, Phó Giám đốc Công an TP.HCM cho biết trong năm qua, lực lượng chức năng trên địa bàn đã tăng cường kiểm soát vấn đề sử dụng rượu bia, ma túy khi tham gia giao thông trên địa bàn. Những đợt cao điểm đã mang lại kết quả khi thành phố đã kéo giảm 99% số vụ tai nạn so với cùng kỳ.
"Trong việc kiểm tra nồng độ cồn, tất cả những lần kiểm tra, công an đều dùng đầu thổi riêng. Việc kiểm tra cũng có chương trình, kế hoạch, không gây ùn tắc và xáo trộn về trật tự an toàn giao thông", Phó Giám đốc Công an thành phố nhấn mạnh.
Thiếu tướng Trần Đức Tài thông tin thêm kể từ năm 2017, số vụ và số nạn nhân của tai nạn giao thông trên địa bàn đã được kéo giảm liên tục từ năm 2017 đến nay. Tuy nhiên, TP.HCM vẫn chưa thể hài lòng với kết quả này.
"Mỗi năm, 600 sinh mạng con người trên địa bàn đã mất vì tai nạn giao thông. Chúng tôi mong rằng người dân chấp hành nghiêm chỉnh quy định khi tham gia giao thông để đảm bảo an toàn tính mạng cho chính mình và xã hội", Thiếu tướng Trần Đức Tài gửi gắm.
Trước đó, Dân trí đưa tin, tại phiên thảo luận tổ của kỳ họp HĐND TP.HCM lần thứ 13, khóa X, diễn ra chiều 6/12, các đại biểu đã đưa ra một số ý kiến, quan điểm về vấn đề giao thông trên địa bàn. Trong đó, đại biểu Lê Minh Đức, Phó ban Pháp Chế HĐND TP.HCM, đã bày tỏ băn khoăn trước việc lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) thực hiện đo nồng độ cồn cả ngày lẫn đêm.
Được biết đây cũng là vấn đề người dân thành phố quan tâm trong suốt thời gian qua, theo đại biểu Lê Minh Đức, việc CSGT tăng cường ra quân kiểm soát nồng độ cồn thời gian qua được đa số người dân trên địa bàn đồng tình. Các lực lượng đang góp phần kéo giảm số vụ tai nạn giao thông trên địa bàn.
Tuy nhiên bên cạnh đó cũng không ít ý kiến bày tỏ sự quan ngại khi việc đo nồng độ cồn cả ngày lẫn đêm thay vì chỉ ban đêm có phần gây xáo trộn cuộc sống của người dân.
"Có người tối tiệc tùng đến sáng ra vẫn còn nồng độ cồn trong máu, dù tỉnh táo, đủ năng lực lái xe đi làm. Việc kiểm soát như vậy có mang đến lợi ích xã hội như mong muốn hay gây xáo trộn cho các hoạt động", vị đại biểu truyền tải góp ý của cử tri.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của người dân, Phó ban Pháp chế HĐND TP.HCM đề xuất, các cơ quan chức năng cần tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể hơn cho người dân về vấn đề kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông.
Xem thên: Tăng chuyến, bố trí các chuyến bay đêm trong dịp cao điểm Tết
Trước đó, tại hội nghị Thành ủy TP.HCM (mở rộng) hôm 2/12, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết gần đây ông nhận được nhiều thông tin phản ánh về chủ trương kiểm tra nồng độ cồn.
Bí thư Thành ủy cho rằng thành phố tăng cường kiểm soát nồng độ cồn là thực hiện chủ trương đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, hạn chế tối đa tai nạn. Tuy nhiên, phải kiểm tra cách làm hiện nay đã ổn chưa để điều chỉnh cho phù hợp với "tiếng vọng" của người dân.
"Đồng chí Nam (Giám đốc Công an TP.HCM Lê Hồng Nam) nói cái này Bộ Công an cũng đã thấy, cũng đã tổ chức hội nghị và sẽ có rút kinh nghiệm phù hợp. Nếu không, chúng ta làm một việc nhưng ảnh hưởng những cái khác cũng rất khó khăn"- Bí thư Thành ủy thành phố nói.
Bảo An (T/h)