+Aa-
    Zalo

    “Con kiến kiện củ khoai” và chuyện một phiên tòa phúc thẩm

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Đại diện nguyên đơn cho rằng, việc tòa phúc thẩm giữ nguyên phán quyết của tòa sơ thẩm là thiếu tính toàn diện, chưa thực khách quan.

    (ĐSPL) - Đại diện nguyên đơn cho rằng, việc tòa Phúc thẩm giữ nguyên phán quyết của Tòa sơ thẩm (vốn dĩ là một phán quyết chưa đúng bản chất sự việc và vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng) là thiếu tính toàn diện, chưa thực khách quan. 

    "Con kiến" liệu có kiện được "củ khoai"?

    Ngày 01/9 vừa qua, TAND tỉnh Hà Tĩnh đã mở phiên xét xử Phúc thẩm vụ tranh chấp đất đai giữa nguyên đơn Nguyễn Thị Phiên (sinh năm 1940) và bị đơn Bạch Thị Huê (sinh năm 1960), cùng trú tại xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh.

    Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật trước thời điểm diễn ra phiên xét xử, ông Nguyễn Văn Ngụ (sinh năm 1947 – em trai, đồng thời là người đại diện ủy quyền bên nguyên đơn) cho biết, tại bản án sơ thẩm ngày 19/6/2015, TAND huyện Nghi Xuân đã tuyên bác yêu cầu khởi kiện của bà Phiên (chị gái ông) về việc trả lại đất, bác yêu cầu của bà Phiên về việc yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Văn Cư vào năm 1987. Ông cho rằng bản án của tòa án huyện Nghi Xuân đã không phản ánh đúng bản chất của sự việc. Do vậy, trong phiên Phúc thẩm lần này, ông hy vọng hội đồng xét xử có thể đưa ra phán xét khách quan, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho chị gái ông.

    Còn bà Huê lại khẳng định, thời điểm chồng bà (là ông Nguyễn Văn Cư) mất, gia đình bà cũng bị mất một số giấy tờ, trong đó có giấy tờ mua bán đất. Lúc đó bà nghĩ rằng gia đình đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên giấy tờ mua bán đó cũng không quan trọng nữa. Do đó, bà đã không trình báo với công an. Đến thời điểm này, bà không hiểu tại sao giấy tờ đó lại nằm trong tay bà Phiên và xảy ra việc tranh chấp này.

    Theo hồ sơ cáo trạng, ngày 02/6/1984, gia đình bà Phiên mua một thửa đất rộng khoảng 780m2 của vợ chồng ông Nguyễn Khôi và bà Trần Thị Niên, trên thửa đất có một ngôi nhà ba gian. Giấy biên nhượng nhà đất đã được UBND xã Xuân Hồng xác nhận.

    Cuối năm 1985, gia đình bà cho con trai trưởng là Thiều Văn Chắt (tên thường gọi là Fú) sinh sống tại nhà đất nói trên. Đến cuối năm 1987, vợ anh Chắt  bị đau ốm thường xuyên, không có người chăm sóc nên gia đình anh chuyển về ở với bố mẹ đẻ. Tuy nhiên, anh Chắt được UBND xã Xuân Hồng  xác nhận đứng tên trong bản đồ thửa đất số 153, tờ bản đồ số 1 với tên Fú (theo danh mục địa chính).

    Năm 1987, em trai bà là ông Nguyễn Văn Cư xuất ngũ, trở về địa phương nhưng không có chỗ ở nên gia đình bà đã cho vợ chồng người em trai mượn tạm ngôi nhà ba gian trên thửa đất và một phần mảnh vườn trên để sinh sống, làm ăn. Tuy nhiên, do nhà bị mối mọt nên chỉ một thời gian sau, ông Cư (và vợ là bà Bạch Thị Huê) đã trả lại chỗ nhà đất trên cho vợ chồng anh chị, chỉ mượn tạm một phần đất phía Tây Nam để dựng một căn nhà cấp 4 (rộng khoảng 15m2) làm nơi bán quán, sửa chữa xe đạp.

    Cách đây 2 năm, ngày 13/3/2013, khi đoàn cán bộ địa chính của xã Xuân Hồng đến đo đạc đất thổ cư, gia đình bà mới phát hiện ra 300m2 đất của gia đình bà đã được chính quyền cấp sổ đỏ cho hai ông bà Nguyễn Văn Cư và Bạch Thị Huê. Bà Huê còn cho rằng, ngoài 300m2 đã được cấp sổ đỏ thì toàn bộ đất vườn chưa được sử dụng cũng thuộc sở hữu của bà này.

