Sống ở Đắk Lắk nhưng Hải lại chọn Quảng Bình là nơi hành nghề cướp giật. Khi thấy phụ nữ đi qua đoạn đường vắng, Hải liền vờ hỏi đường rồi nhanh tay cướp tài sản.
Báo Pháp luật Việt Nam dẫn nguồn tin từ Công an huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, ngày 28/4 cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Lệ Thủy đang tạm giữ Phạm Văn Hải (SN 1989, trú huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk) vì hành vi Cướp giật tài sản.
Cơ quan công an cũng xác định được, Hải là đối tượng nghiện ma túy và có tiền án về tội Trộm cắp tài sản.
Đối tượng Hải và tang vật (Ảnh: Công an cung cấp) |
Theo tin tức đăng tải trên báo Dân Trí, Phạm Văn Hải khai nhận, vào ngày 23/4, đối tượng này bắt xe từ Đắk Lắk ra huyện Lệ Thủy, Quảng Bình với ý định tìm những đoạn đường vắng, ít người qua lại để phục kích, cướp tài sản, nhất là các chị em phụ nữ đi một mình.
Vào khoảng 16h ngày 24/4, khi phát hiện chị Ngô Thị Hà (trú tại xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy) đang là nhân viên kế toán tại Lâm trường Kiến Giang đi làm về qua tỉnh lộ 565 (đoạn qua xã Mai Thủy), Hải đã chạy theo giả vờ hỏi đường. Linh tính có điều không hay, chị Hà không trả lời mà phóng xe nhanh hơn.
Một lúc sau, Hải tiếp tục áp sát chị Hà rồi đạp vào xe chị Hà khiến chị ngã xuống đường rồi dùng dao dí vào cổ và buộc chị phải đi theo hắn vào khu vực rừng thông. Lục soát người thấy chị Hà không có tiền nên đối tượng đã cướp điện thoại và giật sợi dây chuyền rồi bỏ đi.
Khi đối tượng đi khỏi, chị Hà chạy ra đường và đến trình báo với Công an huyện Lệ Thủy. Qua quá trình điều tra, xác minh, công an huyện này đã bắt giữ nghi can Phạm Văn Hải.
Tại cơ quan công an, Hải đã khai nhận hành vi của mình, đối tượng cũng cho biết số tài sản cướp được từ chị Hà đã mang bán với giá 2,5 triệu đồng rồi mua ma túy sử dụng.
Điều 136. Tội cướp giật tài sản (luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009): 1. Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Dùng thủ đoạn nguy hiểm; đ) Hành hung để tẩu thoát; e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%; g) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; h) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%; b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người; b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)