Thông tin bé trai 13 tuổi được chẩn đoán mắc giang mai đã khiến nhiều người hết sức ngỡ ngàng.
Dấu hiệu của bệnh giang mai - Ảnh: Vnexpress |
Vnexpress đưa tin, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thùy, Trưởng khoa Điều trị da phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da liễu Trung ương chia sẻ về trường hợp cậu bé 13 tuổi ở Hà Nội được chẩn đoán mắc giang mai.
Theo đó, cậu bé được đưa đến bệnh viện Da liễu Trung ương thăm khám sau khi cha mẹ phát hiện con trai có những nốt ban đỏ trên người, không ngứa, có vảy ở bàn tay. Với những dấu hiệu khá điển hình, bác sĩ nghi ngờ trẻ bị mắc bệnh giang mai, tuy nhiên em một mực cho biết chưa từng quan hệ tình dục.
Nhận thấy có sự "nhạy cảm", bác sĩ đã mời phụ huynh ra ngoài để khám và hỏi bệnh. Lúc này cậu bé mới thú thật có quan hệ đồng giới khoảng gần một năm và đã bị lạm dụng tình dục nhiều lần.
Theo bác sĩ Thùy, không ít trẻ ở tuổi vị thành niên mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục. Trước đó, một bé gái 14 tuổi cũng đến bệnh viện khám và phát hiện bị bệnh lậu. Bốn năm qua, số trẻ vị thành niên, thanh niên đến viện khám về các bệnh xã hội gia tăng. Có những cặp đôi cùng dắt tay nhau đến viện thăm khám sau khi phát hiện bệnh.
Theo Vietnamnet, bệnh giang mai do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây nên, lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục, từ mẹ sang con và qua truyền máu. Bệnh không lây qua tiếp xúc như cầm nắm các đồ vật. Nếu phụ nữ mang thai mắc giang mai có thể truyền bệnh cho con gây dị tật, thậm chí tử vong.
Ở giai đoạn đầu bệnh giang mai có thể điều trị khỏi bằng kháng sinh. Tuy nhiên, bệnh có thể tái phát nếu tiếp tục tiếp xúc với vi khuẩn.
Bệnh giang mai được chia làm 3 giai đoạn:
- Giai đoạn 1, thường có các vết chợt hình tròn hoặc bầu dục, không đau trên bộ phận sinh dục, miệng hoặc bề mặt da, xuất hiện sau khoảng 3-4 tuần kể từ khi quan hệ tình dục với người mang bệnh.
- Giai đoạn 2: Bệnh nhân xuất hiện phát ban không ngứa khắp người kèm viêm hạch lan toả, một số trường hợp bị rụng tóc, xuất hiện vết loét như mụn cóc ở miệng, hậu môn và bộ phận sinh dục.
Ở giai đoạn 1 và 2, nhiều người chủ quan không đi khám, khi thấy các vết loét hoặc phát ban tự khỏi nhưng thực tế, vi khuẩn vẫn tồn tại trong cơ thể.
Theo cơ quan Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, vi khuẩn gây bệnh giang mai có thể nằm im trong cơ thể đến 30 năm trước khi chuyển sang giai đoạn 3 gây tổn thương các cơ quan, não.
- Giai đoạn 3: Thường xuất hiện vào năm thứ 3 của bệnh với các biểu hiện tổn thương tim mạch, tổn thương thần kinh gây bại liệt, mất trí nhớ, đau đầu, co giật, giảm thị lực, tổn thương mạch máu, gan, xương, khớp... Khi tổn thương nội tạng, bệnh nhân có thể tử vong.
Quỳnh Chi(T/h)