    Ông Nguyễn Văn Ngụ và chị gái Nguyễn Thị Phiên thời điểm chuẩn trước khi diễn ra phiên tòa Phúc thẩm

    Trong khi đó, theo chia sẻ của bà Huê, thửa đất này là do vợ chồng bà nhờ bà Phiên mua hộ. Cả  gia đình bà vốn dĩ sinh sống ổn định trên thửa đất đã gần 30 năm, được nhà nước cấp quyền sử dụng đất. Từ đó tới nay gia đình bà vẫn thực hiện nghĩa vụ đóng thuế đầy đủ đối với thửa đất. Xảy ra  vụ tranh chấp này có thể do mối quan hệ của bà với gia đình chồng lâu nay không được suôn sẻ.

    Còn anh trai của ông Cư (là ông Nguyễn Văn Ngụ) xác nhận: Quá trình sử dụng đất cũng thể hiện rõ, bà Phiên để các con bà ra sinh sống từ năm 1985 đến năm 1987. Điều này được khẳng định trong số mục kê và bản đồ 299, tại thửa đất số 153 tờ bản đồ số 1 của UBND huyện Nghi Xuân năm 1986 đã thể hiện tên anh Fú (Thiều Văn Chắt) sử dụng với diện tích là 288m2. Ngoài ra, anh Thiều Văn Thắng (con trai khác của bà Phiên) còn dựng nhà và sinh sống ổn định trên một phần thửa đất 153 được bà Phiên cho, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 1987.

    “Tại phiên xét xử sơ thẩm về vụ tranh chấp, TAND huyện Nghi Xuân đã bác yêu cầu khởi kiện của chị tôi (bà Phiên). Bức xúc vì không đòi được quyền lợi chính đáng, chị tôi đã kháng nghị phúc thẩm nên mới có phiên tòa xét xử lần này” – ông Ngụ cho hay.

    Sau phiên xét xử, tòa phúc thẩm đưa ra phán quyết cuối cùng là giữ nguyên kết quả xét xử tại phiên sơ thẩm. Điều đó đồng nghĩa với việc yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà bà Phiên đưa ra trước đó đã không được chấp nhận. 

    Phiên xét xử Phúc thẩm gây nhiều ý kiến bất bình tại TAND tỉnh Hà Tĩnh

    Phán quyết này một lần nữa lại để dấy lên trong dư luận nhiều băn khoăn, thậm chí có những thái độ thể hiện rõ sự bất bình. Tâm lý chung ám ảnh bên nguyên đơn và dư luận chính là việc “con kiến” sẽ khó có thể kiện được “củ khoai”. Hay nói cách khác, việc người dân kiện và yêu cầu Tòa tuyên hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của một UBND dường như vẫn là điều còn khá xa vời với trong thực tiễn xét xử hiện nay tại nhiều địa phương. 

    Lời kể của người trong cuộc về lý do “con kiến” thua “củ khoai”

    Nhận định về vụ tranh chấp, Luật sư  Nguyễn Minh Long - Giám đốc Công ty Luật DRAGON, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội – người bảo vệ quyền lợi cho bên nguyên cho rằng, việc UBND huyện Nghi Xuân và UBND xã Xuân Hồng cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không theo quy trình là căn nguyên của việc chị em bà Phiên và bà Huê lâm vào hoàn cảnh trên.  

    Cụ thể, Điều 2 Luật Đất đai năm 1993 ghi rõ, người sử dụng đất ổn định được UBND cấp xã, phường, thị trấn xác nhận thì được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong trường hợp này, lẽ ra UBND huyện Nghi Xuân phải dựa vào đơn xác nhận của UBND xã Xuân Hồng và tờ khai xin cấp đất của ông Cư. Sau khi xét thấy 2 giấy tờ trên đều hợp lệ thì mới được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 

    Tuy nhiên, UBND huyện Nghi Xuân chỉ dựa vào tờ khai xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Cư do UBND xã Xuân Hồng cung cấp, không qua xác minh nguồn gốc đất mà đã tự động cấp sổ đỏ cho ông Cư là hoàn toàn trái quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, UBND huyện Nghi Xuân khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dựa theo bản tự kê khai của ông Nguyễn Văn Cư, nhưng hồ sơ của UBND xã Xuân Hồng đưa lên trong danh sách lại không hề có tên ông này. Đây cũng là một trong những tình tiết cần được làm sáng tỏ.

