(ĐSPL) - Rời trung tâm Giáo dưỡng, H.G. cố tìm lại mái ấm xưa, nơi người mẹ còm cõi của cô luôn dang rộng vòng tay chờ đón. Thời gian cứ trôi, cuộc sống bình yên sau những biến cố vẫn là khát vọng của cô. Nhưng, số phận không bao giờ bình lặng với cô. Vẫn còn đó một bí mật đã đưa cô đến ngã rẽ bước vào con đường đầy tăm tối và tội lỗi - nghề “má mì”...
Ám ảnh quá khứ
Ngày H.G. rời trung tâm Phục hồi nhân phẩm chỉ có người mẹ già còm cõi đến đón. Nhìn dáng mẹ gầy còm, tất tả lặn lội đường xa đón đưa đứa con bất hiếu, cô không cầm nổi những dòng nước mắt và không dám nhìn vào khuôn mặt mẹ. Cô lầm lũi ôm chiếc ba lô theo bà ra bến xe.
Trên chuyến xe bus từ Hà Nội về, cô không nói nửa lời, mặt cúi gằm để cố giấu những giọt nước mắt không ngừng lăn trên khuôn mặt hốc hác. Nghĩ tới cảnh anh trai bị chết vì sốc ma túy, rồi hai đứa con nhỏ dại mà anh để lại, cô chỉ muốn lao vào ôm chặt lấy mẹ. Nhưng dường như giữa cô và mẹ đang có một bức tường vô hình chắn ngang.
Gần hai tiếng ngồi trong câm lặng, cuối cùng, cô cũng về đến nhà. Trời cũng vừa đổ bóng. Vẫn là không gian cũ ngày xưa, nhưng với cô nó hoàn toàn mới mẻ. Căn nhà không thay đổi nhiều lắm sau lần cô dứt áo ra đi và bị bán vào nhà thổ, nhưng mỗi góc nhỏ đều khá lạ lẫm. Mệt mỏi sau chuyến đường dài, H.G. lao vào giường nằm khóc thút thít một lúc rồi ngủ vùi một mạch tới sáng hôm sau.
Ít ai có thể ngờ, sau những bão táp của cuộc đời, H.G. lại trở về nơi mà cô đã ra đi. Lớp bùn nhơ của cuộc đời cùng những đồng tiền kiếm nhanh như chớp mắt, cũng đã theo đà cuộc chơi như thể của thiên trả địa. Cuộc sống cứ dần trôi, nhận được sự cảm thông từ gia đình, đặc biệt là mẹ, dần dần cô cũng lấy lại thăng bằng. Cô bắt đầu hỗ trợ mẹ bán hàng, làm những việc nội trợ. Cuộc sống mà trước đây, trong giấc mơ, cô chưa từng một lần thấy. Hạnh phúc nhỏ nhoi mà thiêng liêng biết bao. Đến giờ, cô thực sự không hiểu vì sao, những điều thiêng liêng như thế đã từng vụt khỏi tầm tay.
Tuy không còn nhan sắc sau những cuộc chơi tàn phá sức khỏe, nhưng so với những cô gái nông thôn cô vẫn thuộc người “nhìn được”, vì biết cách ăn mặc và trang điểm. Bí mật sâu kín của cuộc đời như những vết nhơ mà H.G. muốn chôn vùi vĩnh viễn. Dẫu biết rằng, có thể một ngày nào đó, sự thật sẽ phơi bày...
Trở lại làng quê, H.G. lại về với tuổi thơ của mình, lại có tiếng là gái ngoan từ xưa, chẳng thế mà dần dà không ít các chàng trai hẹn hò, tán tỉnh. Trong những người tìm đến với H.G., cô ưng nhất một người tên B., anh đẹp trai, hiền lành, thật thà. Tình yêu trong họ đã chớm nở. Nhiều người nhìn đôi bạn trẻ, không khỏi xuýt xoa và một đám cưới ngập tràn hạnh phúc đã đến với họ sớm hơn dự định.
H.G. đã lấy được lại thăng bằng trong cuộc sống -Ảnh minh họa |
Bi kịch cuối cùng
Nhưng, chuyện lại không diễn ra theo đúng như quy luật của nó, giống như những toa tàu lao ra khỏi đường ray định mệnh. Bởi lẽ, thời điểm trước khi diễn ra đám cưới, “má mì” H.G. đang mang trong mình giọt máu của một người đàn ông khác hơn bố cô 2 tuổi. Càng trớ trêu thay, người đàn ông ấy đã có gia đình.
