Thấy con thường xuyên nghịch điện thoại, có nhiều biểu hiện lạ, gia đình quyết định cắt mạng internet không ngờ con gái lại có hành động phản kháng mạnh. Thậm chí gia đình phải đánh thuốc mê rồi chuyển con gái xuống Bệnh viện Tâm thần Trung ương I.
Theo Tiến sĩ Tô Thanh Phương, Trưởng khoa Cấp tính nữ - Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I cho biết, mới đây, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho một trường hợp khá đặc biệt, khi bố mẹ phải đánh thuốc mê để đưa con đến viện.
Anh N.M.L (SN 1975, ở Hà Nội) bố đẻ của bệnh nhân N.T.T.H (SN 2000) chia sẻ, vốn H. là học sinh giỏi nhiều năm liền, đạt các giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.
Tuy nhiên, bắt đầu năm học lớp 12 H. chểnh mảng việc học, lực học sa sút, đặc biệt H. hình thành nhiều thói quen lạ như hay lủi thủi một mình, thường xuyên đóng kín cửa phòng, ít giao tiếp với người khác kể cả bố mẹ trong gia đình.
‘Vào ngày 20/11/2017, bạn của con gái tôi đến rủ lên nhà cô chủ nhiệm chơi nhưng cháu nhất quyết không đi. Tôi cứ nghĩ cháu bận việc gì nhưng khi lên xem thì thấy cháu nhốt mình trong phòng xem điện thoại’, anh L. kể.
Sau đó, đến giữa tháng 12/2017, anh L. phát hiện con trốn học ở nhà. Khi vào phòng kiểm tra, anh chỉ thấy con chơi điện thoại chứ không có việc riêng gì.
Khuyên bảo con không nghe lời, anh L. và vợ bàn cách cắt mạng internet trong gia đình. Lúc này H. mới bắt đầu có những biểu hiện bất thường mà chính bố và mẹ cũng không ngờ tới.
‘Khi cắt mạng, cháu phản ứng gay gắt lắm như kiểu bị điên vậy. Cháu đập phá đồ đạc trong nhà, chửi mắng và có hành động chống lại bố mẹ. Lo lắng cho con vợ chồng tôi mời bác sĩ tâm lý đến nhà thăm khám nhưng cháu không hợp tác’, anh L. nói.
Theo anh L., sau đó gia đình anh phải đánh thuốc mê rồi chuyển con gái xuống Bệnh viện Tâm thần Trung ương I.
TS Tô Thanh Phương cho biết, hiện cháu H. đang điều trị theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế với bệnh nhân trầm cảm. Thời gian đầu cháu chưa hợp tác trong điều trị, vì thế ngoài dùng thuốc, gia đình cần phải nhẹ nhàng động viện, chăm sóc cháu.
Phân tích cơ chế dẫn đến trầm cảm khi nghiện game, facebook…BS Phương cho biết, đa số người bệnh khi nghiện đều chỉ thích chơi với duy nhất chiếc điện thoại, xa lánh với thế giới xung quanh, lâu dần mắc bệnh.
Mỹ An (T/h)