Đây là câu chuyện hoàn toàn có thật: Vật bạch tuộc là một môn thể thao phổ biến vào những năm 1960 và thu hút nhiều người xem cũng như tham gia tại Mỹ.
Trên thế giới từng tồn tại ti tỉ môn thể thao chẳng giống ai; tuy nhiên, qua thời gian, các môn thể thao này cũng trở nên mai một vì không phổ biến, chẳng ai chơi, không an toàn mà đôi khi lại đòi hỏi phức tạp.
Trong số các môn thể thao như vậy phải kể tới đọ súng, săn bồ câu, biểu diễn bơi nghệ thuật hay kéo có. Có những môn thể thao thực sự khiến người xem thích thú nhưng độ dị của nó thì chẳng gì bằng và lại quá nguy hiểm cho người chơi. Vật bạch tuộc là một ví dụ. Từng phổ biến ở Mỹ vào những năm 1960, môn thể thao này đã mai một sau đó vì chẳng ai dám chơi...
Một bài báo nhắc tới giải vật bạch tuộc thế giới diễn ra vào năm 1963 tại Mỹ.
Tài liệu đầu tiên nhắc tới môn vật bạch tuộc xuất hiện vào năm 1949, trên tờ tạp chí Mechanic Illustrated. Bài báo mang tên "Vật bạch tuộc là sở thích của tôi" được viết bởi Wilmon Menard. Anh đã có một chuyến đi tới Tahiti, nơi anh cùng một người thợ săn địa phương trong nhóm đã vật nhau với bạch tuộc.
Môn thể thao này đạt đỉnh cao và phổ biến vào những năm 1960, đặc biệt là tại vùng bờ Tây nước Mỹ. Thậm chí, còn có giải thế giới được tổ chức tại Puget Sound, Washington, Mỹ cho các võ sĩ đấu vật bạch tuộc.
Các thợ lặn sẽ phải cố gắng để bắt được bạch tuộc và lôi lên bờ.
Trò chơi khá đơn giản khi các thợ lặn sẽ phải tóm được con bạch tuộc và mang lên bờ. Mỗi đội chơi sẽ có khoảng 2-3 người. Việc bắt bạch tuộc dưới nước rất khó khăn khi đó là môi trường lũ bạch tuộc có thể thoải mái bơi lội và phát huy sức mạnh của mình. Các thợ lặn phải làm sao để tránh được những xúc tu của chúng và lôi lên mặt nước. Với cuộc thi đấu, đội chơi nào bắt được con bạch tuộc lớn nhất sẽ giành chiến thắng.
Cuộc thi này có khoảng 5,000 người theo dõi và được phát trên truyền hình. Phần thưởng được trao cho cả cá nhân và tập thể, người có thể tóm và ghì chặt một con bạch tuộc lớn. Sau đó, những con bạch tuộc sẽ được thả lại biển hoặc đưa đến các thủy cung, hoặc đơn giản hơn là bị giết thịt. Giải đấu vật bạch tuộc lớn nhất thế giới được tổ chức vào tháng 4/1963 tại Tacoma với sự tham gia của 111 thợ lặn. 25 con bạch tuộc Thái Bình Dương lớn đã được bắt trong cuộc chơi ngày hôm đó, trọng lượng lên từ 4 -25kg.
Trò chơi dần mai một vào cuối những năm 1970 khi người chơi không còn hứng thú gì với vật bạch tuộc nữa.