Đặt tên con là Nguyễn Quang Huy với ý nghĩa ngày mai tươi sáng, chị Lan mong những điều tốt đẹp nhất gắn với người chồng đã khuất sẽ ở mãi với hai mẹ con.
Sáng 12/9, chị Đàm Thị Thu Lan, vợ thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Văn Hưng (quê Thái Bình, chiến đấu viên Tiểu đoàn 18 đặc công) hy sinh trong vụ tai nạn máy bay Mi171 hôm 7/7, đã sinh bé trai nặng 2,8 kg tại khoa Sản, Bệnh viện 108.
Chị Lan sinh thường, sức khỏe hai mẹ con ổn định. Trước đó một ngày, chị được bố mẹ đẻ đưa đến bệnh viện. Mẹ chồng ở quê nghe tin con dâu trở dạ cũng vội vàng lên động viên. Không có chồng bên cạnh, chị Lan được gia đình và các bác sĩ hết lòng động viên.
Đặt tên con trai là Nguyễn Quang Huy với ý nghĩa "ngày mai tươi sáng", chị Lan mong những điều tốt đẹp nhất gắn với người chồng đã khuất sẽ ở mãi với hai mẹ con. Nhìn con trai ngủ ngoan, chị Lan nói: "Ai cũng bảo cháu giống bố từ cái mũi, cái miệng. Sau này lớn lên chắc còn giống nữa...".
Sức khỏe cả hai mẹ con chị Đàm Thị Thu Lan khá ổn định. Ảnh: Hoàng Phương. |
Bé Huy là kết quả tình yêu hơn một năm của hai người. Chị Lan kể, khi biết vợ có bầu, anh Hưng vẫn trêu là thích con gái, bởi vì "các anh trong đơn vị sinh toàn con trai, mình sinh con gái sẽ rất có giá".
Anh Hưng vì nhiệm vụ phải có mặt trong đơn vị, chị Lan làm kế toán một công ty ở Cầu Giấy, hàng ngày đi về nhà mẹ đẻ ở Gia Lâm (Hà Nội). Được ngày nghỉ, hai vợ chồng lại đi xe máy hơn 60 km về thăm bố mẹ già ở Hưng Hà, Thái Bình. Trước ngày xảy ra tai nạn, anh hẹn rằng khi tập huấn xong sẽ đưa chị về quê, nhờ ông bà nội đặt một cái tên thật hay cho con trai sắp chào đời.
Chị tâm sự, nếu anh còn sống hẳn sẽ rất chăm con vì tính anh quý trẻ. Nhà hàng xóm có đứa bé biếng ăn, hay khóc, được anh dỗ dành nó lại chịu ăn, chơi rất ngoan. Ai cũng khen anh gần gũi và khéo léo. Sau ngày anh hy sinh, chị được chuyển công tác về Huyện đội Gia Lâm.
Đồng nghiệp, bạn bè biết tin chị Lan sinh con liền đến thăm và chung vui. Nhìn đứa bé đáng yêu, mọi người trìu mến gọi là "tiểu đặc công". Chị Lan chia sẻ, dù bộ đội vất vả, không có nhiều thời gian cho gia đình, nhưng cả gia đình vẫn mong muốn sau này bé Quang Huy trở thành một người lính giống như cha.
Ngồi lặng nhìn cháu đích tôn, hồi ức về người con trai hiếu thảo, tình cảm lại hiện về qua những giọt nước mắt của bà Thái Thị Tuyến. Anh Hưng là con trai duy nhất trong gia đình, trước anh còn chị gái lấy chồng xa và cô em út đi làm ngoài Hà Nội.
Bà Tuyến nhớ lại, mỗi lần ở đơn vị về nghỉ, anh Hưng không ngại đi mua đồ ăn sáng cho bố, giúp mẹ dọn dẹp đống phế liệu vừa mới cân rồi đi mua rất nhiều thức ăn, vào bếp nấu cơm cho cả nhà. Tối đến, anh lại sang thăm bà ngoại hơn 90 tuổi. Đứa cháu trai 29 tuổi, có vợ con rồi vẫn nằm bên kể chuyện đơn vị cho bà ngoại nghe.
Giọng người mẹ trở nên nghèn nghẹn: "Ở quê yên tĩnh, tai bà lại kém. Mỗi lần Hưng kể chuyện lại phải nói thật to thì bà mới nghe thấy. Hai bà cháu nó nói chuyện gì, nhà sát vách đều nghe thấy. Nó đi rồi, thi thoảng mấy người hàng xóm vẫn nhắc".
Trước ngày gặp nạn, anh Hưng gọi điện về hỏi bố mẹ cấy xong chưa, rồi dặn mẹ nếu mệt thì nhớ thuê người cấy. Trưa 7/7, vợ chồng bà Tuyến chuẩn bị ăn cơm thì nghe tin con trai hy sinh. Ngày làm lễ tang tiễn đưa anh và đồng đội, bà và chị Lan không dám lên nhà tang lễ quốc gia, sợ ngã khụy trước nỗi đau quá lớn.
Từ ngày đó đến nay, nỗi mất mát ấy lúc nào cũng giày xé tâm can người mẹ. Nhìn thấy chị Lan, bà lại nén không khóc nữa để làm chỗ dựa cho con dâu. Bao nhiêu tâm sức giờ đây dành hết vào cháu nội. "Hưng nó ra đi, chỉ để lại cho tôi một nụ cười duy nhất là cháu Huy đây", gạt nước mắt lăn dài, người mẹ tự an ủi mình.
Ngày 7/7, chiếc trực thăng Mi171 chở theo 21 người đã rơi ở Hòa Lạc, thuộc xã Bình Yên (Thạch Thất, Hà Nội) khi đang huấn luyện bay. 16 chiến sĩ hy sinh tại hiện trường, 5 người được chuyển đến Viện Bỏng quốc gia thì đến nay 4 người không qua khỏi. Ngày 11/7, tang lễ tập thể của họ đã được tổ chức theo nghi thức quân đội tại Nhà tang lễ quốc gia. |