Bé Phạm Thị Thu H. (9 tháng tuổi), được bệnh viện Sản nhi Ninh Bình chẩn đoán bị sốc phản vệ do thuốc Lincomycin. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng bại não của bé H. ở thời điểm hiện tại.
Được biết, loại thuốc trên được y sĩ Phạm Văn Khẩn ở gần nhà tiêm để điều trị bệnh lý viêm phổi cho bé.
Kể lại chi tiết sự việc, chị Nguyễn Thị Nhàn (23 tuổi, xóm 8, Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình), cho hay, bé H. sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh. Ngày 11/2/2018, bé bị ho, sốt. Gia đình cho bé đi bệnh viện huyện Yên Khánh thăm khám. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán bé H. bị viêm phổi. Điều trị được 3 ngày tại bệnh viện huyện Yên Khánh, tình trạng bệnh bé H. không thuyên giảm, bé bỏ bú.
Sau khi tiêm đủ thuốc tại bệnh viện, chị Nhàn cho cháu H. về nhà để ngày mai lên tiêm tiếp.
Bé H. đang được bố chăm sóc tại bệnh viện Nhi Trung ương.
Tối 29/2, chị Nhàn lên nhà bố đẻ chơi có gặp y sĩ Phạm Văn Khẩn (là người đang hoạt động khám, chữa bệnh cho người dân tại xã Khánh Nhạc trong nhiều năm nay – PV), đang tiêm thuốc cho bố đẻ của chị. Chị Nhàn có nói chuyện con mình đang bị viêm phổi điều trị mãi vẫn chưa khỏi.
“Y sĩ Khẩn khuyên vợ chồng tôi để ông điều trị dứt điểm cho cháu, vì viêm phổi trẻ sẽ không lớn được. Hơn nữa, ông Khẩn còn bảo bệnh viện tiêm thiếu thuốc nên chưa khỏi được, ông sẽ chữa khỏi cho con tôi. Ông kê cho tôi 3 loại thuốc về cho con uống (thuốc cảm, long đờn, kháng sinh) và hẹn hôm sau đưa cháu xuống để ông tiêm thuốc. Do ông cùng làng, lại khám, chữa bệnh cho nhiều người tại địa phương trong thời gian dài nên vợ chồng tôi hoàn toàn tin tưởng và đã đồng ý để ông điều trị bệnh cho con”, chị Nhàn cho hay.
Sáng 15/2, chị Nhàn đưa con sang nhà bố đẻ của mình và ông Khẩn sang để tiêm thuốc cho cháu.
Tại đây, ông Khẩn có dùng một lọ thuốc (dạng lỏng) là Liconmycin và một thuốc dạng bột là Pamatase để tiêm cho cháu H. Trước khi tiêm, y sĩ Khẩn không hề thử phản ứng.
Hai loại thuốc ông Khẩn tiêm cho cháu H. (Ảnh: Gia đình cung cấp).
“Tại thời điểm tiêm, con tôi vẫn hoàn toàn bình thường, tỉnh táo, không có biểu hiện khác thường. Tuy nhiên, khi ông Khẩn vừa rút mũi kim ra khỏi tay con tôi, cháu lịm đi, đầu gục xuồng, toàn thân bắt đầu tím tái, có dấu hiệu khó thở.
Thấy cháu có dấu hiệu xấu, ông Khẩn tiếp tục tiêm một mũi thuốc trợ tim nhưng tình trạng của cháu không thuyên giảm. Lúc này, ông Khẩn có nói, con tôi bị sặc đờm nên làm động tác vỗ vào lưng và bảo vợ chồng tôi hút đờm, dãi để sơ cứu cháu”, chị Nhàn đau đớn kể.
Tuy nhiên, tình trạng cháu H. ngày càng xấu nên gia đình liền gọi cấp cứu đưa cháu lên bệnh viện huyện Yên Khánh. Sau đó, tình trạng sức khỏe bé H. bị nặng được chuyển lên bệnh viện Sản nhi Ninh Bình.
“Khi chồng tôi bế con trên tay đi cấp cứu, người con tôi mềm nhũn, khó thở. Con tôi được cấp cứu ép tim 15 phút tại bệnh viện huyện Yên Khánh, sau đó chuyển lên bệnh viện Sản nhi Ninh Bình. Tại bệnh viện Sản nhi Ninh Bình, con tôi được bác sĩ kết luận sốc phản vệ do Linconmycin, chụp CT não đã bị bại não. Tuy nhiên, con tôi vẫn bị hôn mê nên được chuyển lên bệnh viện Nhi Trung ương tiếp tục điều trị”, chị Nhàn nói.
Vợ chồng chị Nhàn rất hối hận chỉ vì tin “y sĩ làng” khiến con bị bại não không thể hồi phục được.
Thông tin thêm về sức khỏe của con, chị Nhàn cho hay, hiện tại cháu bị teo 2 bên bán cầu não và giãn não thất. Từ ngày xảy ra sự việc, cháu đau đớn nhưng không thể khóc được, không có nhận thức xung quanh sau khi tỉnh lại.
Từ khi bé H. bị sốc phản vệ do thuốc của y sĩ Khẩn tiêm gia đình chị Nhàn đã phải chi phí gần 100 triệu đồng điều trị cho cháu. Được biết, gia đình chị Nhàn thuộc diện khó khăn tại địa phương nhưng dù biết con tiên lượng điều trị xấu vẫn quyết tâm điều trị.
“Nhìn con mà nước mắt cứ chảy, thương xót con vô cùng dù biết điều trị khó phục hồi như cũ nhưng còn nước con tát”, chị Nhàn tâm sự.
Hiện, bé H. đang điều trị tại khoa Thần kinh, bệnh viện Nhi Trung ương. Gia đình chị Nhàn cũng đã làm đơn cầu kêu cứu các cơ quan chức năng đòi lại công bằng cho con.
Trao đổi với y sĩ Phạm Văn Khẩn, vị y sĩ này cho hay, ông được gia đình bệnh nhi H. nhờ tiêm thuốc điều trị viêm phổi. Khi tiêm, bé nhiều đờm dãi nên bị sặc dẫn tới khó thở và tím tái.
“Bước đầu, tôi cấp cứu cho cháu và cho đi viện. Thuốc tôi tiêm cho cháu mua tại các nhà thuốc, từ xưa tới nay bệnh viện vẫn dùng bình thường. Tôi pha thuốc đúng nồng độ và đúng liều lượng. Cháu ra Hà Nội điều trị nên tôi không ra thăm được nhưng hàng ngày vẫn gọi điện hỏi thăm. Khi cháu ở Ninh Bình, tôi có tới thăm hỏi”, ông Khẩn nói.
Tuy nhiên, theo lời anh Phạm Văn Bốn (bố bé H.), gia đình đã nhiều lần liên lạc với ông Khẩn để giải quyết vụ việc nhưng ông Khẩn vẫn thoái thác trách nhiệm
Về phía sở Y tế Ninh Bình, ông Vũ Mạnh Dương, Giám đốc Sở cho hay, phía Sở đã nhận được đơn kêu cứu từ gia đình anh Phạm Văn Bốn về tình trạng của bệnh nhi Phạm Thị Thu H. vào ngày 4/4. Hiện tại, sở Y tế Ninh Bình đã giao cho các cơ quan chuyên môn xử lý.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.
Theo Nguoiduatin