Từ năm 2017 đến nay, các đối tượng đã chi hơn 3.000 tỷ đồng để mua dung môi và các nguyên liệu pha chế. Mỗi tháng, các đối tượng đưa ra thị trường tiêu thụ trên 6 triệu lít xăng giả.
Liên quan đến vụ triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán xăng giả quy mô lớn, ngày 6/6, Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp với một số đơn vị liên quan tổ chức họp báo thông tin kết quả điều tra bước đầu. Đây là vụ việc nghiêm trọng, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Nông trả lời câu hỏi của phóng viên báo chí liên quan đến vụ triệt phá đường dây sản xuất xăng giả. Ảnh: TTXVN |
Theo thông tin vụ án trên báo Công An Nhân Dân, tháng 6/2018, sau khi phát hiện nguồn tin về một đường dây sản xuất, mua bán xăng A95 giả với phương thức, thủ đoạn rất tinh vi, Công an tỉnh Đắk Nông đã xác lập chuyên án, tập trung lực lượng, phương tiện đấu tranh.
Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, ngày 13/3/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Đắk Nông đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố 9 bị can và ra lệnh bắt tạm giam 8 bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với một bị can để điều tra về hành vi “sản xuất, kinh doanh hàng giả” theo quy định tại Điều 192, Bộ luật Hình sự 2015.
9 bị can bị khởi tố gồm: Nguyễn Văn Hướng, Nguyễn Văn Sơn, Nguyễn Văn Hùng, Phạm Hồng Quang (cùng trú tại huyện Đắk R’lấp), Hồ Thị Nhẫn (trú tại thị xã Gia Nghĩa), Nguyễn Mạnh Tiến (trú tại thành phố Biên Hòa), Nguyễn Quang Thuận, Nguyễn Thị Kim Loan và Hoàng Thụy Minh Việt (cùng trú tại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai).
Các quyết định và lệnh của Công an tỉnh Đắk Nông đã được VKSND cùng cấp phê chuẩn.
Các đơn vị chức năng bắt quả tang các đối tượng đang pha trộn dung môi, chất tạo màu vào xăng trên các xe ô tô 62C-101.05 và 51C- 134.89. Ảnh: CAND |
Ngoài ra, cơ quan công an cũng thu giữ: 107.000 lít dung môi cùng 6 xe ô tô bồn; xăng đã pha dung môi không đạt tiêu chuẩn Việt Nam theo quy định tại QCVN 1:2015/BKHCN và sửa đổi 1:2017 QCVN 1:2015/BKHCN đối với xăng A95 mức II, mức III là 13.200 lít; bột màu: chất tạo màu vàng (để pha xăng A95) và chất tạo màu xanh (để pha xăng E5) hơn 12kg cùng nhiều tài liệu, đồ vật liên quan đến hành vi phạm tội.
Tiếp tục đấu tranh mở rộng, từ ngày 28/5/2019 đến 2/6/2019, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tá Lê Văn Tuyến – Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông, Trưởng Ban Chuyên án và Đại tá Lê Vinh Quy – Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông, Phó trưởng Ban chuyên án, hơn 200 cán bộ, chiến sỹ thuộc Công an tỉnh Đắk Nông đã phối hợp với điều tra viên Cục Cảnh sát kinh tế và cán bộ, chiến sỹ Cục Cảnh sát giao thông, Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động Bộ Công an và Công an TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng đồng loạt bắt quả tang các đối tượng đang pha trộn dung môi với chất kích RON tạo thành xăng giả tại 6 địa điểm.
Đây là nơi các đối tượng đang thực hiện hành vi pha trộn và là kho cất giữ các chất để pha trộn xăng giả, thuộc địa bàn TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng.
Thời điểm kiểm tra, lực lượng công an thu giữ 3.264.281 lít dung dịch các loại gồm: 2.183.604 lít hỗn hợp đã pha chế tạo thành xăng giả, 432.474 lít dung môi chưa pha, 250.000 lít dung dịch (chưa rõ), 138.203 lít dầu DO, 260.000 lít xăng A95, 3 tàu thủy, 5 xe ô tô, 5 máy bơm, 50 kg chất tạo màu và nhiều đồ vật, tài liệu khác có liên quan.
Căn cứ các tài liệu thu thập được, ngày 5/6/2019, Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Đắk Nông đã quyết định khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam để điều tra đối với 14 bị can, nâng tổng số bị can bị khởi tố lên 23 bị can. Các quyết định và lệnh khởi tố của Công an tỉnh Đắk Nông đã được VKSND cùng cấp phê chuẩn.
Từ 1/1/2017 đến nay, các đối tượng đã chi hơn 3.000 tỷ đồng để mua dung môi và các nguyên liệu pha chế xăng giả. Mỗi tháng đưa ra thị trường tiêu thụ trên 6 triệu lít xăng giả.
Tàu Gia Thành 7 chở chất kích RON cập cảng kho chứa xăng dầu Ressol tại Cần Thơ. Ảnh: CAND |
Theo ghi nhận của PV TTXVN tại buổi họp báo, Đại tá Lê Vinh Quy, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông khẳng định dung môi được sử dụng để pha chế là thành phẩm trong quá trình chưng cất dầu mỏ. Đây là loại hợp chất thường được sử dụng trong công nghiệp, pha trộn sơn, tẩy rửa, sản xuất gỗ, thuộc da… Các đối tượng sử dụng dung môi, pha với xăng, chất tạo màu và một số “hương liệu” để phù phép thành xăng giả.
Kết quả kiểm nghiệm khẳng định xăng giả không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng xấu đến hiệu suất động cơ, thậm chí có thể làm hỏng động cơ. Thực tế đã xảy ra nhiều vụ cháy xe được xác định liên quan tới xăng giả và cơ quan chức năng đang tiếp tục xác minh, làm rõ.
Không chỉ vậy, các khu vực, kho bãi thực hiện hành vi pha chế, pha trộn xăng giả đều được đối tượng canh gác rất cẩn mật. Thậm chí pha trộn trên tàu, trên biển nên công tác tiếp cận, bắt quả tang rất khó khăn.
Đến nay, Công an tỉnh Đắk Nông xác định 3 cửa hàng đã tiêu thụ xăng dầu giả trên địa bàn tỉnh Đắk Nông liên quan đến đường dây sản xuất, buôn bán xăng giả này. Trong đó, các cửa hàng có địa chỉ tại huyện Đắk R’Lấp, thị xã Gia Nghĩa và huyện Đắk G’Long.
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Cao Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông khẳng định việc triệt phá đường dây sản xuất, mua bán xăng giả là một kết quả tích cực, nổi bật, góp phần quan trọng trong đấu tranh phòng chống tội phạm. UBND tỉnh Đắk Nông cũng quyết định thưởng nóng cho Ban Chuyên án.
Hiện vụ việc đang tiếp tục được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
Nguyễn Phượng(T/h)