(ĐSPL) - Hôm 12/12, tiếp viên trưởng bị con gái Tổng giám đốc hãng hàng không Korean Air Lines (KAL) đuổi khỏi chuyến bay New York - Seoul đã lên tiếng cho biết, ông bị cô này sỉ nhục, bắt quỳ xuống xin lỗi vì một tiếp viên trong đội phục vụ món ăn sai ý.
Vụ việc xảy ra trên chuyến bay New York- Seoul ngày 5/12 khi máy bay sắp cất cánh từ sân bay quốc tế F.Kennedy ở Mỹ. Cô Cho Hyun Ah, con gái của Tổng giám đốc tập đoàn KAL khi đó đang ngồi trong khoang hạng nhất và yêu cầu được phục vụ hạt macadamia (mắc-ca) để trên đĩa, nhưng khi cô tiếp viên mang ra thì hạt lại được đựng trong gói giấy.
Cho Hyun Ah lập tức khiển trách tiếp viên trưởng của chuyến bay - ông Park Chang-jin và đuổi ông khỏi máy bay vì cho rằng không đủ phẩm chất hoàn thành công việc. Do Cho Hyun Ah nằng nặc đòi đuổi ông Park nên dù máy bay sắp cất cánh, phi công vẫn phải đưa máy bay trở lại cổng xuất phát. Kết quả, máy bay này đáp xuống sân bay Incheon trễ 11 phút so với lịch trình. Sự việc khiến dư luận Hàn Quốc hết sức phẫn nộ.
Video tham khảo:
Nữ hành khách hành hung, xé áo nam tiếp viên hàng không
Sau nhiều ngày giữ im lặng, ông Park Chang Jin, vị tiếp viên trưởng bị đuổi khỏi máy bay cuối cùng đã lên tiếng phát biểu trên kênh truyền hình KBS tối 12/12. Theo lời kể của ông, Cho Hyun Ah đã nói: "Hãy lập tức liên hệ đài kiểm soát để ngừng máy bay, tôi sẽ không để chiếc máy bay này đi". Trong tình huống đó, ông không dám cãi lại con gái của chủ tập đoàn hàng không mà mình đang làm việc.
Ông Park còn nói rằng Cho Hyun Ah đã chửi tục, bắt ông quỳ gối xin lỗi, dùng bìa hồ sơ gõ vào mu bàn tay khi ông này đang quỳ. Được biết, cơ quan chức năng Hàn Quốc vẫn đang tiếp tục điều tra vụ việc này.
Luật ta: Bà Cho Hyun Ah có dấu hiệu làm nhục người khác
Hành động chửi tục, bắt ông Park Chang Jin quỳ gối xin lỗi, dùng bìa hồ sơ gõ vào mu bàn tay khi ông này đang quỳ của bà Cho Hyun Ah đã có dấu hiệu của tội làm nhục người khác. Tuy nhiên, Cơ quan điều tra sẽ phải xác minh để thẩm định tính đúng sai từ những lời tố cáo của ông Park để xác định tội danh.
Theo Điều 121 BLHS, làm nhục người khác là hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của con người. Người phạm tội phải là người có hành vi (bằng lời nói hoặc hành động) xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, như: Lăng mạ, chửi rủa thậm tệ, cạo đầu, cắt tóc, lột quần áo giữa đám đông... Để làm nhục người khác, người phạm tội có thể có những hành vi vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực như bắt trói, tra khảo, vật lộn, đấm đá hoặc dùng phương tiện nguy hiểm khống chế, đe dọa, buộc người bị hại phải làm theo ý muốn của mình.
Trong cuộc sống thường xảy ra nhiều hành vi có tính chất làm nhục người khác nhưng chỉ coi là tội làm nhục người khác khi hành vi đó xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của nạn nhân. Nếu chỉ là những lời lẽ, hành động có tính chất thiếu văn hóa như chửi rủa nhau ở đám đông, đổ nước bẩn vào nhau hoặc trong quán nhậu cãi nhau rồi hắt bia, rượu vào mặt nhau thì không phải là tội phạm, mà tùy trường hợp có thể bị xử phạt hành chính. Thế nên, với hành vi được quy định tại khoản 1 của điều này, người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi người bị hại có yêu cầu khởi tố hình sự.
Trở lại với vụ việc trên, hành vi của bà Cho Hyun Ah đã có dấu hiệu phạm tội này. Sau khi nhận được tố cáo của ông Park, Cơ quan điều tra sẽ thẩm tra lời khai của ông cũng như các nhân chứng trên chuyến bay để xác minh tính đúng sai. Nếu hành động trên là đúng và mức độ nghiêm trọng, Cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án theo trình tự pháp luật.