Theo luật sư, về nguyên tắc, mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên tự thỏa thuận. Tuy nhiên, nếu các bên không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá 50 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Con bị cô giáo đánh, phụ huynh đòi bồi thường 100 triệu đồng
Theo đó, vụ việc xảy ra vào khoảng tháng 12/2018 tại Trường Mầm non Tây Thạnh 2, quận Bình Tân, TPHCM.
Theo bản tường trình của bà Đinh Thị Anh Đào, hiệu trưởng Trường Mầm non Tây Thạnh 2, ngày 6/12, gia đình anh Đ.D.D., là phụ huynh cháu P. (đang học tuổi tại trường) dẫn theo cháu đến trường phản ánh việc cháu bị đánh khi phát hiện trên người cháu có nhiều vết bầm tím, trầy xước.
Vết trầy xước trên người cháu P. Ảnh: Người Đưa Tin |
Khi phụ huynh đến trường phản ánh về sự việc cháu P. bị đánh, lúc đầu cô giáo dạy bé quanh co, không nhận lỗi. Sau khi được động viên, cô giáo thừa nhận hành vi đánh bé. Bà hiệu trưởng và cô giáo cũng đến nhà phụ huynh để xin nhưng lúc đó, phụ huynh đang bận việc không thể tiếp.
Ngày hôm sau, bà Đào nhận được bản tường trình về sự việc và đơn xin nghỉ việc của cô giáo gửi ở bảo vệ. Cô giáo về quê, phía nhà trường cũng không liên lạc được với người này.
Theo bà Đào, nhiều lần trường cử người đi thăm bé P. nhưng phụ huynh đi vắng, hai bên chưa thể gặp để làm việc.
Ngày 2/1/2019, ông D. và nhà trường gặp gỡ. Tại đây ông D. đề nghị trường thanh toán 900.000 đồng tiền thăm khám của bé P. và phạt cô giáo 10 triệu đồng, cho thời hạn 20 ngày (đến ngày 22/1), nếu không sẽ khởi kiện cô giáo và bà Đào.
Trước đề nghị này, bà Đào xin phụ huynh bỏ qua cho cô giáo nhưng ông D. không đồng ý và cho rằng như vậy là nhẹ cho cô giáo rồi, còn không ông gửi đơn khởi tố, có thể đi tù, thiệt hại còn nặng hơn. Sau buổi gặp, ông D. đã ra văn phòng ký nhận 900.000 đồng.
Tuy nhiên, cả hai bên tiếp tục bất đồng quan điểm và đến ngày 23/1, nhà trường nhận được đơn ông D. gửi đơn.
Sau khi nhận được đơn, nhà trường chủ động liên hệ với phụ huynh hẹn gặp với tinh thần hòa giải. Tại buổi gặp, vợ ông D. đưa ra thỏa thuận bồi thường 15 triệu đồng và phía nhà trường nhất trí với mức này.
Tuy nhiên, khi đại diện trường đến nhà ông D. để bồi thường thì ông D. lại đưa ra mức bồi thường là 24 triệu đồng bao gồm các khoản: 10 triệu đặt cọc luật sư, 10% tiền hủy hợp đồng luật sư là 4 triệu, 5 triệu giao dịch, 1 triệu tiền khám sức khỏe bé và 5 triệu để để gửi cho các nơi ông đã gửi đơn tố cáo, giờ rút lại.
Hai bên lại tiếp tục thương lượng và "chốt giá" ở con số 19 triệu đồng. Bà Đào đề nghị sẽ chuyển khoản vì không mang đủ tiền nhưng ông D. không đồng ý và yêu cầu đưa tiền trước 2h chiều thì ông lên Phòng GD&ĐT rút đơn, không kiện nữa…
Tường trình của đại diện trường mầm non Tây Thạnh 2 gửi Phòng GD&ĐT Bình Tân việc phụ huynh đòi bồi thường. Ảnh: Tiền Phong |
Phía Ban giám hiệu nhà trường thống nhất trao tiền thì ông D. hoặc vợ phải ký vào phiếu chi để về thanh toán. Còn không thì hẹn lên Phòng GD&ĐT làm việc. Đúng thời điểm đó, phía Phòng GD&ĐT quận gọi điện nhắc về cuộc gặp chiều nay về sự việc, nhà trường có kể lại tình hình thương lượng với phụ huynh và được Phòng ý kiến là không can thiệp nhưng quá trình như vậy cần có sự chứng kiến của Phòng và để có báo cáo kết thúc sự việc.
Tuy nhiên, tại cuộc gặp tại Phòng GD&ĐT quận Bình Tân chiều 31/1, phụ huynh Đ.Đ.D. đòi bồi thường 100 triệu đồng rồi xin về sớm vì bận việc. Cuộc hòa giải không thành, phụ huynh D. tiếp tục gửi đơn kiện.
Mức bồi thường tổn thất về tinh thần là bao nhiêu?
Liên quan đến việc phụ huynh của cháu P. đòi bồi thường số tiền lên tới 100 triệu đồng có căn cứ hay không, trao đổi với PV Báo Người Đưa Tin về vấn đề này, chuyên gia pháp lý Diệp Năng Bình (đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh) cho biết:
Nguyên tắc đầu tiên cần phải khẳng định là người nào gây thiệt hại, người đó phải bồi thường. Trong trường hợp tỷ lệ tổn hại sức khỏe chưa đến mức xử lý hình sự thì người vi phạm sẽ bị xem xét xử lý theo quy định của Bộ luật dân sự (BLDS).
Luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn luật sư TP.Hồ Chí Minh). Ảnh: Người Đưa Tin |
Tại khoản 1 Điều 584, BLDS năm 2015 quy định: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”.
Luật sư Bình nói thêm, người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác phải chịu trách nhiệm cả vật chất lẫn tinh thần, cả thiệt hại trực tiếp lẫn gián tiếp.
Điều 590, BLDS năm 2015 xác định thiệt hại do sức khỏe bị đe dọa bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại. Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại. Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại. Thiệt hại khác do luật quy định.
Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.
Luật sư Bình cho biêt, bồi thường tổn thất về tinh thần là dạng bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Trong mọi trường hợp, khi tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm thì người bị thiệt hại đều được bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần. BLDS năm 2015 quy định tăng mức trần bồi thường tổn thất về tinh thần khi người có tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm.
Về nguyên tắc, mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên tự thỏa thuận. Tuy nhiên, nếu các bên không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá 50 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
“Chiếu theo quy định nêu trên, hiện mức lương cơ sở là 1,39 triệu đồng x 50 lần = 69,5 triệu đồng. Như vậy, trong trường hợp phụ huynh cháu P. đòi bồi thường tổn thất tinh thần lên tới 100 triệu đồng là cao hơn quy định của pháp luật”, luật sư Bình nói.
Nguyễn Phượng (T/h)