+Aa-
    Zalo

    Công an TP. Hải Phòng "bóc trần" thủ đoạn chiếm đoạt tài sản từ hình thức góp “họ”

    (ĐS&PL) - Theo Công an TP. Hải Phòng, các bên khi giao và nhận tiền được lĩnh “họ” hoặc góp “họ” thì cần có ghi biên nhận giữa hai bên khi giao và nhận số tài sản (có chữ ký hoặc điểm chỉ) để làm căn cứ giải quyết khi phát sinh tranh chấp, vi phạm pháp luật từ “họ” góp.

    Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế và xã hội, đặc biệt là sự bùng nổ của công nghệ thông tin kéo theo những hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản biến tướng, tinh vi, xảo quyệt, trong đó có thủ đoạn chiếm đoạt tài sản thông qua hình thứ góp “họ”.

    Theo Trung tá Lê Anh Phương, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP. Hải Phòng thông tin, “họ” là một loại giao dịch dân sự về tài sản vì nó là sự thỏa thuận của các bên nhằm xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự. Miền Bắc thường gọi là “họ”; miền Trung thường gọi là biêu, phường; Nam Bộ thường gọi là hụi.

    Mục đích của những người khi tham gia góp “họ” đơn giản chỉ là tích lũy tiền hàng tháng để phục vụ việc mua sắm vật dụng trong gia đình. Thậm chí nhiều người lớn tuổi cũng chơi nhằm dành dụm một khoản tiền phòng khi ốm đau bất ngờ mà không phải nhờ đến con cháu. Có những người đang mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo nhưng không muốn mọi người trong gia đình biết nên âm thầm chơi “họ” để chủ động lo việc hậu sự của mình…

    cong an tp hai phong boc tran thu doan chiem doat tai san tu hinh thuc gop ho
    Ảnh minh họa.

    Tuy nhiên, chủ “họ” đã lợi dụng lòng tin của đám đông tham gia để chiếm đoạt tiền của “họ” bằng nhiều chiêu thức.

    “Cụ thể , chủ “họ” đưa tên “họ” viên giả, tên người không tham gia vào dây “họ” để lĩnh phần “họ” (người không có thật, hoặc có thật nhưng không tham gia phần “họ”,...), tức là làm trái quy định tại Điều 12, Nghị định 19/2019/NĐ-CP.

    Cùng với đó, chủ “họ” mạo danh (tự ý lấy các phần “họ” của “họ” viên) để lĩnh các phần “họ”. Với thủ đoạn này, chúng lợi dụng các “họ” viên đã tin tưởng mình, không đến tham gia kỳ mở “họ” và tin vào lời chủ “họ” nói đã có “họ” viên nào đó lĩnh tiền “họ” rồi nhưng thực tế là chủ “họ” tự lấy tên của một số “họ” viên để lĩnh. Đồng thời thu tiền lĩnh “họ” của “họ” viên nhưng không giao cho “họ” viên được lĩnh và chiếm đoạt.

    Cuối cùng, lợi dụng tâm lý của người chơi là thường đăng ký lĩnh “họ” ở vị trí nửa cuối của dây “họ” nhằm hưởng lợi từ phát sinh lãi, chủ “họ” không quy định thứ tự lĩnh “họ” trong hoạt động quản lý “họ” góp mà để người chơi tự đăng ký thứ tự nhằm cách xa thời hạn phải trả tiền lĩnh “họ” cho người chơi và dùng số tiền đóng “họ” vào mục đích cá nhân hoặc thanh toán khi người chơi có nhu cầu bốc “họ””, Trung tá Lê Anh Phương thông tin.

    Các trường hợp trên, khi không còn tiền để thanh toán cho người chơi, chủ “họ” sẽ lấy lý do nhầm lẫn hoặc đã có người đăng ký bốc “họ” từ trước để dây dưa “hoãn binh” và cuối cùng là bỏ trốn.

    Có thể nhận thấy, việc vỡ “họ” kéo theo rất nhiều hệ lụy tiêu cực đối với bản thân người tham gia, làm ly tán tình thân, phá vỡ hạnh phúc gia đình, nợ chồng chất nợ. Chưa kể, việc tham gia vào một dây “họ” hoàn toàn dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau giữa các “họ” viên và chủ “họ”, không có tài sản thế chấp bảo đảm nên hầu như ít có sự ràng buộc pháp lý giữa các bên.

    Cũng theo Trung tá Lê Anh Phương, khi tham gia “họ”, người chơi phải thực sự hiểu rõ các quy định của pháp luật để tự bảo vệ mình, tránh những thiệt hại không đáng có xảy ra.  Phải tiến hành lập sổ “họ”, văn bản thỏa thuận về dây “họ”, văn bản giao dịch “họ” có thể được đem ra cơ quan có thẩm quyền công chứng hoặc chứng thực.

    Cùng với đó, nhất thiết phải biết mặt tất cả các thành viên trong dây “họ” và chỉ tổ chức lĩnh “họ” khi có đủ các thành viên cũng như phải thảo luận để thống nhất đầy đủ các nội dung khi tham gia giao dịch “họ”. Trong mỗi kỳ lĩnh “họ”, chủ “họ” phải ghi rõ “họ” và tên đầy đủ của thành viên được lĩnh “họ” với số tiền được lĩnh là bao nhiêu và cách đóng tiền “họ”, tiền trả lãi của thành viên được lĩnh “họ” đến khi kết thúc dây “họ”.

    Các bên khi giao và nhận tiền được lĩnh “họ” hoặc góp “họ” thì cần có ghi biên nhận giữa hai bên khi giao và nhận số tài sản (có chữ ký hoặc điểm chỉ) để làm căn cứ giải quyết khi phát sinh tranh chấp, vi phạm pháp luật từ “họ” góp.

    Khánh Ngân

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cong-an-tp-hai-phong-boc-tran-thu-doan-chiem-doat-tai-san-tu-hinh-thuc-gop-ho-a576428.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan