Theo lời kể của một người mẹ giấu tên ở Trung Quốc rằng, khi đón con gái từ trường mẫu giáo về, cô bé nói mình đói bụng và muốn ăn thứ gì đó. Người mẹ nói con gái hãy cố chịu một chút, dù sao lát nữa về tới nhà sẽ ăn tối.
Thế nhưng, cô bé nói mình rất đói nên nằng nặc đòi mẹ mua đồ ăn. Tình cờ đi ngang qua một tiệm bán bánh, ở đây bán loại bánh giá 1 tệ/cái (3,5 nghìn đồng). Cô bé liếc nhìn tiệm bánh và nhận thấy đây là loại bánh mẹ hay mua cho mình ăn. Nhưng ngày thường cô bé cũng hay ăn món này rồi và mùi vị cũng không ngon lắm nên nhất quyết không ăn.
Thấy con gái kiên quyết không chịu ăn bánh mì, mẹ hỏi con muốn ăn gì, cô bé nhìn cánh gà sốt mật ong bán cạnh tiệm bánh mì thì nói mình muốn ăn món này. Người mẹ nghe xong bước vào cửa hàng, nhìn giá 1 miếng cánh gà sốt mật ong là 8 tệ/cái (26 nghìn đồng). Bất lực vì con gái cứ đòi ăn, người mẹ đành mua 2 miếng.
Mặc dù trong lòng có chút miễn cưỡng nhưng thấy không dễ dàng từ chối yêu cầu của con gái ở nơi công cộng, người mẹ cắn răng trả 16 tệ (52 nghìn nghìn đồng).
Sau khi về nhà, cô không ngừng nghĩ đến chuyện đó, càng nghĩ càng cảm thấy khó chịu. Theo cô, chẳng qua là để lấp đầy cái bụng đói, bánh mì giá 1 tệ cũng giải quyết được rồi, tại sao con cô lại phải ăn cánh gà sốt mật ong đắt tiền như vậy, tốn kém tới 16 tệ.
Cô không hiểu tại sao con gái mình lại phải ăn uống trên đường về sau khi ăn 3 bữa ở trường mẫu giáo. Càng nghĩ càng khó chịu nên người mẹ nói với con gái: “Con ở trường nhớ ăn uống đầy đủ, về nhà đừng có tốn tiền mua đồ linh tinh như hôm nay. Không thể để lãng phí tiền như thế này được”.
Người mẹ còn nói thêm: “Mới nuôi có một đứa mà đã tiêu tiền như thế này rồi, làm sao nuôi nổi 2 đứa”.
Nuôi 2 đứa con quả thực không hề dễ dàng, nhưng vì phải nuôi đứa thứ 2 nên việc yêu cầu con gái chỉ ăn 1 miếng bánh mì giá 1 tệ khi đói có phải quá đáng không? Lời phàn nàn của cô đã thu hút vô số cư dân mạng thảo luận sôi nổi:
“16 tệ mà lại khiến cho người mẹ bức xúc và khó chịu đến vậy sao?”.
“Cô đừng có mua cánh gà hay bánh mì cho con gái nữa, bắt nó về nhà ăn cơm nguội là tiết kiệm nhất”.
“Nếu không có tiền thì đừng sinh con. Con gái cô ăn vào bụng chứ đâu phải ném tiền đi đâu. Nghe cô kể mà tôi thấy tức giận thay”.
Người mẹ này nói con gái mình phung phí tiền chỉ vì vài miếng cánh gà. Điều này có thể tưởng tương được rằng, trong cuộc sống hằng ngày, cô hiếm khi đáp ứng các yêu cầu của con gái dù có hợp lý đi chăng nữa.
Người mẹ này có thể đã dặn dò con gái rằng, điều kiện gia đình không tốt, không nên tiêu tiền bừa bãi, phải biết tiết kiệm. Nếu mọi chuyện cứ tiếp diễn như vậy, cô gái nhỏ chắc chắn sẽ có cảm giác mình không xứng đáng, thậm chí còn có cảm giác rằng mình không đáng được ăn ngon. Theo thời gian, nó sẽ phát triển thành mặc cảm nội tâm và hèn nhát.
Loại mặc cảm được hình thành từ thời thơ ấu này sẽ đi cùng cô bé suốt cuộc đời. Cô bé có thể mất cả đời để chữa lành sự mất mát do tuổi thơ này gây ra.
Ảnh hưởng của người mẹ đối với con cái rất lớn. Nếu không thể cho con mình sự đảm bảo tối thiểu về cuộc sống và một môi trường sống tốt cho con, thay vì khiến con đau khổ suốt quãng đời còn lại, tốt hơn hết cha mẹ nên suy nghĩ kỹ trước khi quyết định sinh con.
Trẻ em không thể lựa chọn có nên đến thế giới này hay không nhưng bạn thì có thể.
PHAN HẰNG (Theo QQ)