Tiểu Linh là một bà mẹ 9X đến từ Trùng Khánh (Trung Quốc). Biết Tiểu Linh sinh con xong bị đau vết mổ, mẹ chồng cô đã không ngại vất vả từ quê lên để chăm sóc con dâu và cháu để con trai yên tam đi làm.
Mẹ chồng Tiểu Linh chăm sóc cháu trai rất chu đáo, không nề hà việc gì. Thấy Tiểu Linh còn bị đau, bà thậm chí dành luôn cả phần dỗ cháu để cô nghỉ ngơi. Tấm lòng của mẹ chồng khiến Tiểu Linh vô cùng cảm kích.
Một điều khiến Tiểu Linh cảm thấy rất kỳ lạ là con trai đang khóc ngằn ngặt trên tay mẹ nhưng chỉ cần bà nội bế, vỗ về đung đưa vài cái đã nín ngay. Nghe Tiểu Linh hỏi bí quyết, mẹ chồng cô liền hướng dẫn ngay cho con dâu cách bế cháu.
Theo mẹ chồng của Tiểu Linh, trẻ con thích đung đưa một chút, càng đung đưa càng thích. Tiểu Linh thấy cách dỗ của mẹ chồng quá hay, lại cho rằng kinh nghiệm của người xưa chắc an toàn nên sau khi hết thời gian ở cữ đã bắt đầu đung đưa ru con ngủ.
Nào ngờ, khi được 8 tháng, một hôm, con trai Tiểu Linh bất ngờ quấy khóc, khó chịu và sốt cao mãi không hạ. Tiểu Linh lo lắng đưa con đến bênh viện thăm khám rồi “rụng rời tay chân” khi nghe bác sĩ kết luận cậu bé bị bại não, nguyên nhân là vì bị rung lắc lâu ngày dẫn đến việc não bị tổn thương.
Mayo Clinic - Trung tâm y tế học thuật phi lợi nhuận của Mỹ cho biết hội chứng rung lắc trẻ nhỏ (Shaken baby syndrome – SBS) là một chấn thương não nghiêm trọng vì trẻ bị lắc với cường độ mạnh.
Hội chứng này còn được biết đến với cái tên tổn thương não lạm dụng (abusive – AHT), là một hội chứng xảy ra chủ yếu với trẻ từ 0 – 3 tuổi, nhiều nhất là từ sơ sinh tới 8 tháng tuổi.
Đây là thời điểm mà đầu em bé chiếm 1/4 trọng lượng cơ thể, cơ cổ rất yếu ớt, chưa chịu được sức nặng của đầu. Não bộ lại chưa phát triển nhiều, còn nằm trôi nổi trong môi trường dịch não tủy bao bọc xung quanh. Thêm vào đó, xương sọ của trẻ mềm, màng não mỏng, giữa não và xương sọ có khoảng trống.
Khi bị rung lắc mạnh, đặc biệt là một số động tác như tung hứng, quay vòng tròn quá mạnh, não của trẻ dễ bị va đập với xương sọ, dẫn đến tình trạng dập não, tăng áp lực, phù não và chảy máu não. Các tĩnh mạch bên ngoài cũng dễ rách, gây chảy máu, tụ máu dưới màng cứng, ngoài màng cứng, dưới màng nhện, tăng áp lực nội sọ, từ đó dẫn tới chấn thương não bộ.
Hậu quả của hội chứng rung lắc khó có thể lường trước. Trẻ có thể bị chậm phát triển tinh thần, giảm khả năng nhận thức, rối loạn hành vi nói và nghe, giảm thị lực hoặc mù lòa, liệt thần kinh, thậm chí khiến trẻ tử vong.
Đinh Kim(T/h)