+Aa-
    Zalo

    [E] Con gái 2 lần hiến tạng cứu người mẹ mắc bệnh thận

    (ĐS&PL) - Nữ y tá Jennifer Stasieluk đã hiến một phần lá gan và một quả thận của mình để cứu người mẹ mắc bệnh thận.

    Con gái 2 lần hiến tạng cứu người mẹ mắc bệnh thận

    Đinh Kim

    Nữ y tá Jennifer Stasieluk đã hiến một phần lá gan và một quả thận của mình để cứu người mẹ mắc bệnh thận.

    Sẵn sàng hiến gan bất chấp mẹ phản đối

    Theo CNN, bà Marzena Stasieluk được chẩn đoán mắc bệnh thận vào năm 2015 và phải chạy thận nhân tạo. Sau quá trình chạy thận đầy mệt mỏi, hiện tại người phụ nữ cần được thay một quả thận mới.

    Tuy nhiên, để ca ghép thận thành công, trước tiên bà cần trải qua phẫu thuật ghép gan. Bệnh gan của người phụ nữ đã được kiểm soát trong hơn 10 năm nhưng tình hình chuyển biến xấu dần trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát.

    Gia đình bà Marzena cho biết bệnh tình không tệ đến mức bà sẽ được ưu tiên nhận gan từ một người hiến tặng đã qua đời. Thế nhưng, nó đủ tệ để khiến ca phẫu thuật ghép thận của bà thất bại.

    Jennifer Stasieluk (29 tuổi, con gái bà Marzena) là một y tá, đã chăm sóc bệnh nhân trong những thời điểm khó khăn nhất. Cô sẵn sàng hiến một quả thận cho mẹ và cả hai đã trải qua các đợt kiểm tra, đáng tiếc kết quả không như ý.

    Mặc dù cả hai có cùng nhóm máu nhưng bà Marzena lại nằm trong nhóm bệnh nhân được gọi là “rất nhạy cảm”. Người phụ nữ có lượng lớn kháng thể chống lại các mô ngoại lai, một yếu tố làm tăng khả năng đào thải khi ghép tạng, đồng thời khiến việc tìm kiếm tạng phù hợp trở nên khó khăn hơn nhiều.

    “Mẹ tôi cần một lá gan mới để có thể ghép thận. Tuy nhiên, tình trạng bệnh gan của bà chưa đủ nghiêm trọng để được ưu tiên”, Jennifer nhớ lại. Vào tháng 1/2020, cuộc hẹn với phòng khám Mayo Clinic (Rochester, bang Minnesota, Mỹ) đã mở ra hy vọng mới. Cụ thể, các bác sĩ gợi ý bà Marzena có thể nhận một phần gan từ một người hiến tặng còn sống.

    Bất chấp sự phản đối của mẹ, Jennifer đã đi kiểm tra để hiến gan cho bà. Lần này, kết quả khả quan hơn. “Tôi mở tung cửa nhà mẹ vào buổi sáng khi nhận được cuộc gọi thông báo tôi là người phù hợp để hiến gan. Tôi nói ‘Mẹ ơi, con là người phù hợp. Sắp xếp hành lý của mẹ đi, cuộc phẫu thuật sẽ diễn ra trong 6 tuần nữa’”, cô gái 29 tuổi cho hay.

    Ngày 25/6/2021, Jennifer đã hiến một thùy gan cho mẹ. Sau đó, cô trải qua 5 ngày hồi phục trong bệnh viện, còn bà Marzena mất 11 ngày. Được biết, với người cho và người nhận còn sống, gan có khả năng tái tạo chỉ trong vài tuần.

    Sau ca ghép gan, bà Marzena vẫn phải tiếp tục chạy thận nhân tạo và luôn khao khát có một cuộc sống bình thường. “Việc đó quá tệ. Bạn ngồi đó 3 ngày một tuần, trong hơn 3 tiếng. Các con và cháu của tôi là cả thế giới. Đó là động lực thúc đẩy tôi chiến đấu trong thời gian dài. Tôi không muốn con cháu phải chịu đựng nỗi đau khi tôi rời đi”, người phụ nữ nói.

