+Aa-
    Zalo

    Con trai của người phụ nữ hành nghề tốc ký trở thành một trong những CEO nhận lương cao nhất thế giới

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Gia nhập Google năm 2004, Pichai đứng sau nhiều sản phẩm cốt lõi của công ty và được bổ nhiệm làm CEO Alphabet năm 2019.

    Gia nhập Google năm 2004, Pichai đứng sau nhiều sản phẩm cốt lõi của công ty và được bổ nhiệm làm CEO Alphabet năm 2019.

    Pichai Sundararajan sinh ra và lớn lên tại Chennai, thành phố phía đông Ấn Độ. Thuở nhỏ, ông sống cùng cha - một kỹ sư điện, mẹ - người viết tốc ký và em trai Pichai Srinivasan, trong một căn hộ chỉ có hai phòng. Hai anh em ông thường ngủ ngay phòng khách.

    Ngay từ khi còn nhỏ, cha mẹ ông đã phát hiện tài năng thiên bẩm của Sundar Pichai với những con số, ông có thể ghi nhớ tất cả số điện thoại từng gọi.

    Tên đầy đủ của tân Giám đốc điều hành Alphabet là Pichai Sundararajan. Ảnh: HexByte

    Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Sundar Pichai theo học tại Viện Công nghệ Ấn Độ (IIT) ở Kharagpur. Chương trình đầu tiên ông tự viết ra là một trò chơi đánh cờ. Thành tích xuất sắc trong thời gian học tập tại đây đã giúp ông giành được học bổng của Đại học Stanford, bang California (Mỹ).

    Sundar Pichai từng thừa nhận việc chuyển tới California là bước ngoặt lớn trong cuộc đời.

    “Tôi yêu thích công nghệ và khi lớn lên, tôi luôn ấp ủ giấc mơ được tới làm việc tại Thung lũng Silicon”, Pichai nói. “Tôi đã đọc về Thung lũng Silicon, cũng như được nghe rất nhiều câu chuyện về nó từ chú của mình”.

    Thời điểm mới đặt chân sang Mỹ (năm 1993), Pichai đã bị bất ngờ vì mọi thứ ở đây quá đắt. Ví dụ, một chiếc ba-lô có giá 60 USD.

    Sau khi lấy bằng Thạc sĩ khoa học của Đại học Stanford, ông Pichai tiếp tục đăng ký khóa Thạc sĩ quản trị kinh doanh của trường Wharton, thuộc hệ thống của Đại học Pennsylvania.

    Trước khi về đầu quân cho Google, Pichai đã thực tập tại tập đoàn tư vấn tài chính McKinsey&Co. Sundar Pichai tham gia phỏng vấn tại Googleplex (trụ sở Google) vào ngày 1/4/2004, cùng ngày dịch vụ thư điện tử G-mail ra mắt.

    Ban đầu, ông cũng như nhiều ứng viên khác, cho rằng dịch vụ e-mail miễn phí này là trò đùa của công ty trong ngày Cá tháng Tư. Công việc đầu tiên của ông tại Google liên quan đến công cụ tìm kiếm Google Search.

    Năm 2006, tương lai của Google Search bị đặt dấu hỏi khi Microsoft thiết lập Bing làm công cụ tìm kiếm mặc định cho Internet Explore. Tuy nhiên, ông Pichai đã thuyết phục các nhà sản xuất máy tính cài đặt sẵn Google để giảm ảnh hưởng của thay đổi này.

    Internet Explorer thất bại mở ra cơ hội lớn cho Sundar Pichai, ông thuyết phục hai nhà đồng sáng lập Alphabet, Larry Page và Sergey Brin, cho phép Google phát triển trình duyệt riêng. Tới nay, Google Chrome đã trở thành trình duyệt phổ biến nhất thế giới.

    Là một người lãnh đạo, Pichai được yêu thích vì tập trung vào kết quả hơn là thể hiện sự nổi bật.

    Năm 2013, ông tiếp quản bộ phận phát triển Android. Một trong những dự án do ông khởi xướng là Android One, với mục tiêu thúc đẩy doanh số smartphone giá rẻ dành cho 5 tỷ người dùng trực tuyến tiếp theo.

    Pichai được cho là góp công lớn giúp Google đạt được thỏa thuận thâu tóm công ty sản xuất thiết bị nhà thông minh Nest vào năm 2014. Ông cũng đứng sau Chrome OS, hệ điều hành hỗ trợ các máy tính xách tay Chromebook giá rẻ của Google.

    Sundar Pichai nhận được khoản thù lao xứng đáng cho cống hiến tại Google. Ảnh: Reuters

    Dù được Twitter mời về làm lãnh đạo cấp cao nhưng Pichai vẫn quyết tâm ở lại với Google. Ông được đánh giá như “thông dịch viên” của Larry Page khi có thể hiểu được tầm nhìn của nhà đồng sáng lập này và truyền đạt lại cho những thành viên khác. Với những đóng góp cho công ty, Pichai được Page giao cho phụ trách hầu hết các sản phẩm của công ty, bao gồm công cụ tìm kiếm; bản đồ; Google Plus; quảng cáo và cơ sở hạ tầng. Về cơ bản, ông giống như người điều hành công ty cùng Larry Page.

    “Sundar Pichai có khả năng nhìn thấy những gì sắp diễn ra và huy động đội ngũ tập trung vào những điều quan trọng. Tầm nhìn của chúng tôi rất giống nhau khi nói về sản phẩm. Điều đó giúp ông ấy là lựa chọn hoàn hảo cho vai trò này”, Page nói về Pichai.

    Và không có gì ngạc nhiên khi năm 2015, Pichai được bổ nhiệm làm CEO Google.

    Vào tháng 7/2017, Pichai được bổ nhiệm vào ban giám đốc của Alphabet. "Sundar Pichai đã làm rất tốt với tư cách là giám đốc điều hành của Google, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ, quan hệ đối tác và đổi mới sản phẩm. Tôi thực sự thích làm việc với Pichai và tôi rất vui khi ông ấy tham gia hội đồng quản trị của Alphabet", Larry Page chia sẻ tại thời điểm đó.

    Tháng 12/2019, hai nhà đồng sáng lập Larry Page và Sergey Brin tuyên bố từ chức CEO và chủ tịch Alphabet. Sundar Pichai trở thành CEO của tập đoàn có vốn hóa từng vượt 1.000 tỷ USD này. Đổi lại những đóng góp cho Alphabet, Pichai nhận được chế độ đãi ngộ xứng đáng. Ông là một trong những CEO có mức lương thưởng cao nhất thế giới hiện nay.

    Theo báo cáo nộp lên Ủy ban chứng khoán Mỹ hồi tháng 4, ông nhận được 281 triệu USD lương thưởng vào năm ngoái. Lương cơ bản của Pichai là 650.000 USD và có thể được tăng lên 2 triệu USD trong năm 2020.

    Vũ Đậu(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/con-trai-cua-nguoi-phu-nu-hanh-nghe-toc-ky-tro-thanh-mot-trong-nhung-ceo-nhan-luong-cao-nhat-the-gioi-a322615.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan