Tờ Thanh niên đưa tin, Công an tỉnh Nam Định chiều 13/8 xác nhận vụ việc hai nữ học viên tập lái gây tai nạn khiến một cháu bé tử vong.
Qua điều tra ban đầu, sự việc xảu ra vào khoảng 17h ngày 11/8, cháu T (3 tuổi) lúc này đang được chị họ (11 tuổi) chở trên chiếc xe đạp di chuyển trên tuyến đường ở Khu dân cư tập trung Hải Thanh, xã Hải Thanh (H.Hải Hậu, Nam Định) thì bị một chiếc ô tô 4 chỗ mang BS 18A - 005.40 đi cùng chiều, từ phía sau, đâm vào đuôi xe đạp.
Hậu quả, cháu T bị chấn thương sọ não, được đưa vào Bệnh viện đa khoa Hải Hậu cấp cứu nhưng đã không qua khỏi.
Theo Vietnamnet, Công an tỉnh Nam Định cho biết xe gây tai nạn là xe dạy lái của Trường trung cấp Đại Lâm. Lúc xảy ra tại nạn trên xe có hai học viên nữ, thầy giáo dạy lái xe đang xuống đường uống nước.
“Sau khi gây tai nạn, hai học viên không trốn tránh, đã phối hợp cùng cơ quan điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật nên chưa đến mức phải áp dụng biện pháp ngăn chặn. Chúng tôi sẽ xác định rõ và xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật”, lãnh đạo Công an tỉnh Nam Định cho hay.
Tờ Dân trí dẫn lời Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho biết, dựa theo quy định tại Khoản 1, Điều 58, Luật giao thông đường bộ năm 2008 thì "Người tập lái xe ô tô khi tham gia giao thông phải thực hành trên xe tập lái và có giáo viên bảo trợ tay lái". Trong vụ việc trên, việc làm tắc trách của giáo viên đã vi phạm quy định của pháp luật và gây hậu quả nghiêm trọng khiến cháu bé 3 tuổi tử vong.
Luật sư Tiền cho biết, trách nhiệm hình sự có thể đặt ra đối với cả người giáo viên và học viên. Cụ thể, đối với người dạy, do học viên lái xe là người chưa đủ điều kiện và khả năng để tham gia giao thông, nên nếu người giáo viên có mặt trên xe và làm tròn nhiệm vụ của mình thì có thể tai nạn đã không xảy ra.
Còn về phía học viên lái xe, người này đã điều khiển xe tham gia giao thông khi không có sự bổ trợ của người dạy dẫn đến hậu quả chết người.
"Trong vụ việc này, nếu cơ quan chức năng làm rõ yếu tố giáo viên cho phép học viên tự lái, còn mình ra ngồi uống nước thì người này có dấu hiệu vi phạm quy định về đào tạo lái xe, giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển khi không có mình trên xe, vi phạm Luật Giao thông đường bộ, vi phạm quy định về đào tạo và sát hạch lái xe của Bộ GTVT.
Hành vi cẩu thả, vô trách nhiệm này có dấu hiệu của tội 'Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng' quy định tại Điều 360 Bộ luật hình sự 2015", Luật sư Tiền nêu rõ.
Luật sư Tiền thông tin thêm, cả người dạy lẫn học viên còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội Vi phạm quy định về giao thông đường bộ căn cứ theo điểm a khoản 1 Điều 260 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Mức hình phạt có thể áp dụng đối với người này là phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Đồng thời, người này cũng có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Hoa Vũ (T/h)