Nghe bố chồng thổ lộ, chị Hợp buột miệng “máy con hàng Nhật, bố không phải lo không có cháu bế đâu”...
Ảnh minh họa. |
Khi nàng dâu phải thề thốt “máy xịn"
Câu chuyện của chị Nguyễn Thị Hợp trú tại Ân Thi, Hưng Yên khiến bác sĩ tại trung tâm hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Phụ sản Trung ương bật cười. Vợ chồng chị Hợp cưới nhau được đã lâu nhưng chưa có con. Gia đình nhà chồng thường nhắc nhở con cái không nên kế hoạch mà để tự nhiên. Họ không biết rằng chồng chị Hợp bị yếu tinh trùng không thể có con.
Mỗi lần vợ chồng con cái đi làm xa, ông bà lại nhắc khéo “lần này thì cứ để tự nhiên đi đừng kế hoạch”. Chồng chị Hợp muốn sĩ diện với mọi người nên không cho vợ kể mình bị bệnh với ai. Thành thử, chị Hợp cứ mang tiếng “kế hoạch” mãi.
Có hôm, bố chồng lên Hà Nội thăm vợ chồng con trai, ông tâm sự với chị Hợp ông bà mong mỏi có cháu bế, "các con ở đây lo không nuôi nổi con cứ gửi về nhà bố mẹ nuôi cho”. Nghe bố chồng thổ lộ, chị Hợp buột miệng “máy con hàng Nhật, bố không phải lo không có cháu bế đâu”.
Chị không biết rằng câu nói vô tình của chị khiến cả gia đình nhà chồng hoang mang. Họ sợ vợ chồng chị bị bệnh gì. Mẹ chồng chị Hợp lên tận Hà Nội đòi theo hai con đến bệnh viện kiểm tra xem ai là hàng Nhật xịn, ai là hàng lởm. Cuối cùng, kết quả kiểm tra chị Hợp bình thường, anh chồng bị yếu tinh trùng. Câu nói khiến chị Hợp nhiều lần thấy xấu hổ nhưng cũng nhờ nó, bố mẹ chồng biết chuyện con trai của họ yếu nên không tạo sức ép với chị Hợp nhiều.
Vợ chồng ly hôn vì không đẻ được
Vợ chồng chị Hoàng Thu Thảo (Thủy Nguyên, Hải Phòng) cưới nhau được 5 năm nhưng vẫn chưa có con. Họ đi lễ bái khắp nơi, rồi đến ông lang này, ông lang nọ bốc thuốc nhưng vẫn không mảy may có tín hiệu. Một mặt vì áp lực gia đình, một mặt nghĩ vợ mình khó có thể sinh con nên chồng quyết định ly dị chị.
Trước khi ký đơn ly dị, chị Thảo có ước nguyện cuối cùng là nhờ chồng lên viện lấy tinh trùng để chị làm thụ tinh trong ống nghiệm lần cuối. Lần đó, chị cũng không hi vọng nhiều nhưng để tâm lý thoải mái hơn. Éo le một nỗi, đúng cái ngày Trung tâm Hỗ trợ sinh sản vào lịch lấy bơm phôi cho chị thì tòa triệu tập hai vợ chồng giải quyết chuyện ly hôn. Chị Thảo cố nán lại xin hoãn để lên viện bơm phôi. Sau khi bơm phôi chị phải theo dõi 6 tuần. Khi chị về nhà chồng, mẹ chồng còn dè bửu cho rằng chị cố đấm ăn xôi. Vợ chồng lên tòa để cán bộ tòa án làm thủ tục cho địa phương hòa giải. Trong thời gian chờ hòa giải, phôi thai trong bụng chị Thảo lớn dần lên. Họ sững sờ khi biết mình đậu 2 thai. Nói trong nước mắt, chị Thảo cứ ôm chặt bác sĩ vừa khóc vừa mếu máo cảm ơn.
Câu chuyện của chị Nguyễn Thị Dung (Thái Bình) buồn bã không kém chuyện của chị Thảo. Hành trình đi tìm con của chị đã không dưới 10 năm. 18 tuổi, chị lấy chồng. Gia đình nhà chị Dung khá giả, lại là con một, mẹ làm cán bộ nên chị được bà ưu tiên rất nhiều. Tuy nhiên, cái gia đình nhà chồng cần là có đứa cháu thì chị Dung không làm được. Biết bao cơ cực chị đã trải qua khi nhà chồng chê… không đẻ được.
Lần nào chị chào bố mẹ chồng hay mời ăn cơm nhưng các cụ cũng không thèm trả lời nên chị cứ ra vào như cái bóng. Từ quê, chị cùng người mẹ đẻ khăn gói đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác để điều trị. Chị Dung bị chứng teo dạ con.
Bác sĩ khuyên chồng chị Dung lên khám để kiểm tra, lúc này mới biết người chồng cũng mắc chứng lãnh tinh. Khi biết nguyên nhân vô sinh do cả hai vợ chồng, gia đình nhà chồng chị Dung mới thôi không chê bai cô con dâu không biết đẻ. Vợ chồng chị Dung quyết định xin con nuôi.