Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Cape Girardeau ở bang Missouri (Mỹ) hiện đang nuôi nhốt con rắn chuột đen 2 đầu cực quý hiếm. Con vật được một cậu bé tìm thấy trong sân nhà ở thị trấn nhỏ Delta, Mississippi vào năm 2005.
Việc con rắn 2 đầu này sống được tới 17 năm là điều khiến các nhà khoa học vô cùng ngạc nhiên. Trên thực tế, tỷ lệ sống sót của rắn 2 đầu cực kỳ thấp, chỉ khoảng 1/100 triệu. Steve Allain, thành viên hội đồng của Hiệp hội Herpetological của Anh và chuyên gia về rắn cho biết con rắn chuột 2 đầu nói trên là sinh vật độc nhất hiện nay còn sống.
Do có 2 đầu và 2 não bộ nên rắn 2 đầu thường "trống đánh xuôi kèn thổi ngược" khi di chuyển, chỉ phù hợp sống trong điều kiện nuôi nhốt. Khó khăn trong di chuyển khiến loài vật này dễ trở thành miếng mồi ngon cho diều hâu, chồn hôi hoặc gấu trúc đang đói nếu sống trong môi trường tự nhiên.
"Hầu hết các con rắn non dính liền đều chết ngay sau khi sinh. Tuy nhiên, tôi biết trường hợp con rắn 2 đầu khác sống được 20 năm. Có điều, trong tự nhiên chưa từng chứng kiến con rắn 2 đầu nào sống được tới 17 năm”, chuyên gia về rắn Steve Allain tiết lộ.
Chia sẻ về cách cho rắn 2 đầu ăn, Alex Holmes – chuyên gia tại Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Cape Girardeau nói: “Một con rắn bình thường với kích thước như chúng sẽ có thể ăn thịt những con chuột một cách dễ dàng. Tuy nhiên, xương sống dính liền của con rắn 2 đầu khiến việc nuốt tất cả những con chuột non, trừ những con chuột rất nhỏ, trở nên khó khăn hơn".
Alex Holmes giải thích, hai đầu rắn trong một thân hình đều có bản năng cạnh tranh khi ăn uống nên họ phải lấy chiếc cốc uống nước chặn đầu kia của con vật lại. Sau khi cho chiếc đầu bên phải ăn xong một lúc, họ mới tiếp tục cho đầu bên trái ăn nhằm đảm bảo thức ăn đi qua chỗ giao nhau xuống thực quản mà không gặp trở ngại khiến con vật bị “mắc nghẹn”.
"Rắn 2 đầu này có chung một dạ dày nhưng chúng tôi cho ăn cả hai đầu để kích thích bản năng tự nhiên của chúng", Alex Holmes cho hay.
Theo thông tin được đăng tải, rắn 2 đầu được sinh ra khi một trứng cá thể được thụ tinh và bắt đầu phân chia thành các cặp song sinh nhưng không hoàn toàn tách rời. Trong trường hợp này, phôi thai đang phát triển tách ra một phần ở đỉnh nhưng không tách được ở phía dưới.
Đinh Kim(T/h)