    “Trong quá trình tranh chấp, bà Huê cho rằng toàn bộ mảnh đất này là của gia đình bà. Chính vì vậy, khi bà Phiên cho 2 con trai một phần đất trong thửa 153 mà gia đình bà Huê lại không có ý kiến gì cũng là một tình huống khó hiểu. Vì trong khi có người lạ sử dụng đất của mình rồi đem chia cho những người khác, "chủ sở hữu thực sự" liệu có để yên mọi chuyện? Và do đó, kết luận thửa đất tranh chấp thuộc về bà Huê liệu có phải  là phán quyết quá vội vàng” – Luật sư Long nêu tình huống.

    Cũng theo Luật sư Long, TAND huyện Nghi Xuân đã vi phạm nghiêm trọng về việc thay đổi thành phần hội đồng xét xử. Cụ thể: Trong quyết định đưa vụ án ra xét xử số 07/2014/QĐXX ngày 12/12/2014, thành phần Hội đồng xét xử gồm: Thẩm phán Bùi Quốc Đông, 2 Hội thẩm nhân dân là Nguyễn Việt Dũng và Trần Quốc Hai. Tuy nhiên, trong phiên xét xử Sơ thẩm, ông Nguyễn Trọng Khiêm đã xuất hiện thay thế ông Nguyễn Việt Dũng nhưng phía tòa án lại không ra quyết định thay đổi.

    Điều này là vi phạm Khoản 2 Điều 51 Bộ luật Tố tụng Dân sự và Khoản 2 Điều 15 NQ 03/2012/HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao, cụ thể: "Nếu thay đổi thành viên HĐXX thì phải công bố ngay tại phiên tòa; vi phạm Khoản 2 Điều 277 Bộ luật Tố tụng Dân sự: "Thành phần Hội đồng xét xử không đúng quy định của Luật này hoặc có vi phạm nghiêm trọng khác về tố tụng".

    Ngoài ra, TAND huyện Nghi Xuân chỉ căn cứ vào lời khai để xác định bà Phiên đứng ra mua đất hộ bà Huê là không khách quan, toàn diện, đầy đủ và chính xác. Cụ thể, theo Khoản 2, Khoản 4 Điều 79 của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2004 được bổ sung, sửa đổi năm 2011, "Đương sự phản đối yêu cầu của người khác đối với mình thì phải chứng minh được sự phản đối đó là có căn cứ và phải đưa ra chứng cứ để chứng minh. 

    Tuy nhiên, trong vụ việc trên, bà Huê không thừa nhận giấy biên nhượng của bà Phiên và một mực khẳng định nhờ bà Phiên mua hộ đất nhưng bản thân bà Huê lại không đưa ra được chứng cứ chứng minh việc này. Giấy xác nhận của ông Thiều Phong được tòa đưa ra làm chứng cứ để củng cố cho lời khai của bà Huê hoàn toàn không có giá trị pháp lý vì ông Thiều Phong đã có đơn xin rút giấy xác nhận. Vì vậy, việc tòa chỉ dựa vào lời khai của bà Huê mà kết luận bà này đã nhờ bà Phiên mua đất là không có căn cứ pháp luật, sai về quy định trong tố tụng. Do đó, việc tòa Phúc thẩm giữ nguyên phán quyết của tòa Sơ thẩm là thiếu tính toàn diện, chưa phản ánh đúng bản chất sự việc.

    Bày tỏ quan điểm sau kết luận của hội đồng xét xử Sơ thẩm và Phúc thẩm, ông Nguyễn Văn Ngụ cho rằng, cả hai phiên tòa đều xét xử thiếu công tâm khi bỏ qua các chứng cứ bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn. Chính vì vậy, phía nguyên đơn sẽ tiếp tục kháng nghị giám đốc thẩm để đòi lại sự công bằng.

    (Còn nữa)

    Vũ Đậu

    Kỳ sau: Vụ "con kiến kiện củ khoai" tại Hà Tĩnh: Hậu quả pháp lý của việc cấp sổ đỏ sai quy trình.

    [mecloud]jJtgdaFhIJ[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/con-kien-kien-cu-khoai-va-chuyen-mot-phien-toa-phuc-tham-a112574.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.