(ĐSPL) - "Đúng là cơ quan công an không thiếu chỗ áp giải. Nhưng chúng tôi phải chọn cách đảm bảo bị án không chống trả, chạy trốn…”, đại diện Công an TP Buôn Mê Thuật (Đắk Lắk) lý giải việc áp giải bị án trong môi trường giáo dục được cho là không phù hợp.
Liên quan đến vụ việc cơ quan CATP Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk) tiến hành lệnh bắt một học sinh ngay tại trường học để thi hành án khiến dư luận xôn xao, trao đổi trên Tuổi trẻ, thượng tá Vũ Tiến Thăng, phó trưởng Công an TP Buôn Ma Thuột, cho biết bị án Đ.Q.T. (sinh năm 1995) đang bị giam tại Trại giam Công an TP.
Ngôi trường nơi em Đ.Q.T đang theo học. |
Ông Thăng cho biết trước đó T. gây ra tai nạn giao thông. Tòa án nhân dân TP Buôn Ma Thuột tuyên phạt T. sáu tháng tù treo. Sau đó, tòa phúc thẩm tuyên phạt T. chín tháng tù giam.
“Sau khi tòa phúc thẩm tuyên, cơ quan điều tra đã triệu tập T. nhiều lần và làm việc trực tiếp với ông Đỗ Quang Thanh là bố của T.. Ông Thanh không chấp hành và nói đang khiếu nại lên Tòa án nhân dân tối cao. Sau đó, Công an TP đã làm thông báo gửi cho Tòa án nhân dân TP. Tòa trả lời bản án phúc thẩm có hiệu lực ngay sau khi tòa tuyên. Trong việc này, cơ quan điều tra không thi hành lệnh bắt mà chỉ áp giải” - ông Thăng nói.
Về việc áp giải học sinh ngay trong trường, ông Thanh giải thích: “Sau khi đã triệu tập nhiều lần nhưng gia đình chống đối, sáng 2-4 chúng tôi phối hợp UBND phường Thắng Lợi, bảo vệ dân phố đến nhà áp giải theo quyết định nhưng gia đình ông Thanh không hợp tác. Sau đó, chúng tôi đến trường, phối hợp nhà trường mời bị án xuống phòng nghỉ của giáo viên. Chúng tôi cử cán bộ vào làm việc và thông báo với nhà trường mời học sinh có mặt để áp giải về thi hành án chứ không đọc lệnh bắt”.
Ông Thăng nói thêm: “Chúng tôi làm việc với nhà trường là đưa xe dân sự bốn chỗ, xe đặc chủng của công an không đưa vào trường. Chúng tôi mời T. xuống một cách bình thường chứ không đọc lệnh bắt trên lớp. Công an mời bị án lên xe dân sự đưa ra khỏi trường và không còng tay nhưng gia đình ông Thanh không đồng ý. Ông Thanh đến yêu cầu phải đưa xe đặc chủng vào làm việc theo đúngpháp luật”.
Về ý kiến cho rằng áp giải bị án trong môi trường giáo dục là không phù hợp, ông Thăng giải thích: “Đúng là cơ quan công an không thiếu chỗ áp giải. Nhưng chúng tôi phải chọn cách đảm bảo bị án không chống trả, chạy trốn…”.
Trước đó, theo ghi nhận của phóng viên Người đưa tin, nhiều giáo viên và học sinh tại trường đã rất ngỡ ngàng khi thấy lực lượng công an vào trường áp giải học sinh.
Ông Phan Thượng Tòng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Buôn Ma Thuột cho biết: “Vào khoảng 9h ngày 2/4, tôi thấy có hai đồng chí Công an TP Buôn Ma Thuột đã vào phòng làm việc của tôi. Ở phòng đoàn thanh niên cũng có một số đồng chí công an đang ngồi chờ ở đó. Do không được thông báo từ trước, sự xuất hiện của các đồng chí ấy làm chúng tôi ngỡ ngàng. Họ thông báo, sẽ bắt giữ em Đỗ Quang Thiện để thi hành án”
Thầy Tòng kể rằng, tại thời điểm, ở sân trường có 2 xe ô tô. Một chiếc loại đặc chủng chở tội phạm, chiếc còn lại là xe con để chở cán bộ công an.
“Chúng tôi hoàn toàn không hề hay biết việc em Thiện gây tai nạn giao thông bị TAND kết tội trước đó. Ngay sau khi em Thiện bị bắt, nhà trường đã gửi báo cáo lên Sở Giáo dục và Đào tạo về tình hình vụ việc”, ông Tòng cho hay.
Ông Trương Thức, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo cũng cho rằng: “Việc bắt giam tội phạm là chuyện của cơ quan công an. Nhưng, việc bắt một học sinh ngay trong trường học, lẽ ra Công an TP Buôn Ma Thuột nên thông báo trước để có sự phối hợp, không làm ảnh hưởng đến môi trường giáo dục”.
H.M (Tổng hợp)