(ĐSPL) – Tờ báo Bỉ La Libre cho biết họ đã từng phỏng vấn mẹ của tên khủng bố có gương mặt "trẻ thơ" Bilal Hadfi 10 ngày trước khi xảy ra vụ tàn sát khiến 129 người chết ở thủ đô Paris nước Pháp hôm 13/11 vừa qua.
Bilal Hadfi, 20 tuổi, người Pháp gốc Ma-rốc, là một trong những kẻ tham gia vụ tấn công Paris đêm 13/11 vừa qua. |
Bilal Hadfi là một trong ba kẻ đánh bom tự sát tại sân vận động nơi mà Tổng thống Pháp Francois Hollande đang theo dõi trận cầu giữa Pháp và Đức. Hadfi là người Pháp, mang quốc tịch Bỉ, 20 tuổi.
Mẹ của Hadfi, bà Fatima đã chia sẻ với báo giới một số thông tin, phần nào chỉ rõ con đường mà Hadfi đã đi để từng bước trở thành kẻ khủng bố cho dù hắn có khuôn mặt rất “trẻ thơ” và thánh thiện.
Mười ngày trước vụ tấn công tại Paris, bà chia sẻ với La Libre rằng: “Tôi rất sợ nhận được tin nhắn hay bất kỳ tài liệu, thông báo nào về con trai của mình”.
Bà Fatima cho biết, sau khi bố của Hadfi mất, hắn đã nói với cả gia đình rằng mình muốn đến Ma-rốc viếng mộ cha, nhưng thực chất đã đến Syria vào tháng 2/2015. Đêm trước khi đi, Hadfi đã đến gặp mẹ mình và bà cảm thấy “nó có cái gì đó không được bình thường”.
“Hadfi trở về nhà với đôi mắt đỏ ngầu và lặng lẽ ôm mẹ trong vòng tay. Có lẽ nó đã biết đó là sự bắt đầu một cuộc sống mới, không thể quay đầu. Qua từng ngày, tôi cảm thấy nó như một nồi áp suất vậy, không biết lúc nào sẽ nổ tung”.
Một trong những giáo viên cũ của Hadfi, bà Sara Stacino cho biết anh ta đã tỏ ra là một sinh viên rất cực đoan trong khoảng thời gian vài tháng sau khi xảy ra vụ thảm sát tại tòa soạn Charlie Hebdo ở Paris (7/1/2015).
“Sau vụ khủng bố Charlie Hebdo, Hadfi luôn bồn chồn, lo lắng và suốt ngày nhìn xuống sàn nhà. Hadfi bảo vệ cuộc tấn công và cho rằng đó là bình thường, những vấn đề được gọi là “tự do ngôn luận” cũng như động chạm đến tôn giáo phải được dừng lại. Lúc đó tôi cũng đã rất lo lắng và đã làm báo cáo văn bản gửi cho bộ phận quản lý sinh viên của trường”.
Khi ở Syria, Hadfi đã gọi điện thoại cho mẹ mình và cố gắng thuyết phục bà tham gia việc xây dựng một nhà nước Hồi giáo. Trong cuộc tranh luận với anh trai mình, Hadfi đã quát lên: “Đừng có hét lên như vậy! Đó là quyết định của tôi. Ở lại đất nước này tôi chẳng là cái gì cả”.
Theo bà Fatima, lúc Hadfi gọi điện thoại rõ ràng có người khác ở bên cạnh giám sát. Sau đó bà đã không báo cảnh sát nhưng lại luôn lo lắng và sợ con trai trở về nhà.
Cả nhà Hadfi đã bị cảnh sát chống khủng bố khám xét khoảng 3 tháng trước và họ biết rằng Hadfi có tên trong danh sách theo dõi khủng bố. Từ đó đến khi xảy ra cuộc tấn công Paris vừa qua, Hadfi đã không có bất kỳ liên lạc nào với gia đình.
PHƯƠNG PHƯƠNG(Theo Telegraph)
Xem thêm video Tin tức:
[mecloud]ywLv3R1xVj[/mecloud]