“Đừng lại gần con...”
Anh Hoàng, môt bạn đọc qua đường dây nóng của Đời sống & Pháp luật đã chia sẻ câu chuyện cảm động cách đây ít ngày. Anh Hoàng cho hay: “Tối hôm đó, ông Huy nhân viên của tôi tái phát bệnh về đường hô hấp. Trên đường đi thì ông mệt ngã quỵ, đoạn gần chốt kiểm soát của Công an quận 1 (ngã tư Trần Hưng Đạo - Nguyễn Văn Cừ). Ngay lúc đó, rất may mắn là ông Huy được anh Đức (CSGT) kêu xe taxi đưa đi cấp cứu.
Anh Đức đưa ông Huy đến tận bệnh viện quận 1. Khoảng 21h, khi tôi đang ở nhà thì nhận được cuộc gọi của anh Đức báo về tình trạng của ông Huy. Khi tôi đến nơi, anh Đức kể lại sự việc, đồng thời đứng chờ ở cửa phòng cấp cứu.
Rất may mắn ông Huy được các y, bác sĩ tại bệnh viện chăm sóc kịp thời và được về nhà lúc 22h30. Trước khi về, anh Đức còn gửi tặng ông 2 triệu đồng để đóng viện phí và mua thuốc uống”.
Trong clip ghi lại hành động đẹp, Trung úy Đức còn cẩn thận giữ khoảng cách với người khác để đảm bảo an toàn, anh nói: “Con có duyên gặp được chú, con gửi tặng chú 2 triệu đồng... nhưng chú đừng lại gần con, vì con tiếp xúc nhiều lắm, dễ có nguy cơ. Để con xịt khuẩn tiền, chú nhận lấy nhé. Rồi, chú vào nghỉ đi nhé”.
Khi biết hoàn cảnh của ông Huy và những người khác mắc kẹt tại phòng trọ, Trung uý Đức còn san sẻ thêm các suất ăn, nước uống... giúp lúc khó khăn. "Đây là hành động đẹp, ý nghĩa, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh đang diễn tiến hết sức phức tạp, nguy hiểm tại TP. Hồ Chí Minh", anh Hoàng chia sẻ với PV.
"Vào tình huống đó, ai cũng sẽ hành động như vậy..."
Chiến sĩ CSGT được nhắc trong câu chuyện trên là Trung úy Lê Huỳnh Đức (SN 1995), đang công tác tại đội CSGT, Công an quận 1.
Trung úy Đức chia sẻ thêm: “Thời điểm đó, tôi đang là Tổ trưởng của chốt trực tại góc đường Trần Hưng Đạo - Nguyễn Văn Cừ (quận 1), còn chú Huy trên đường đi vào bệnh viện. Khi phát hiện lực lượng đang chốt tại đây, chú ra hiệu và tấp vào để được nhờ sự giúp đỡ. Nhận thấy chú không đủ khả năng để đến được bệnh viện, có vẻ bệnh nặng, khó thở nên tôi giúp".
"Lúc đó, tôi hơi lo lắng nhưng trong tình huống chỉ vỏn vẹn có mấy phút, tôi cũng không suy nghĩ được nhiều mà quan trọng là tìm cách cứu người. Đó cũng là một phản xạ bình thường, nếu như rơi vào tình huống đó, tôi nghĩ, ai cũng sẽ hành động như vậy cả. Đó chưa kể, tôi còn thuộc một trong những lực lượng đứng đầu chống dịch nữa, việc cứu người là quan trọng, cũng giống như là việc chống dịch”, Trung úy Đức nói.
Chia sẻ về biện pháp phòng dịch COVID-19 mà mình áp dụng, Trung úy Đức cũng nói thêm: “Lúc đó tôi cố gắng sức giữ khoảng cách an toàn nhất có thể và sử dụng cồn để khử khuẩn nên việc cấp cứu người sẽ đảm bảo được an toàn. Lúc đó, tôi chỉ biết làm vậy thôi”.
“Từ trước đến nay, tôi cũng tham gia cứu người trong một số trường hợp, đặc biệt là những vụ tai nạn giao thông. Tuy nhiên, việc cứu người trong những thời điểm trước là dễ dàng hơn so với trong tình huống như của chú Huy”, Trung úy Đức trải lòng.
Qua tìm hiểu của PV, người được giúp đỡ trong tình huống trên là ông Nguyễn Thiên Huy, SN 1970, quê Phú Yên. Ông Huy đang làm bảo vệ cho một công ty tại quận 1, TP. Hồ Chí Minh, với mức lương hàng tháng khoảng 7 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện giờ ông đang nằm ở nhà do bệnh tắc nghẽn phổi mạn tính và còn nhiều bệnh liên quan tới đường ruột và tim mạch. Trước đó, ông Huy cũng thường xuyên nhập viện vì bệnh tật trong cơ thể nên “tháng nào cũng nằm viện”.
Ông Huy có hoàn cảnh hết sức đáng thương, có người vợ đã mất, còn 1 con nhỏ 12 tuổi hiện gửi cho bà ngoại chăm sóc tại quê nhà. Trong lúc thành phố phong toả và dịch bệnh diễn tiến phức tạp, ông cũng kẹt lại. Hiện tại ông Huy đang ở trọ tại địa chỉ 612/7 Võ Văn Kiệt (phường Cầu Kho, quận 1) với 3 người khác, cùng làm với ông trước đây.
Ông Huy và những người này đang mắc kẹt tại thành phố có cuộc sống hết sức thiếu thốn, do không có thu nhập, lại không thể đi ra ngoài. “Tôi đã nộp đơn xin hưởng trợ cấp của chính quyền theo chính sách của thành phố nhưng chưa được. Đến nay, chúng tôi thiếu thốn nhu yếu phẩm nhằm duy trì sự sống. Vì thế chúng tôi phải đùm bọc lẫn nhau, đồng thời, nhờ sự giúp đỡ của những nhà hảo tâm, thiện nguyện, như từng suất cơm hàng ngày, những món quà là gạo, muối, mắm, trứng, rau... để duy trì cuộc sống lúc khó khăn này”, ông Huy nói.
Trước hoàn cảnh của ông Huy và những người cùng khu trọ, PV Đời sống & Pháp luật cũng đã kết nối với một số nhà hảo tâm tặng những phần quà gồm lương thực, thực phẩm để họ tạm thời duy trì cuộc sống trong lúc khó khăn. |
Dương Thanh Tùng
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ Ba (139)