    Điều kỳ diệu sau ca phẫu thuật ghép gan

    Hồi phục sau khi hiến gan cho mẹ, Jennifer lại chuẩn bị hiến thận cho một người lạ như một phần của hiến tặng theo cặp. Trong quy trình này, thận của người hiến tặng còn sống được hoán đổi để những bệnh nhân như bà Marzena nhận được cơ quan tương thích nhất.

    Cô gái được thử máu và làm các xét nghiệm khác để chuẩn bị cho việc hiến thận. Tuy nhiên, điều bất ngờ đã xảy ra. Do ảnh hưởng của phần gan hiến tặng đối với hệ thống miễn dịch của bà Marzena, giờ đây, Jennifer có thể tiếp tục hiến một quả thận cho mẹ.

    Jennifer chia sẻ: “Chúng tôi chưa từng nghĩ rằng tôi là người phù hợp trực tiếp để hiến thận. Tôi thực sự phấn khích khi biết điều đó. Tôi không hề lo lắng và tôi biết mình đang được chăm sóc tận tình bởi người có chuyên môn. Tôi hiến gan cho mẹ vào ngày 25/6/2021 và tiếp tục hiến thận 1 năm sau đó”.

    Tiến sĩ Timucin Taner – Trưởng khoa Phẫu thuật cấy ghép ở phòng khám Mayo Clinic thực hiện ca ghép gan cho bà Marzena. Ông cùng các đồng nghiệp đã nghiên cứu tác động của việc ghép gan đối với hệ thống miễn dịch, bao gồm cả nghiên cứu về cách ghép gan trước khi ghép tim có thể làm giảm sự đào thải trong ghép tạng.

    Theo Tiến sĩ Taner, mẹ con bà Marzena là trường hợp đầu tiên giúp họ biết về ảnh hưởng của gan đối với phản ứng miễn dịch ở bệnh nhân, cho phép tiếp tục nhận thận từ cùng một người hiến tặng. “Cô ấy đã hiến tặng 2 bộ phận trong vòng 1 năm cho cùng một người. Vậy là cô ấy đã cứu sống mẹ mình 2 lần”, vị chuyên gia nói về Jennifer.

    Mạng lưới Chia sẻ Nội tạng thống nhất (UNOS) thông tin trên khắp nước Mỹ, có gần 106.000 người nằm trong danh sách chờ cấy ghép tạng. Đến nay, gần 40.000 ca cấy ghép đã được thực hiện.

    “Trung bình, thường có khoảng 25.000 người ở Mỹ đang chờ ghép gan. Trong số đó, mỗi năm, chúng tôi chỉ có thể tiến hành cấy ghép cho tối đa khoảng 9.000 người vì chúng tôi chỉ có ngần ấy gan hiến tặng”, Tiến sĩ Taner cho hay.

    Jennifer mô tả công việc của một y tá là làm nhiều ca, làm muộn, giúp đỡ bệnh nhân và gia đình họ trong thời kỳ cao điểm của đại dịch. Việc hiến tạng cho mẹ 2 lần đã truyền thêm sức mạnh cho cô.

    Cô nói: “Chứng kiến bệnh nhân ra đi vì COVID-19 thực sự tàn khốc. Tôi cảm thấy vô cùng bất lực. Thế nhưng, chỉ cần biết rằng mình có thể làm một điều gì đó không phải là vô vọng, chỉ cần có sức mạnh đó, tôi có thể thực sự làm được tất cả. Cứu sống mẹ 2 lần, điều này thật tuyệt vời”.

    Giáng sinh năm 2022 đặc biệt hơn bất cứ kỳ nghỉ nào trước đó, khi là Giáng sinh đầu tiên mà bà Marzena cảm thấy khỏe mạnh sau khoảng 7 năm. Người phụ nữ cho hay món quà của con gái đã thay đổi cuộc đời bà.

    “Tôi rất biết ơn. Tôi không nghĩ mình có thể diễn tả hết thành lời. Bạn có thể nói gì với đứa con gái đã hiến 2 bộ phận cơ thể để cứu mẹ mình?”, bà Marzena tâm sự trong khi cố kìm những giọt nước mắt xúc động.

    DOISONGPHAPLUAT.COM |

    <% include googleAnalystic %>
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/con-gai-2-lan-hien-tang-cuu-nguoi-me-mac-benh-than-a561819.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan