Theo thông tin được chia sẻ, sự việc xảy ra tại huyện Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc). Bé gái 7 tuổi không may bị nghẹn trong lúc đang ăn kẹo. Phát hiện con bị hóc nghẹn, khó thở, người bố nhanh chóng sử dụng phương pháp Heimlich để sơ cứu.
Cụ thể, người bố bế con gái từ đằng sau, ôm chặt lấy bụng của cô bé. Rất may, chỉ 7 giây sau đó, viên kẹo mắc trong cổ họng bé gái 7 tuổi tự bật ra.
Người bố chia sẻ, cách đây vài năm, anh từng chứng kiến một đứa trẻ bị mắc nghẹn miếng thịt bò trong cổ họng được sơ cứu theo phương pháp Heimlich. Vì thế, khi thấy con gái gặp nguy hiểm, anh đã lập tức nghĩ ra cách đó để cứu con.
Trẻ em còn nhỏ tuổi nên rất hiếu động, chưa ý thức được những nguy hiểm tiềm ẩn. Nhiều bé thường vừa đùa nghịch, vừa ăn các đồ cứng như bánh, kẹo nên rất dễ bị hóc, nghẹn, có thể dẫn đến ngạt thở hoặc tử vong.
Trong trường hợp phát hiện con bị hóc nghẹn, bố mẹ tuyệt đối không được hoảng loạn, thay vào đó cần giữ bình tĩnh, gọi ngay xe cấp cứu, đồng thời thực hiện các thủ thuật cứu hộ trong thời gian đợi bác sĩ đến. Bố mẹ lưu ý không cố gắng móc dị vật ở cổ họng trẻ ra bằng tay vì có thể vô tình đẩy dị vật vào sâu bên trong.
Một số phương pháp sơ cứu có thể áp dụng với trẻ dưới 1 tuổi
- Đặt đứa trẻ nằm sấp trên cánh tay, nghiêng đầu trẻ cho mặt hướng xuống dưới, sau đó vỗ 5 lần vào phần lưng phía gần vai của trẻ để đẩy vật bị nghẹn bên trong ra khỏi miệng.
- Đặt trẻ ở tư thế nằm ngửa, dáng người nghiêng, đầu hướng xuống phía dưới. Tiếp đó, nhấn ngón giữa và ngón trỏ của bạn vào dưới lồng sườn 5 lần.
Các phương pháp sơ cứu đối với trẻ trên 1 tuổi
- Dùng tay đỡ đứa trẻ ngả người về phía trước, để tay và chân trẻ tự do. Vỗ liên tục vào giữa bả vai, đồng thời nhấn nhanh và mạnh khoảng 5 lần.
- Xoay người trẻ hướng lưng vào ngực bạn, quỳ xuống ngồi ở ngang tầm trẻ, vòng hai tay ra phía trước ngực của trẻ rồi nắm thành nắm đấm, tay này đặt lên tay kia, sau đó tiến hành ấn mạnh khoảng 5 lần vào vị trí giữa sườn và rốn, theo phương pháp từ dưới lên. Thực hiện cho tới khi vật thể mắc trong họng trẻ bị đẩy ra ngoài.
- Nếu trẻ nằm xuống thì hãy đặt bé nằm ngửa, ngồi xuống ngang với phần đầu của trẻ, đặt hai tay lên hông của trẻ rồi ấn mạnh ở phía dưới ngực, chuyển động theo hướng trượt về phía đầu. Lặp lại liên tục cho tới khi dị vật được đẩy ra ngoài.
- Trong trường hợp thực hiện các phương pháp trên nhưng trẻ không hồi phục hoặc mất ý thức sau khi đã loại bỏ dị vật, bạn cần thực hiện hô hấp nhân tạo hoặc xoa bóp tim gián tiếp.
Để hạn chế tối đa nguy cơ trẻ bị hóc nghẹn, bố mẹ và người chăm sóc cần thực hiện những việc sau:
- Luôn quan sát và theo dõi con, không cho con cầm những vật nhỏ, có thể cho vào miệng;
- Không để con chơi với những đồ chơi có mảnh ghép nhỏ;
- Đối với các loại quả có hạt, cần loại bỏ hạt trước khi cho con ăn;
- Xay thức ăn thật kỹ;
- Dạy trẻ không cười đùa, nói chuyện trong lúc đang ăn;
- Không cho con ăn nhiều thức ăn trong miệng cùng một lúc;
- Trong lúc trẻ đang ăn, bố mẹ và người chăm sóc không đùa giỡn hoặc khiến trẻ mất tập trung.
Đinh Kim(T/h)