Khi biết tin, chồng H.G. vội vã khẩn khoản đưa ánh mắt như van lơn và nói: “Thai vẫn còn nhỏ, em cân nhắc có thể bỏ đi được không? Mình làm lại từ đầu? Chúng mình đã là vợ chồng rồi mà. Sao em nỡ lòng nào làm thế?”. Lúc đó, ánh mắt H.G. như vô hồn nhìn về phía chân trời không nén nổi tiếng thở dài như vô tận. Cái thai ngày một lớn dần đồng nghĩa với việc, H.G. phải đối mặt với cả thế giới chống lại mình trong đó có cả bố mẹ đẻ. Chờ đợi trong tuyệt vọng vì biết rằng, bố đứa bé có hàng ngàn lý do để không thể là người đàn ông của cô, H.G. thực sự cảm thấy bế tắc và đau khổ. Vấp phải rào cản từ tất cả mọi phía, nhưng vì thứ tình yêu như bị bỏ bùa mê khiến con người cô như không thể ngừng lại. Cô dứt bỏ tất cả để sinh con. Và, cô có một niềm tin, người đàn ông hơn bố mình 2 tuổi kia sẽ chăm sóc cho mình.
Sinh con trong bệnh viện lớn nhưng cái cảm giác không hề an toàn và bình yên, bởi lúc lên bàn sinh H.G. vẫn không thể liên lạc được với bố đẻ của con mình, dù trước đó là vô số cuộc gọi và tin nhắn trong vô vọng... “Mãi về sau này, tôi mới hiểu, vợ anh biết tin tôi sắp sinh không cho anh liên lạc và đến với tôi”, H.G. nói.
Mất chồng, mất gia đình... có những lúc cùng cực, cô đã nghĩ đến quyên sinh, nhưng khi nghĩ lại hình ảnh con, làm cô đau đớn, day dứt khôn nguôi, nó tội nghiệp và ngây thơ quá. May mắn thay, trong cái quãng thời gian đau đớn và tuyệt vọng ấy, cô có người mẹ chồng thấu hiểu và cảm thông luôn sát cánh, dõi theo và sẻ chia.
Bà thừa hiểu những gì cô đã làm, nhưng không hề oán trách, dù rằng, nỗi đau cô gây ra cho con trai bà là quá sức tưởng tượng. Những lần vỗ về, ôm đứa con bé bỏng, mà nước mắt đầy vơi, không một giây phút cô tha thứ cho bản thân và chỉ có thể khóc. Điều làm cô sợ hãi hơn cả mỗi khi nghĩ đến là sau này con lớn lên sẽ biết quá khứ của mẹ.
Lần cuối cùng, chúng tôi gặp lại cô đúng dịp sinh nhật bé H.T. 2 tuổi. So với những ngày được ra khỏi trung tâm Phục hồi nhân phẩm, cô đã già đi nhiều và dường như lúc nào cũng muốn rũ bỏ quá khứ vẫn còn ám ảnh cả trong giấc ngủ.
H.G. kể: “Đúng hôm sinh nhật con tôi, B. về và ôm tôi nói: Em ơi! Mình làm lại từ đầu được không em? Mọi thứ đã qua rồi, em về với bố con anh được không em? Rồi anh bật khóc như đứa trẻ. Lúc đó, tôi nghẹn ngào, chỉ kịp nghiến chặt hai hàm răng để anh không biết tôi đang khóc thương cho cuộc đời anh và cả tôi nữa. Người đàn ông ấy yêu thương tôi hết lòng và thật tâm chưa bao giờ anh làm tôi suy nghĩ hay tổn thương, dù là một vấn đề nhỏ nhất. Tôi đã mất anh và có lẽ tôi sẽ không tìm được một người như anh nữa”.
Thấm thoắt đã được hơn hai năm từ khi bé H.T. ra đời. Sinh con và nuôi con trong nỗi đau không thể sẻ chia cùng ai. H.G. lại bước vào một bi kịch khác của cuộc đời, cô đơn thân, bươn chải và cố sống bằng tình yêu thương, trách nhiệm với con, để bù đắp lại cho sự thiệt thòi cô đã gây ra.
Nhìn đứa con hồn nhiên và xinh xắn, cô chia sẻ: “Đó là niềm vui duy nhất còn lại của tôi. Tôi vẫn cảm thấy may mắn khi vượt qua những tháng ngày đau đớn nhất của một người phụ nữ. Giờ đây, tôi chỉ có khao khát duy nhất là tìm được một công việc phù hợp với bằng cấp. Quả thật, nó quá xa vời. Đời tôi, vẫn như một giấc mộng, tìm ngày bình yên”.
Chia tay chúng tôi, H.G. nói trong chua xót: “Người ta thường nói “cuộc đời như giấc mộng trả vay”. Giờ đây, tôi hiểu hơn bao giờ hết, tôi phải sống để trả cái giá cho một sự lựa chọn...”. Luật đời chả cho ai không thứ gì chỉ để “đốt cháy giai đoạn” mà thèm muốn đổi đời, H.G. đã trả giá. Bài học này chắc chẳng dành cho riêng ai...
Diệu Nam – Sa Hà